Việt Nam sẽ đón tiếp Tổng thống Mỹ Obama như thế nào?
“Đã 10 năm nay kể từ sau chuyến thăm của Tổng thống Bush, vào tháng 5 tới đây ông B. Obama sẽ có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam. Tuy nhiên, bối cảnh cũng như mục đích của chuyến đi này có những điểm khác biệt hẳn so với trước đây. Chúng ta là chủ nhà cũng nên có sự chuẩn bị thật chu đáo và hiệu quả”, nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh chia sẻ.
Dù chưa có thông báo chính thức, nhưng chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam sẽ diễn ra vào khoảng tháng 5.
Nhân sự kiện quan trọng này, nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh – thành viên đoàn đàm phán của Việt Nam tham gia ký kết hiệp định Paris năm 1973 đã dành cho PV Báo điện tử PetroTimes một cuộc phỏng vấn về mục đích chuyến thăm của Thủ tướng Obama tới đây cũng như những góp ý để chúng ta đón tiếp một cách chu đáo nhất.
PV: Thưa ông, dù vẫn đang trong quá trình sắp xếp nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xác nhận sẽ sang thăm Việt Nam trong tháng 5 tới. Ông đánh giá thế nào chuyến thăm lần này của người đứng đầu Nhà Trắng?
Nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh – thành viên đoàn đàm phán của Việt Nam tham gia ký kết hiệp định Paris năm 1973 (Ảnh: Nhật Minh). |
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh: Trước hết chúng ta phải nhớ lại rằng, Việt Nam và Mỹ cũng từng là cựu thù của nhau suốt những năm cuối của thế kỷ XX, mãi tới năm 1995 mới bình thường hóa quan hệ. Tuy trải qua những lúc thăng trầm, đối địch nhưng sau hơn 20 năm nối lại quan hệ ngoại giao, cả Việt Nam và Mỹ cũng đã đạt được những bước tiến vô cùng quan trọng. Làm tiền đề cho một mối quan hệ ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu giữa một bên là cường quốc kinh tế số 1 thế giới, và một bên là nhân tố tích cực về phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Á.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ngày càng sâu rộng với thế giới, việc lãnh đạo tối cao của một cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đến Việt Nam sẽ càng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác vốn đã được xây dựng và vun đắp trong suốt những năm qua.
Hơn nữa, chuyến thăm lần này cũng đã thể hiện sự tin tưởng và lòng nhiệt thành của một Tổng thống Mỹ với Việt Nam khi mới đây, bên lề Hội nghị cấp cao giữa Mỹ và ASEAN hồi trung tuần tháng 2 tổ chức tại Sunnyland, ông B. Obama cũng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về triển vọng phát triển quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.
PV: Ông nhận định như thế nào về tính thời điểm trong chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Obama?
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh: Suốt hai nhiệm kỳ làm Tổng thống kéo dài 8 năm của mình, ông B. Obama đã chọn thời điểm này để đến thăm một quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam bởi một số điểm đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, cuộc bầu cử Tổng thống của Mỹ vẫn chưa đến hồi kết thúc và quyền lực tối cao vẫn nằm trong tay của ông chủ Nhà Trắng là đương nhiên. Nếu dời chuyến thăm vào các tháng sau đó thì rất có thể, mục đích sẽ bị giảm sút.
Hình ảnh hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ tại Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN ở Sunnyland (Mỹ) hồi tháng 2/2016 (Ảnh: AP). |
Thứ hai, trong tháng 5 cũng diễn ra một hội nghị rất quan trọng đó là Hội nghị cấp cao của khối G7, diễn ra tại Nhật Bản trong hai ngày 26 – 27/5. Chuyến công du của ông B. Obama có thể sẽ kéo dài nhiều ngày tại Châu Á – Thái Bình Dương.
Thứ ba, tiếp nối cho việc hiện thực hóa các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước Việt Nam – Mỹ nói riêng và Mỹ - ASEAN nói chung từ sau Hội nghị cấp cao giữa Mỹ và đại diện 10 nước trong khối ASEAN hồi tháng 2.
Vốn được đánh giá là một trong số ít những vị Tổng thống Mỹ có chiều hướng ôn hòa, ông Obama đã chứng minh cho thế giới thấy được thiện chí cải thiện quan hệ giữa Mỹ với các nước như thế nào.
Từ việc chủ động thực hiện kế hoạch rút quân khỏi khu vực Trung Đông, tới những bước cải thiện quan hệ với Cuba bằng chuyến thăm lịch sử của một Tổng thống Mỹ còn đương nhiệm tới thăm quốc đảo này sau hơn 80 năm là những minh chứng rõ nhất.
PV: Theo ông vấn đề Biển Đông có được nhà lãnh đạo Mỹ nhắc đến trong chuyến thăm Việt Nam lần này không?
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh: Câu hỏi của bạn rất hay và tôi dự đoán rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Mỹ cũng phần nào đó nhằm cảnh báo và nhắc nhở những động thái gây căng thẳng trên biển Đông của Trung Quốc - quốc gia đang có những hành động bất chấp luật pháp quốc tế để hiện thực hóa yêu sách lưỡi bò phi pháp mà họ tự vẽ ra, chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông.
Vốn là người khởi xướng chiến lược “Xoay trục” và hướng đông sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, ông Obama sẽ thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ. Về đối nội, sẽ đưa Mỹ tiếp tục trở thành một đầu tàu kinh tế quan trọng nhất, cường quốc số 1 của thế giới. Về đối ngoại, là đường lối ngoại giao khôn ngoan, linh hoạt nhưng vẫn giữ vị trí lãnh đạo trong một trật tự thế giới đa cực như hiện nay.
Trở lại vấn đề Biển Đông, thời gian gần đây, Mỹ liên tục có các động thái ngày một rõ ràng nhằm thách thức yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc tại vùng biển này. Điều mà Mỹ mong đợi chính là việc duy trì sự tự do và an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Trước các bước quân sự hóa đầy phiêu lưu của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh ở Hoàng Sa và Trường Sa, Mỹ đang mở rộng quan hệ với các đồng minh và đối tác tại Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Úc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan… thành một mặt trận chống Trung Quốc bành trướng bằng các hành động cụ thể.
Ngoài ra, vấn đề trao đổi kinh tế thương mại cũng có thể nằm trong chương trình làm việc của chuyến thăm tới đây.
PV: Theo ông, để chuyến thăm diễn ra thành công tốt đẹp, Việt Nam cần chuẩn bị những gì trước, trong và sau khi Tổng thống B. Obama đặt chân đến Hà Nội?
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh: Ngoài vấn đề đảm bảo an ninh do cơ quan an ninh của cả hai bên phối hợp thực hiện thì theo tôi, nhân tố quan trọng nhất tác động và góp phần tạo nên sự thành công của chuyến thăm sắp tới không gì khác chính là thái độ trọng thị, chân thành của cả Nhà nước và nhân dân.
Tôi tin hiệu ứng của chuyến thăm Mỹ hồi tháng 7/2015 của TBT Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ một lần nữa được tái lập khi ông Obama đến Hà Nội lần này. Ta phải xác định cho đúng cách đón tiếp thật khôn ngoan và trọng thị. Vẫn sẽ là màn bắn 21 loạt đại bác chào mừng và rải hoa đón khách tại Phủ Chủ tịch do đích thân Chủ tịch nước chủ trì lễ đón theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia tới thăm Việt Nam.
Thế kỷ XXI là thế kỷ của hợp tác, tin cậy cùng có lợi. Hai bên sẽ tiếp tục có những thỏa thuận lớn hơn nhằm đưa quan hệ song phương giữa hai nước lên một tầm cao mới. Tôi hy vọng chuyến thăm lần này, các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Mỹ sẽ đạt được hiệu quả cao nhất, góp phần vào hòa bình ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nhật Minh – Thảo Phượng