TKV
Vì mục tiêu "khai thác xanh" tại Quảng Ninh
Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang tích cực quy hoạch, bảo vệ vùng khoáng sản, cải tạo môi trường các khu vực khai thác lộ thiên, lộ vỉa… trên quan điểm phát triển kinh tế đi cùng bảo vệ tài nguyên môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Định hướng khai thác bền vững
Quảng Ninh là một trong số ít địa phương sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng như than, đá vôi, đất sét, cát… với trữ lượng lớn. Lợi thế này đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tại đây ngày càng phát triển với 243 mỏ và điểm quặng của 33 loại khoáng sản thuộc 6 nhóm khác nhau. Hằng năm sản lượng khai thác khoáng phục vụ sản xuất công nghiệp ở Quảng Ninh đều tương đối lớn. Tuy nhiên, đi kèm nhịp độ phát triển nhanh của ngành công nghiệp khai khoáng chính là sức ép về môi trường. Ngoài nguy cơ đe dọa đến trữ lượng nguồn khoáng sản, hoạt động khai thác và chế biến còn tạo ra ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, khí độc, khí nổ và chất thải ở khu vực khai thác cũng như các địa điểm lân cận.
Bốc rót than phục vụ tiêu thụ tại cảng Cửa Ông |
Trước thực tế trên, Quảng Ninh xác định phải phát triển kinh tế song hành với bảo vệ tài nguyên môi trường một cách bền vững. Với định hướng này, tỉnh đã triển khai xây dựng hàng loạt quy hoạch như: Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030… Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch vùng cấm hoạt động khai thác khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn.
Theo đó, duy trì 5 khu vực cấm và 4 khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản than theo văn bản số 491 ngày 13-5-2002 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời bổ sung thêm 17 khu vực khoanh định cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích trên 181.000ha, khoanh định 3 khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích gần 40.000ha.
Bên cạnh đó, tỉnh đang thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm lập lại trật tự, giải tỏa bến bãi chế biến, tiêu thụ than trái phép và quy hoạch đường vận chuyển, cảng bến xuất than. Ngoài ra, ngành than cũng đang tập trung nguồn lực cải tạo, phục hồi môi trường tại các khu vực khai thác lộ thiên, lộ vỉa.
Mục tiêu khai khoáng xanh
Tỉnh Quảng Ninh hiện có hàng chục công ty, đơn vị đang hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than và các dịch vụ khác liên quan đến than, khoáng sản cùng trên 11 vạn thợ mỏ đang sinh sống, làm việc… Hằng năm, TKV trung bình đóng góp gần 40% cho ngân sách tỉnh Quảng Ninh, riêng trong năm 2015 TKV đã góp phần nộp ngân sách tỉnh đạt trên 50%. Không chỉ vậy, hoạt động của ngành than còn là động lực thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Đặc biệt, đồng hành cùng Quảng Ninh trong việc thực hiện Chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững với mục tiêu chuyển từ “nâu sang xanh”, TKV đã đặt mục tiêu “Mỏ xanh - Mỏ sạch - Mỏ an toàn” với nhiều giải pháp đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực sản xuất.
Khoảng 10 năm trở lại đây TKV đã có sự thay đổi sâu sắc về hệ thống kỹ thuật, công nghệ, năng lực sản xuất ở các mỏ, các đơn vị thành viên. Hệ thống đường chuyên dùng, bến cảng, nhà làm việc, nhà ở, nhà ăn công trường, nơi nghỉ của CNVC được nâng cấp; điều kiện làm việc trên mỏ lộ thiên cũng như trong mỏ hầm lò được cải thiện đáng kể, thu nhập và đời sống CNVC không ngừng cải thiện rõ rệt.
Cụ thể, trong lĩnh vực khai thác than hầm lò đã có sự phát triển đáng kể trên cơ sở không ngừng đổi mới và hiện đại hóa công nghệ nhằm tiết kiệm tối đa tài nguyên và nguyên liệu sản xuất. TKV cũng tập trung phát triển các ngành sản xuất chính (cơ khí, điện, vật liệu nổ công nghiệp…) theo hướng kinh doanh đa ngành trên nền than - khoáng sản với mục tiêu vừa bảo đảm hiệu quả, vừa nâng cao tính tự chủ, ổn định và bền vững, mang lại sự tăng trưởng ổn định cho TKV và đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để có được kết quả trên, ngành than đã chủ động sắp xếp, điều chỉnh ranh giới mỏ, giảm bớt tình trạng manh mún và giao ranh giới mỏ cho các chủ mỏ quản lý. Lập và tổ chức thực hiện kế hoạch đẩy mạnh thăm dò xác minh thêm trữ lượng than, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất của từng khoáng sàng và cả vùng mỏ, đảm bảo dữ liệu vững chắc cho quy hoạch và thiết kế phát triển các mỏ than lâu dài.
Đến nay TKV đã cải tạo, phục hồi môi trường hàng nghìn hécta bãi thải với tổng số kinh phí trên 500 tỉ đồng. Một số bãi thải hiện nay đã ổn định, cây phát triển phủ xanh kín như rừng. Còn hoạt động khai thác đá, cát sẽ ưu tiên những doanh nghiệp có công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến. Có thể kể đến các dự án thử nghiệm nghiền đá cát kết trong đá thải mỏ than (Hạ Long, Cẩm Phả), thau rửa cát nước lợ (Hải Hà) làm cát xây dựng nếu sản phẩm đạt tiêu chuẩn (kích thước cỡ hạt, cường độ kháng và độ nhiễm mặn).
Hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đã có phương án cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, 107 đơn vị cũng đã ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường để khắc phục môi trường nếu doanh nghiệp gây ra ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường với tổng số tiền ký quỹ trên 700 tỉ đồng.
Có thể thấy, việc phê duyệt các quy hoạch về quản lý khai thác khoáng sản sẽ là căn cứ pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn; đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài về quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản; ngăn chặn xử lý và chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Qua đó, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế xanh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.
Nguyễn Kiên