Giật mình những con số về giao thông Hà Nội
Hà Nội có số ô tô bằng 1/10 xe máy, nhưng diện tích bãi đỗ xe lại lớn gấp hơn 7 lần bãi đỗ xe của xe máy; diện tích bãi đỗ xe chỉ đáp ứng 10% nhu cầu, trong khi 90% còn lại đang nằm tản mát trên các hè phố, lòng đường và các ngõ ngách...
Hà Nội là nơi hội tụ của các tuyến giao thông quan trọng như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 5, quốc lộ 6, quốc lộ 32 và quốc lộ 68, do vậy vai trò của hệ thống đường tránh, đường vành đai, các cửa ngõ là đặc biệt quan trọng. Nhưng trên thực tế, hệ thống này của Hà Nội rất hạn chế và yếu kém, là nguyên nhân cơ bản dẫn tới thực trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các cửa ngõ của Thành phố.
90% xe đỗ “vô kỷ luật”
Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, 3 năm qua, phương tiện tham gia giao thông tại Hà Nội gia tăng nhanh và đa dạng về chủng loại. Trung bình 1 năm phương tiện đăng ký mới tăng 181.418 xe (trong đó có 20.276 ô tô, 161.142 mô tô). Số lượng phương tiện hiện thành phố đang quản lý là 4.214.694 phương tiện, trong đó có 380.201 ô tô, 3.834.493 mô tô, chưa kể đến số phương tiện của các cơ quan Trung ương, Quân đội, Ngoại giao, tổ chức quốc tế… và các tỉnh về làm việc tại Hà Nội. Ngoài ra, trong khu vực nội thành có khoảng 1 triệu xe đạp và 300 xe xích lô.
Hiện tại, mạng lưới tuyến xe buýt của thành phố có 80 tuyến (trong đó có 65 tuyến được trợ giá, 15 tuyến kế cận không trợ giá) với hơn 1.145 xe, vận chuyển trên 1.116.000 lượt hành khách/ngày.
Trên toàn Thành phố có 113 doanh nghiệp hoạt động với trên 15.000 xe taxi (tính đến 15/3/2011).
Khảo sát cho thấy, trong khu vực nội thành, diện tích đất cho bãi đỗ xe với 1,2% diện tích đất đô thị, (so với quy hoạch và tiêu chuẩn đề xuất là 5-6%), chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đỗ xe. 90% còn lại đang nằm tản mát trên các hè phố, lòng đường và các ngõ ngách.
Việc thiếu diện tích đỗ xe cho ô tô và xe máy, như quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng có nhu cầu đỗ xe lớn, mật độ phương tiện giao thông chiếm tới 60% toàn TP nhưng diện tích đỗ xe lại chỉ chiếm 22%. Do vậy, tình trạng các bãi đỗ xe mọc lên tự phát, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường gây cản trở, ùn tắc giao thông và mất mỹ quan đô thị còn phổ biến, khó kiểm soát.
Thiếu tiền = giao thông ách tắc
Mạng lưới giao thông đường bộ Thủ đô hiện có 2.150 nút giao thông từ ngã ba trở lên, hầu hết cá nút giao thông đều vượt quá khả năng thông xe nhưng chỉ có 181 nút được lắp đèn tín hiệu giao thông. Theo giải thích của Hà Nội thì việc đầu tư lắp đặt đèn tín hiệu giao thông cho các nút còn lại gặp khó khăn do kinh phí hạn chế (để điều khiển đèn tín hiệu, tại mỗi nút này đều cần có tủ điều khiển, bên trong có lắp đặt các thiết bị điện tử. Chỉ tính riêng tủ điều khiển và các thiết bị bên trong đều nhập của nước ngoài, giá trị lên tới 400 triệu đồng/tủ), trong khi đó nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách còn hạn hẹp. Đó là chưa kể sự cố mất điện, hỏng hóc… nhìn chung hệ thống đèn tín hiệu có nhiều bất cập, khả năng can thiệp của hệ thống này với giải toả ùn tắc giao thông còn rất hạn chế.
Một trong các yếu tố ảnh hưởng đến giao thông Hà Nội, đó là trường học và chợ. Theo thống kê, hiện Hà Nội có 2053 trường học từ bậc mầm non đến Đại học, 150 chợ lấn chiếm lòng đường. Thêm vào đó, hệ thống thoát nước ở Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước của thành phố trong giai đoạn hiện nay.
Xe nào “chiếm đất” giao thông nhiều nhất?
Có một con số khá ấn tượng liên quan đến chuyện đề án hạn chế xe cá nhân mà Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng. Lâu nay, rất nhiều ý kiến được đưa ra xung quanh chuyện cấm xe máy vì hầu hết đều cho rằng, xe máy không phải là “tội đồ” gây tắc đường mà chính là ô tô. Đây là loại phương tiện vừa gây tốn chỗ trên đường, vừa tốn diện tích bãi đỗ xe. Trong khi đó, nhiều ý kiến khác thì cho rằng, cần phải có nghiên cứu, khảo sát một cách khoa học trước khi “kết tội” loại phương tiện nào. Và đây là con số phần nào có thể giải toả thắc mắc đó:
Theo số liệu khảo sát và tính toán của Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng (Tramoc) – Sở GTVT thì hiện nay, có 33.000 người/giờ cùng hướng qua lại sông Hồng bằng cầu Chương Dương và Long Biên; 410.000 người/giờ đang sử dụng tuyến đường Ngã Tư Sở – Hà Đông. Nếu tất cả số người này đi lại bằng xe ô tô con thì cầu Chương Dương phải có 10 làn đường; Đường Nguyễn Trãi phải có 14 làn đường.
Thống kê cũng cho thấy, hiện Hà Nội có số ô tô là 380.201 chiếc, bằng khoảng 1/10 lượng xe máy (3.834.493), nhưng lại chiếm diện tích bãi đỗ xe là 377.151,5 m2, gấp hơn 7 lần diện tích bãi đỗ xe máy (52.117,8m2).
Theo VnMedia