Lên Đồng Văn, ơn người mở đường
Sau Tết ít lâu, khi cái rét đã giảm bớt ,tôi có dịp lên Cao nguyên đá Đồng Văn trong một chuyến đi làm từ thiện ở Trường mầm non và trường tiểu học Lao Và Chải, cùng đồng bào nghèo xã Lao Và Chải, huyện Yên Minh, Hà Giang.
Từ thành phố Hà Giang vượt qua dốc Bắc Sum cao và ngoằn ngoèo chúng tôi bắt đầu đặt chân tới Công viên địa chất toàn cầu - Cao Nguyên Đá Đồng Văn. Đây là vùng đất địa đầu của tổ quốc, nằm trong chiếc chóp nón cao nhất của tấm bản đồ Việt Nam. Cao Nguyên Đá rộng hơn 3.000km2 gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn. Cả bốn huyện đều nằm trên vùng núi đá vôi được hình thành hàng triệu năm trước.
Vượt Cổng Trời Quản Bạ chúng tôi men theo tuyến đường độc đạo trên lưng chừng các núi đá lởm chởm để đến với thị trấn Quản Bạ, cách Hà Giang 40 cây số. Ngay từ xa mọi người đã nhận ra thị trấn này vì dãy Núi Đôi Cô Tiên hiện ra trước mặt như hai bầu vú sơn nữ vừa cao vừa cân đối vừa đẹp mắt.
Quản Bạ là một thị trấn nhỏ xanh rờn cây cỏ, nằm ngay bên cạnh Núi Đôi Cô Tiên. Sau Quản Bạ con đường rộng chứng 6 mét nền và 5 mét rải nhựa cứ cao dần lên, cắt ngang hết lưng núi đá này tới lưng núi đá khác, vượt qua hết cua tay áo này dến cua tay áo khác, đưa chúng tôi đến Lao Và Chải sau hơn ba tiếng đồng hồ vượt qua khoảng 60 cây số.
Con đường chúng tôi đi bắt đầu từ đèo Bắc Sum được người dân các dân tộc vùng cao Hà Giang gọi là Con Đường Hạnh Phúc vì nó mang lại hạnh phúc cho các dân tộc sống ở 4 huyện vùng cao nguyên đá. Đường này chỉ mới được xây dựng và mở rộng trong thập niên 60. Trước đó con đường vắt ngang các núi đá tai mèo này chỉ là đường mòn dành cho ngựa thồ và người đi bộ. Anh Văn, hiệu trưởng trường tiểu học LaoVà Chải cho tôi biết gần 20 năm trước anh mang cái chữ lên Yên Minh cho trẻ em người Mông, anh phải đi bộ từ thị xã Hà Giang lên mất năm sáu ngày đường mới tới được huyện lị Yên Minh. Con đường từ Yên Minh đi Mèo Vạc và thị trấn Đồng Văn vài năm sau đó mới được mở rộng và rải nhựa.
Câu chuyện về Con đường Hạnh Phúc này phải kể bằng máu, mồ hôi và nước mắt của hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, và hàng vạn nam nữ thanh niên người Dao, người Mông, người Tày, người Lô Lô, người Kinh… thuộc nhiều tỉnh khác nhau. Họ đã treo mình trên triền núi cao trên dưới 1.400 mét so với mực nước biển để đục từng tảng đá, nổ mìn phá đá suốt nhiều năm để mở rộng con đường ra như ngày nay. Họ đã vượt qua bao nhiêu đèo cao, vực sâu, có vực sâu tới gần nghìn mét như đỉnh đèo Mã Pí Lèng bên bờ sông Nho Quế. Đã có nhiều nam nữ thanh niên các dân tộc hy sinh anh dũng trên con đường này. Chúng tôi đứng trên đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế chỉ thấy dòng sông nhỏ như chiếc thắt lưng xanh của phụ nữ xưa uốn lượn quanh các dãy núi đá cao hơn 1.500 mét.
Cuộc sống của người dân nơi Cao Nguyên Đá này thật vô cùng khắc nghiệt: Mùa hè thì nắng nóng, mùa đông thì gió rét, quanh năm thiếu nước sinh họat. Muốn có nước phải vác thùng,vác can nhựa đi xa hàng chục cây số mới tới suối, mới có nước về nấu ăn và tắm giặt. Ngày nay bốn huyện thuộc Cao Nguyên Đá đã có hơn 100 hồ nước treo, mỗi hồ chứa vài trăm mét khối nước mưa và nước khe núi chảy ra. Theo kế hoạch, một hai năm nữa tất cả gần 200 thôn bản vùng Cao Nguyên Đá, mỗi thôn bản sẽ có một hồ nước treo như vậy, đó sẽ là một kỳ tích giúp bà con vùng cao này hết khổ vì nạn khan hiếm nước từ ngàn đời nay.
Đất trồng trọt rất ít và hiếm. Người dân vùng này phải gùi đất đổ lên các khe đá rồi gieo từng hạt ngô vào từng khe đá đó để vài tháng sau được một nương ngô nhỏ giữa bốn bề đá vôi đen xám với thời gian. Thi thoảng dưới chân các núi đá có những bãi đất nhỏ trồng vài luống rau cải Mèo. Đó là loại rau sạch mầu xanh đậm, cây chắc, lá thẳng. Ăn vào hơi có vị ngọt đắng, là một đặc sản của Cao nguyên Đá.
Một loại đặc sản khác là mật ong hoa bạc hà màu vàng nhạt, thỉnh thoảng có những vân màu trắng, mở nút chai ra mùi thơm bạc hà lan tỏa thật hấp dẫn.Một đặc sản khác nữa của vùng núi đá này là hoa Tam Giác Mạch nở rộ vào mùa thu, thu hút hàng vạn khách du lịch cả nước. Đi trên Cao nguyên Đá qua Mèo Vạc, Đồng Văn vào mùa xuân, nơi nào chúng ta cũng gặp hoa đào, hoa mận trắng nở chậm cùng hoa cải Mèo màu vàng và những cây sa-mu thẳng tắp vươn lên trời cao quanh hàng rào đá của những ngôi nhà người Mông và quanh khu biệt thự của gia đinh họ Vương. Đó có lẽ là cảnh đẹp và lãng mạn nhất giữa một vùng toàn núi đá đen xám đến lạnh lùng.
Vào thăm và trao quà cho các cháu ở trường mầm non Lao Và Chải, chị Phó tổng giám đốc Công ty từ thiện thấy các cháu ăn xong bữa trưa mà vẫn không đi ngủ, hỏi ra mới biết các tấm chiếu của các cháu bị mưa ướt mấy ngày nay chưa khô nên không có chỗ cho các cháu nằm ngủ trưa. Chị thương các cháu ứa nước mắt và ngay lập tức chị quyết định gọi về công ty tại Hà Nội yêu cầu mua ngay 30 chiếc chiếu cói hoặc chiếu ni lông loại to rồi cho người mang ra bến xe Mỹ Đình gửi hãng xe khách Ngọc Cường chạy tuyến đường này ngay trong ngày để kịp có chiếu cho các cháu ngủ trưa ngày hôm sau.
Tiếc rằng khi chúng tôi tới Mèo Vạc thì chưa đến ngày tổ chức phiên chợ tình Khau Vai, nên chưa được hưởng không khí lãng mạn và đầy tính nhân văn của phiên chợ tình này. Hỏi những người xe ôm ở chợ Mèo Vạc họ bảo phải cuối tháng 3 âm lịch chợ tình mới họp. Qua cả buổi sáng tới Đồng Văn, thăm phố cổ Đồng Văn và khu chợ rộng ngay bên chân núi đá với đủ các hàng hóa địa phương. Nhiều nhất vẫn là những trang phục của phụ nữ Mông đầy mầu sắc.
Trên đường từ Nhà họ Vương ở Đồng Văn về lại thị xã Hà Giang, chúng tôi còn qua nhiều địa danh hấp dẫn như Lũng Cú, Phó Bảng, Phó Cáo, qua làng nghề dệt thổ cẩm, làng chuyên làm Khèn Mông và qua cả những nghĩa địa đá của người Mông bên chân các núi đá. Họ sống trong đá cả một đời người cho đến khi chết lại vùi thân trong đá.
Trên đường về, chúng tôi qua vùng giáp biên giới với Trung Quốc, ngồi nghỉ bên đường trò chuyện cùng dân sinh sống ở đây được biết, hồi chiến tranh biên giới đầu năm 1979, quân Trung Quốc dùng chiến thuật biển người tràn qua đây nhưng đã bị dân quân và bộ đội địa phương chống trả quyết liệt khiến chúng phải lui quân. Qua Vị Xuyên, huyện bị quân Trung Quốc tàn phá dã man và giết chóc tàn bạo nhất, người dân Hà Giang vẫn chưa hề quên những tội ác của giặc phương Bắc. Nghĩa trang Vị Xuyên là bằng chứng tội ác trời không dung, đất không tha của quân xâm lược Trung Quốc, gần hai ngàn ngôi mộ của các liệt sĩ bảo vệ biên giới là những chứng tích tội ác của kẻ thù….
Nghe nói sau khi được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, Đồng Văn sẽ được nhà nước ta nâng cấp từ đường xá đến trường học, nhà cửa, cầu cống, thôn bản sẽ khang trang hơn, đường ôtô sẽ tới từng bản làng, sắp tới con đường Hạnh phúc sẽ được mở rộng thênh thang để giúp vùng cực bắc này của tổ quốc phát triển kinh tế, xã hội, nước sạch sẽ đến với từng gia đình theo đường ống. Người dân các dân tộc sống trên Cao Nguyên Đá sẽ có nhiều cơ hội để tiến kịp miền xuôi. Đó là ước vọng ngàn đời của Hà Giang và cũng là mong muốn của đồng bào cả nước.
Nguyễn Như Kim