Ngành y tế rất dũng cảm!
Phát biểu tại hội trường, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) - Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng ngành y tế đã có nhiều dũng khí, dám nghĩ, dám làm trong 5 năm qua.
Điều đầu tiên ngành Y tế dám làm, đó là sắp xếp lại bộ máy y tế rất lùng nhùng từ trước đến nay, ngang dọc trực thuộc huyện, thuộc tỉnh. Bây giờ đã quy về một mối - tỉnh quản lý. Đây là một điểm sáng, điểm mạnh cần ghi nhận.
Vấn đề thứ hai, ông Tiên cho rằng, ngành y tế đã dám đi đúng các quy luật kinh tế, đó là điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Kể lại câu chuyện khi ban hành Kế hoạch điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Thủ tướng từng hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế rằng, có dám làm không, tự tin không. Thủ tướng cũng lo, nhưng ngành y tế đã quyết tâm.
Đại biểu Tiên cũng phân tích, ngành y tế đã dám làm theo đúng quy luật. Tiền không thể tự sinh ra được, nếu mà Nhà nước không cho, bảo hiểm không trả thì người dân phải trả, chứ không có tiền ở đâu sinh ra.
Vấn đề thứ ba, cũng là một dũng khí nữa của ngành y tế. Ngành y tế đã dám “bắt” các bác sĩ ở các tuyến trung ương, tỉnh đi huyện, xã làm. Đây là điều rất tốt để thúc đẩy phát triển, có như vậy chúng ta mới giảm tải được 40% tuyến trung ương, chứ nếu không, sẽ rất khó khăn.
Một điểm nổi bật nữa là hiện nay đã phấn đấu được 77% dân số có BHYT, tăng 2% so với QH ra. Điều này sẽ tạo tiền đề cho ngành y tế.
ĐBQH Nguyễn Văn Tiên |
Tuy nhiên trong nghị quyết sắp tới của QH về vấn đề Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị, phải bổ sung, trong 5 năm tới, chúng ta làm gì? Trước hết, đó là phải đảm bảo cung ứng sức khỏe và sự bình đẳng giữa miền núi và miền xuôi.
Ông Tiên cho biết, khi Đoàn giám sát về y tế của Ủy ban Về các vấn đề xã hội đi giám sát ở miền núi, có một thực tế rằng, mặc dù người dân miền núi được Nhà nước lo đầy đủ nhưng họ vẫn rất ít đi khám chữa bệnh ở tuyến dưới. Tình trạng chi vượt quỹ khám chữa bệnh ngoại trú tại y tế xã chung toàn tỉnh gây khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nguyên nhân là do chi phí vượt quỹ khám chữa bệnh ngoại trú tuyến xã ở vùng ngoại thị, nông thôn vùng thấp.
Ông Tiên cũng đề nghị, không được tạo ra sự cào bằng như vậy. Bởi tiền Nhà nước đã cho rồi, nhưng chúng ta tổ chức thực hiện thế nào để cho người miền núi được hưởng. Còn không, thì sao đảm bảo được công bằng trong chính sách chăm sóc sức khỏe.
Thứ hai, Nhà nước đã cho bao nhiêu tiền để mua bảo hiểm y tế cho dân rồi thì chúng ta quản lý tiền bảo hiểm y tế thế nào. Tình trạng các bệnh viện đấu thầu đưa ra một giá thuốc khác nhau, nơi mua một đồng, nơi mua đồng rưỡi. Luật đấu thầu quy định như vậy chúng ta không làm gì được, vậy chịu thua hay sao? Tiền Nhà nước như vậy, tiền nhân dân, người lao động đóng như vậy thì phải đề nghị có biện pháp xử lý sự bất bình đẳng này.
Một vấn đề nữa là bình đẳng giữa công - tư. Đại biểu Tiên cho biết đã nhận được rất nhiều văn bản của các hội y tế tư nhân. Các bệnh viện tư nhân chỉ có 40% công suất. Người ta cũng kiến nghị mãi về chính sách bình đẳng. Nhưng chúng ta chưa làm được, đào tạo thu phí cũng cao hơn, phân phối thẻ bảo hiểm y tế cũng ít hơn.
Đại biểu đặt câu hỏi: “Chúng ta chỉ quan tâm tới bệnh viện Nhà nước, còn bệnh viên tư nhân khuyến khích thành lập ra để làm gì. Để người ta chơi, hay chúng ta sợ bị chiếm mất thị phần?”. Chúng ta phải xem xét lại để có chính sách bình đẳng. Đấy là chưa kể trong các báo cáo, đa số sai sót của ngành y tế xảy ra nhiều ở y tế Nhà nước, bệnh viên tư nhân xảy ra rất ít.
Đại biểu Tiên đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét tạo điều kiện cho ngành y tế và người dân.
'Nỏ thần chớ để sa tay giặc - Mất cả đất liền, cả biển sâu' Trong phần phát biểu tại hội trường ngày 1/4, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh đã đọc "biến tấu" 2 câu thơ của Tố Hữu và cho rằng "nỏ thần" ở đây chính là lòng yêu nước của dân tộc, đã tồn tại hơn 4.000 năm qua, vì thế mà dân tộc Việt Nam giữ vững được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. |
Môi trường đầu tư 'trên trải thảm, dưới rải đinh' Phát biểu tại hội trường sáng 1/4 về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm qua, Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến đã nêu lên nhiều bức xúc, trong đó có việc làm sao để tạo được 'môi trường sạch' cho Việt Nam cất cánh. |
Thanh Huyền (lược ghi)