Vì sao Đà Nẵng, Đồng Tháp, Quảng Ninh đứng đầu PCI 2015?
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015 (PCI 2015), trong đó ghi nhận Đà Nẵng, Đồng Tháp, Quảng Ninh là 3 tỉnh đứng đầu PCI 2015.
Người dân đến tìm hiểu thủ tục tại Trung tâm hành chính tập trung của TP Đà Nẵng. |
Theo VCCI, năm 2015 là năm thức 11 liên tiếp VCCI phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện khảo sát Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chỉ số PCI được xây dựng đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế, nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Và PCI chính là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố.
Và theo kết quả khảo sát của PCI 2015 thì Đà Nẵng, Đồng Tháp và Quảng Ninh chính là 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh. Kết quả này theo PCI 2015 là do các tỉnh Đà Nẵng, Đồng Tháp, Quảng Ninh đã có rất nhiều nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Cụ thể:
Năm 2015, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đây là năm thứ 3 liên tiếp và năm thứ 6 Đà Nẵng được vinh danh kể từ khi chỉ số PCI được công bố. Kết quả này có được, theo PCI 2015 trước hết là do Trung tâm hành chính tập trung của TP Đà Nẵng đi vào hoạt động từ tháng 9/2014 đã phát huy hiệu quả trong việc tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho cả người dân, doanh nghiệp lẫn cán bộ, công chức.
“Những kết quả này đã được ghi nhận trong điều tra PCI 2015. Năm nay, đa số các chỉ tiêu đo lường chi phí thời gian và hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính của Đà Nẵng đều được cải thiện. Tỉ lệ doanh nghiệp cho biết họ “không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký” tăng từ 67% năm ngoái lên 70%; tỉ lệ đánh giá “cán bộ công chức làm việc cũng tăng từ 71% năm ngoái lên 76%” – PCI 2015 đưa kết quả khảo sát.
PCI cũng nhấn mạnh, hướng tới việc xây dựng một “thành phố thông minh”, Đà Nẵng đã xây dựng mô hình chính quyền điện tử, thúc đẩy phát triển nhanh các dịch vụ trực tuyến, hiện đại hoá quản lý hành chính công, giám sát được hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Mô hình chính quyền điện tử của Đà Nẵng đã nhận được những phản hồi tích cực của cộng đồng doanh nghiệp khi kết quả điều tra cho thấy, chỉ tiêu liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Điểm số độ mở website hay cổng thông tin điện tử của thành phố tăng mạnh, tỉ lệ doanh nghiệp truy cập cổng thông tin của thành phố cũng tăng vọt lên 87% so với mức 55% của năm 2013, trở thành địa phương có tỉ lệ doanh nghiệp truy cập website chính quyền cao nhất cả nước.
Còn với Đồng Tháp - một tỉnh theo PCI 2015 là “khuất nẻo” – thì năm 2015 đã có những bước chuyển mình vô cùng ấn tượng, đứng thứ 2 trong bảng xếp hành PCI 2015. Kết quả này có được là do Đồng Tháp đã chú trọng xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu xây dựng dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân, xem hành chính là để phục vụ xã hội, phục vụ người dân... chứ không phải là công cụ quản lý xã hội.
Điểm nhấn quan trọng nhất của Đồng Tháp được PCI 2015 ghi nhận bên cạnh các mô hình như “Nụ cười công sở”, “Ngày thứ 6 nghe dân nói”... là việc UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch giảm 30% số cuộc hội, họp “để lãnh đạo các ngành, các địa phương có nhiều thời gian đi cơ sở để tiếp xúc với người dân, với doanh nghiệp, giúp giải quyết, tháo gỡ từng điểm nghẽn”. Và chính điều này đã giúp Đồng Tháp luôn duy trì được trí đầu bảng về chỉ số thành phần tỉnh năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh cũng như chi phí thời.
Đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI 2015, Quảng Ninh đã ghi dấu ấn mạnh mẽ khi năm 2015 là năm tỉnh có thứ hạng và điểm số cao nhất trong 11 năm điều tra PCI được công bố. Theo đó, trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã có nhiều đột phá nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp như thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, liên kết đến cấp xã gắn với xây dựng chính quyền điện tử. Quảng Ninh cũng là địa phương đã ban hành và thực hiện Đề án 25 - một sáng kiến chính trị hành chính có tính đột phá nhằm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong lựa chọn, đánh giá cán bộ.
Đáng chú ý, Quảng Ninh cũng được PCI 2015 ghi nhận là địa phương đi đầu trong hợp tác công – tư, thúc đẩy sự đầu tư của tư nhân trong phát triển hạ tầng, xây dựng và vận hành trụ sở chính quyền (đầu tư tư - sử dụng công). Tư duy mới và các chương trình hành động thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân đã giúp Quảng Ninh cải thiện điểm số cạnh tranh bình đẳng rất nhanh, từ 3,7 điểm năm 2014 lên 4,7 điểm năm 2015.
Xuất phát từ những quan ngại của nhiều doanh nghiệp (khoảng 80% trong năm 2014) về tình trạng “có sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các Sở, ngành”, năm 2015, Quảng Ninh đã tham khảo và ứng dụng mô hình chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện của Lao Cai, thực hiện thí điểm đánh giá và sáng tạo, mở rộng ra tới cấp Sở, ngành để thúc đẩy các đơn vị này nâng cao hiệu quả công tác, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Chính những nỗ lực cải cách, đột phá như trên đã giúp Đà Nẵng đứng ở vị trí số 1, Đồng Tháp ở vị trí số 2 và Quảng Ninh ở vị trí số 3 trong PCI 2015.
Thanh Ngọc