Cảnh giác “sập bẫy” giá vàng
Diễn biến thất thường của thị trường vàng trong nước những ngày gần đây đang đặt người mua trước những rủi ro lớn.
Ảnh minh họa. |
Nếu như mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (ngày 14/3), giá vàng miếng SJC được ghi nhận trên thị trường Hà Nội là 33,72 – 33,82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 10.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên phiên giao dịch tuần trước (ngày 12/3); còn tại thị trường TP Hồ Chí Minh, giá vàng SJC được ghi nhận là 33,64 – 33,94 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 20.000 đồng mỗi lượng so với giá cuối tuần trước thì vào phiên giao dịch sáng nay (15/3), giá vàng đã giảm mạnh. Cụ thể:
Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 15/3, giá vàng miếng SJC được ghi nhận tại Hà Nội là 33,52 – 33,62 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm tới 230.000 chiều mua vào và 210.000 đồng/chiều bán ra.
Còn tại TP Hồ Chí Minh là 33,4 – 33,7 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 280.000 đồng mỗi lượng mua vào và giảm 260.000 đồng mỗi lượng bán ra so với giá cuối ngày hôm qua.
Tính chung trong 24 giờ vừa qua, giá vàng được ghi nhận giảm tới 300.000 đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng cũng ghi nhận đà giảm tương tự, từ mức 1.254 USD/Ounce ngày 14/3 xuống còn 1.228 USD/Ounce.
Với mức giá này, giá vàng trong nước từ chỗ cao hơn giá vàng thế giới 100.000 đồng/lượng sáng ngày 14/3 đã thấp hơn giá hơn giá vàng thế giới 600.000 đồng/lượng vào sáng nay (ngày 15/3).
Trong khi đó, ghi nhận vào các phiên giao dịch ngày 4/3 và 8/3 cho thấy, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới chỉ là 80.000 – 100.000 đồng/lượng. Điều này cho thấy biến động giá vàng trong nước đã không theo kịp giá vàng thế giới. Và theo ông Nguyễn Thanh Trúc-Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thì đây là chuyện bình thường.
Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Petrotimes, ông Trúc phân tích: Việc Ngân hàng Nhà nước có chủ trương quản lý chặt thị trường vàng và cũng muốn hạn chế ảnh hưởng của thị trường với nền kinh tế nên mình đã quản chặt hơn rất nhiều. Ví dụ như việc xuất nhập khẩu vàng chẳng hạn. Trước đây, các doanh nghiệp, các ngân hàng... được phép nhập khẩu vàng. Nhưng từ 2012 trở lại đây, sau khi có Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước là độc quyền nhập khẩu vàng. Hay như chuyện sản xuất vàng miếng cũng vậy, trước đây, Việt nam có 8 thương hiệu vàng miếng như SJC, AAA, Rồng vàng, Bảo Tín Minh Châu... nhưng cũng từ 2012 chỉ còn 1 thương hiệu vàng miếng duy nhất là SJC và nó cũng do Ngân hàng Nhà nước quản lý...
“Thị trường trong nước vì thế được quản lý rất chặt và nó dẫn tới việc giá vàng trong nước đã không theo nhịp được giá vàng thế” – ông Trúc nói.
Còn dưới góc độ thị trường, Nguyễn Hải Anh – một nhà đầu tư cho hay, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang đứng trước nhiều dự báo đầy biến động từ việc siết tín dụng bất động sản, lãi suất huy động tăng, kéo theo lãi suất cho vay có thể tăng, thị trường chứng khoán cũng có nhiều rủi ro thì đầu tư vàng lại là lựa chọn được nhiều người đưa ra.
Cùng với đó, trước diễn biến giá vàng tăng từ đầu năm đến nay, trong khi lãi suất gửi tiết kiệm thấp, nhiều người cũng lựa chọn vàng là kênh đầu tư, tích trữ trong ngắn hạn. Cùng với đó là tâm lý đám đông, đầu tư, mua vàng theo trào lưu của một bộ phận người dân đã đẩy nhu cầu tiêu thụ vàng trong nước tăng cao. Trong khi đó, hiện nay, do thực hiện chính sách chống vàng hóa nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước là đầu mối nhập khẩu độc quyền vàng nhập khẩu và cũng độc quyền sản xuất vàng miếng. Nguồn cung vì thế rất hạn chế nên có thời điểm đã tạo lên tình trạng “sốt” vàng. Giá vàng thế giới vì thế đẩy lên cao.
Tuy nhiên, anh Hải Anh cũng khuyến cao, đó là mặt lý thuyết nhưng cũng không loại trừ khả năng trong xu hướng đó, giới đầu cơ, thao túng vàng nhảy vào thị trường, tạo tình trạng khan hiếm vàng “ảo” để trục lợi. Họ có thể gom vào một lượng vàng lớn khiến thị trường trở lên khan hiếm, đẩy giá vàng lên cao rồi sau đó bán ra thu lợi.
“Người mua vàng cần phải cân nhắc kỹ bởi hiện nay bởi với những diễn biến như hiện nay, thị trường đang tiềm ẩn nguy cơ đầu cơ, lướt sóng ngắn hạn rất cao” – anh Hải Anh đưa khuyến cáo.
Thanh Ngọc