Mang chất độc trong chăn nuôi đến bàn ăn
Thịt heo từ lâu đã trở thành một trong những thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày của người Việt, để đáp ứng lượng nhu cầu rất lớn này, nhiều trang trại heo bất chấp dùng nhiều thủ đoạn để kiếm siêu lợi nhuận, từ việc bơm nước, dùng thức ăn tăng trọng hay chất tạo nạc, kích thích tăng trưởng…
Tràn lan thị heo nhiễm chất cấm
Mới đây, đoàn liên ngành tỉnh Tiền Giang tổ chức kiểm tra tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, phát hiện có tới 6/7 đàn heo được lấy mẫu dương tính với Salbutamol.
Trong đó một mẫu cho kết quả hàm lượng Salbutamol gấp 4.500 lần mức cho phép. Theo ông Phạm Văn Chiến, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, xã Xuân Đông từng là “điểm nóng” nhất của tỉnh, khi hầu hết các trại nuôi heo được lấy mẫu đều dương tính với chất cấm Salbutamol.
Lấy mẫu nước tiểu trong trại chăn nuôi heo |
Để đối phó với các đoàn kiểm tra, chủ trang trại nuôi heo thay vì trộn Salbutamol với thức ăn cho heo ăn trước khi xuất chuồng gần một tháng như trước, thì nay cho ăn từ lúc heo chỉ mới 50-60kg/con, đủ thời gian chất này bị loại thải khi heo đạt 100kg/con, khi cơ quan chức năng lấy mẫu nước tiểu phân tích thì không còn phát hiện chất cấm.
Còn đối với những đàn heo ăn chức ăn có chất cấm, lúc gần xuất chuồng, người nuôi cho heo uống Sorbitol để đi tiểu nhiều nhằm thải chất cấm ra nhanh hơn.
Trên địa bàn TP HCM, sau khi Chi cục Thú y TP HCM ra quân kiểm tra chất tồn dư chất cấm tại các lò mổ quy mô lớn trên địa bàn từ 8-17/1/2016, phát hiện nhiều nguồn heo từ các tỉnh đổ về đây chứa chất cấm với hàm lượng báo động.
Trong đó, tỉnh Bình Thuận có đến 8 lô hàng, nhiễm chất cấm trên 4.700 lần mức cho phép. Và các chủ hàng này tái phạm nhiều lần.
Mới đây nhất, vào giữa tháng 3/2016, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đồng Nai mở đợt kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại 50 trang trại trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu. Kết quả kiểm tra nhanh đã phát hiện 4 mẫu dương tính với các chất cấm (chiếm 10%). Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm ngưng di chuyển ra khỏi trại với các đàn heo nói trên và đưa mẫu đi phân tích định lượng.
Trong 3 mẫu đã cho kết quả, có 2 mẫu vượt ngưỡng phân tích nhiều lần. Trong đó, mẫu thử từ trang trại của ông T. (thị trấn Vĩnh An) với tổng đàn trên 1.000 con phát hiện cả hai chất cấm là Salbutamol và Clenbuterol với nồng độ lần lượt là 10,6ppb và 1,23ppb (ppb là hàm lượng chất cấm trên 1 mẫu).
Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã buộc chủ các cơ sở vi phạm phải ngừng ngay việc sử dụng các thành phần thức ăn gây dương tính với chất cấm, và phải tiếp tục nuôi đàn gia súc, gia cầm đến khi kiểm tra lại có kết quả âm tính mới được xuất bán, dưới sự giám sát của UBND thị trấn Vĩnh An.
Chi cục Thú y Đồng Nai cũng đang hoàn thiện thủ tục để xử phạt các hộ nói trên với mức phạt 15 triệu đồng/hộ.
Theo tài liệu khoa học, chất tăng trọng hay chất tạo nạc là một hợp chất hóa học thuộc họ β- agonist được xếp vào loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới. Họ β-agonist gồm 2 nhóm:
Nhóm β1-agonist, gồm: các chất có tác dụng kích thích tim, được dùng để điều trị sốc tim, suy tim cấp tính. Nhóm β2-agonist, gồm: các chất làm giãn cơ, được dùng để điều trị hen suyễn, bệnh phổi mãn tính: Salbutamol (Albuterol), Clenbuterol, Ractopamine, Epinephrine…
Trong những chất kể trên thì Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là ba chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Heo nhiễm chất cấm: xử lý sao?
Khi phát hiện các sơ sở vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cơ quan chức năng đã tiến hành phạt tiền và buộc phải ngừng sản xuất sản phẩm vi phạm từ 1-3 tháng. Đồng thời buộc các doanh nghiệp phải thu hồi và tiêu hủy thức ăn chăn nuôi bị phát hiện nhiễm chất cấm.
Tuy nhiên, xử lý là một việc, còn doanh nghiệp có thu hồi và tiêu hủy thức ăn chăn nuôi nhiễm chất cấm hay không là việc khác, tùy thuộc vào mức độ tự giác của doanh nghiệp. Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong một lần trả lời báo chí, nếu doanh nghiệp có ý thức tự giác và nghĩ đến lợi ích của cộng đồng thì họ đã không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Thịt heo siêu nạc bán tràn lan trên thị trường |
Nếu chất cấm đã không xử lý được, thì heo nhiễm chất cấm xử lý thế nào? Theo quy định, khi phát hiện có chất cấm trong nước tiểu heo thì số heo đó phải được theo dõi, sau 7 ngày sẽ được kiểm tra lại. Nếu nước tiểu không còn dương tính với chất cấm thì được giết mổ.
Nhưng Salbutamol không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao, khi kiểm tra hoặc sử dụng, chất này còn tồn dư trong thịt nạc, trong xương, quá trình heo tiểu không thể thải hết chất độc được, ông Dũng khẳng định.
Để xử lý triệt để hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ông Dũng cho rằng, cần có sự vào cuộc của cơ quan công an, chính quyền địa phương, các lực lượng chuyên ngành và các đoàn thể...
Hơn hết, để giải quyết từ gốc, người sản xuất thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi cần phải ký cam kết không sử dụng chất cấm để nâng cao hiểu biết và có trách nhiệm với sức khỏe của cộng đồng.
Điều 36 Nghị định 119/2013/ND-CP về xử lý vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi: Xử phạt hành chính trong lần đầu phát hiện và tiêu hủy vật nuôi trong trường hợp tái phạm.
Võ Hiển