Độc đáo ý tưởng nhà di động chống lũ của một sinh viên
Trong bối cảnh dân cư Đồng bằng Sông Cửu Long, miền Trung hàng năm phải hứng chịu những trận lũ kinh hoàng thì việc sống chung với lũ là một giải pháp căn cơ, lâu dài được tính đến. Ý tưởng “Nhà ở đa năng Bán di động” của sinh viên Nguyễn Ích Thắng, lớp 52KD3, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội được xem là bước đệm để triển khai những ngôi nhà cho dân cư vùng lũ.
Trái đất đang nóng lên từng ngày; băng tan ở Bắc Cực, nguy cơ nước biển dâng cao ảnh hưởng đến dân cư ven biển – đó là những biểu hiện thường xuyên của biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu từ 8 – 10 cơn bão nhiệt đới, chủ yếu đổ vào miền Trung. Nếu ở Đồng bằng Sông Cửu Long, lũ lên chậm, rút chậm thì ở miền Trung, lũ lên xuống rất nhanh, chỉ trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.
Vì thế, ý tưởng thiết kế nhà cho cư dân miền Trung được sinh viên Nguyễn Ích Thắng ấp ủ từ lâu và nay đã giành giải nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo ngôi nhà đa mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Ngôi nhà được thiết kế gồm hai phần chính: phần cố định, giữ chức năng chính của một ngôi nhà, là không gian sinh hoạt của gia đình. Phần này giống với hiện trạng nhà cửa của cư dân đang sinh sống, đó là nhà cấp bốn, ba gian mái ngói. Phần di động chính là phần sẽ nổi lên theo chiều đứng của lũ. Phần di động là nơi ở cho con người khi lũ lụt xảy ra.
Thắng cho biết, phần di động tốn nhiều thời gian suy nghĩ nhất và cũng là phần việc khó khăn nhất bởi trong quá trình thiết kế phải đảm bảo được không gian sống, không gian duy trì sự sống cho người dân và sự an toàn về tính mạng, của cải. Phần di động có mặt bằng rộng như một gian nhà khoảng 20 m2. Tầng 1 là không gian sống của người, có khu nấu ăn riêng.
Ngoài ra, 2 hiên của tầng này nhô ra hẳn bên ngoài vừa giữ cân bằng cho ngôi nhà, vừa là nơi tập trung vật nuôi trong gia đình như lợn, gà, vịt… Phía trên là hệ thống giá đỡ trồng rau xanh để cung cấp thực phẩm xanh trong ngày lũ.
Hệ thống này có thể kéo ra, đẩy vào để tránh nước mưa làm úng rau. Phía trên cùng là 2 phuy nước hứng nước mưa dùng cho sinh hoạt.
Ngôi nhà hoạt động theo nguyên lý nước lên, thuyền lên. Khi có lũ về, ngôi nhà di động sẽ tự nổi và gắn với ngôi nhà chính bằng hệ thống thép hình có độ cao khoảng 3 m. Trong trường hợp nước lũ cao hơn 3 m thì ngôi nhà di động sẽ được tách hẳn ra khỏi ngôi nhà chính và được lai dắt về một khu vực nước lũ an toàn để gắn kết các ngôi nhà khác tạo thành một quần thể nhà di động nổi trên mặt nước.
Nói ý tưởng này, sinh viên Nguyễn Ích Thắng chia sẻ: “Quê tôi ở xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng, Hà Nội), nằm gần sông Hồng nên được thấy những lồng cá của người dân có thể nổi trên mặt sông. Từ thực tiễn đó, tôi nhận thấy nếu thiết kế những ngôi nhà nổi trên mặt nước lũ sẽ là giải pháp an toàn, tiết kiệm nhất cho bà con vũng lũ lụt mỗi khi mùa mưa bão về”. Vật liệu làm nhà di động là những cây tre, nứa có nhiều ở vùng quê. Quá trình thi công cũng không quá phức tạp, người dân có thể tự lắp ráp.
Trong quá trình triển khai ý tưởng thiết kế, Thắng cũng gặp phải những câu hỏi phản biện như: “Vật liệu làm nhà di động là bằng tre, vậy thì tuổi thọ của ngôi nhà không cao do tre tiếp xúc với nước, làm mục rỗng?; Nếu ngôi nhà có dòng nước siết chảy qua thì độ an toàn của nó như thế nào?…”.
Tất cả những câu hỏi đó sẽ giúp Thắng hoàn thiện hơn tác phẩm của mình. Lý giải ban đầu, Thắng cho biết, phần nền nhà tiếp xúc với nước sẽ dùng tre được sơn phủ đặc biệt để chống mối mọt, mục rỗng. Hoặc sẽ được làm bằng một loại nhựa nhẹ có khả năng chống sự ăn mòn của nước lũ.
Về câu hỏi độ an toàn của ngôi nhà trong dòng nước chảy siết, Thắng nêu ra phương án. Nếu dòng nước chảy siết chạy ngang qua ngôi nhà di động thì giải pháp là lai dắt ngôi nhà di động đó về nơi an toàn.
Xu hướng trong tương lai là một nền kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, bền vững. Ý tưởng của sinh viên Nguyễn Ích Thắng tiếp tục phải hoàn thiện để áp dụng thực tế nhưng sức sáng tạo của giới sinh viên thì vẫn là một kho tài nguyên vô tận.
Đức Chính