Người Việt đang tự đầu độc nhau
Người Việt lạm dụng các loại thuốc bảo vệ, kích thích trong trồng trọt, chăn nuôi rồi đem bán cho chính người tiêu dùng trong nước. Điều này không chỉ gây hậu quả là bệnh tật gia tăng, đặc biệt là ung thư, mà còn khiến cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam không thể xuất khẩu.
Rau quả phun thuốc sâu hay thuốc kích thích, heo gà nuôi bằng thức ăn có tăng trọng, tạo nạc,… không còn là hiếm gặp.
Thực phẩm bẩn đang có mặt ở khắp nơi, “trèo” lên bàn ăn của mọi gia đình. Từ món ăn nhanh đến món ăn chín, món tráng miệng đến món chính, từ bữa sáng đến bữa đêm… nguy cơ ăn phải thực phẩm bẩn lúc nào cũng rình rập từng mạng sống trong các gia đình.
Bệnh tật đe dọa người tiêu dùng
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 ca ung thư mới, trong đó có 75.000 ca tử vong khiến Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ ung thư ở mức báo động.
Theo PGS TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam, có 3 yếu tố tác động đến ung thư là di truyền, môi trường sống ô nhiễm và chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học.
Trong đó, tác nhân từ thực phẩm bẩn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35% các số ca, thuốc lá chiếm 30%, di truyền chỉ chiếm 5-10%,...
Theo các chuyên gia, các chất thuộc nhóm beta-agonist (gồm salbutamol, clenbuterol và ractopamine) với một tỉ lệ nhất định, heo sẽ bung đùi, nở mông, tăng trọng nhanh và giảm mỡ, tăng nạc... Tuy nhiên, người tiêu dùng ăn thịt heo có tồn dư salbutamol và clenbuterol lâu dần sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu lên tim mạch, làm tim đập nhanh, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng và là nguy cơ cho những căn bệnh khác.
Các nước trên thế giới đều đã cấm sử dụng nhóm beta-agonist để làm chất kích thích tăng trọng trong chăn nuôi. Từ năm 2002, Việt Nam cũng đưa các chất thuộc nhóm beta-agonist vào danh sách cấm.
Từ năm 2002, Việt Nam cũng đưa các chất thuộc nhóm beta-agonist vào danh sách cấm trong chăn nuôi. Ảnh minh họa |
Còn đối với việc làm trắng các sản phẩm từ bột gạo bằng chất huỳnh quang (tinopal) sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể, chất này làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Nếu bún, phở,... chứa chất huỳnh quang sẽ khiến người dùng lâu dài suy gan, suy thận, thậm chí mắc ung thư, tùy theo lượng độc tố hấp thụ vào cơ thể.
Ông Đỗ Ngọc Chính, Trưởng Văn phòng phía Nam Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng phía Nam cho biết, vấn đề đáng báo động hiện nay là sử dụng chất kháng sinh trong nông nghiệp, chăn nuôi để tăng năng suất nuôi trồng.
Thực phẩm bẩn đã và đang hàng ngày đe dọa sức khỏe, tính mạng của người Việt. Chẳng ai thấy lạ hay sốc khi có tin bắt được một ô tô chở toàn lòng lợn thối, mỡ bẩn. Lâu dần thành quen, người Việt đã quá chai sạn với những thông tin như vậy. Dã tâm hơn, khi những thực phẩm này lại được đưa vào các trường học để cấp các bữa ăn cho các em học sinh từ tuổi mẫu giáo đến trung học phổ thông – những thế hệ tương lai của đất nước, sử dụng. Các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong các bếp ăn công nhân, trường học, gia đình… vẫn xảy ra thường xuyên.
Đe dọa nền nông nghiệp xuất khẩu
Sản xuất và kinh doanh thực phẩm không an toàn không những khiến cho người tiêu dùng Việt Nam dễ bị ung thư mà còn khiến cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam không thể xuất khẩu.
Trong khi đó, chất salbutamol (salbutamol được dùng để sản xuất thuốc làm giãn phế quản trị hen suyễn cho người nên vẫn được Cục Quản lý dược Bộ Y tế cho phép nhập khẩu) được các công ty sản xuất dược trong nước nhập về sản xuất thuốc nhưng không hiểu thế nào chất này lại trở thành chất thịnh hành nhất để tạo heo siêu nạc trong chăn nuôi.
Không chỉ vào Việt Nam bằng đường chính ngạch, chất cấm này được sử dụng trong chăn nuôi heo suốt nhiều năm qua. Điều đáng nói, gần như toàn bộ lượng thịt heo này đều được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, tức là chính người Việt đã đầu độc người Việt.
Mặc khác, nước ta sát với Trung Quốc nên nhiều sản phẩm thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích không đúng quy định được tuồn về trong khi việc kiểm soát nhập lậu rất khó khăn. Rất nhiều lô hàng rau quả, thủy sản, thực phẩm... của Việt Nam xuất khẩu bị trả về do hàm lượng chất cấm vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Không ai biết, sau khi quay về các lô hàng này được xử lý ra sao? Liệu có phải lại được đưa vào các nhà hàng, siêu thị, chợ truyền thống... Vì ở đây, rất khó để mà kiểm tra chất lượng sản phẩm.
"Hiện tại, những trường hợp vi phạm về việc sử dụng chất cấm chỉ bị phạt tối đa 7,5 triệu đồng đối với nông hộ và 15 triệu đồng đối với trang trại. Do vậy, mà họ chấp nhận đóng phạt mà không công khai nguồn cung cấp salbutamol.
Tuy nhiên, từ ngày 1-7-2016, khi Luật Hình sự sử đổi quy định việc kinh doanh, vận chuyển hoặc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị xử lý hình sự sẽ có hiệu lực, hy vọng tình hình trên sẽ cải thiện", Ông Đỗ Ngọc Chính, Trưởng Văn phòng phía Nam Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng phía Nam cho biết.
An toàn vệ sinh thực phẩm lúc nào cũng bức xúc, lúc nào cũng nóng và hiện đang là vấn đề rất nóng. Người sản xuất, kinh doanh chung ta tích cực tạo ra các sản phẩm an toàn và hãy là người tiêu dùng thông thái.
Làm ăn chân chính là con đường chắc chắn, vững bền nhất để chinh phục người tiêu dùng. Cùng chung tay, chúng ta nhất định sẽ thực hiện được một xã hội có thực phẩm an toàn.
Ngô Đồng