Người đẹp hầu rượu
Mấy ngày qua dư luận sững sờ trước việc các thí sinh của cuộc thi Nữ hoàng trang sức “tố” Ban Tổ chức (BTC) ép thí sinh mời rượu các đại gia.
Theo trần tình thì các thí sinh tham dự vòng bán kết cuộc thi Nữ hoàng Trang sức 2011 bị BTC đưa đến nhà hàng Cobe ở quận 3, TP HCM tiếp rượu trong một bữa tiệc trước đêm bán kết. Tại đây, họ được “dạy” cách nâng ly, sử dụng thìa, dĩa. Sau đó, trang điểm, mặc quần áo đẹp rồi xuống tiếp rượu. Họ còn bị buộc phải đến từng bàn chào từng người đàn ông đáng tuổi bố bằng anh và mời uống rượu. Sau đó, các thí sinh mới vỡ lẽ những người đàn ông đã phải bỏ ra 200USD để mua một suất ăn trong bữa tiệc này. Điều tệ hại là nhiều người đẹp đã bị ngất trong buổi tiệc nói trên nhưng sau khi được làm cho… tỉnh lại, họ phải tiếp tục “hầu rượu” cho khách. Chuyện thật như bịa này được các thí sinh kể lại một cách đầy bức xúc. Họ chia sẻ rằng, nếu như biết trước phải đi thế này chắc chắn họ đã không bao giờ đăng ký tham dự cuộc thi này vì cảm thấy bị xúc phạm. Lạ lùng thay, khi được hỏi đại diện BTC cuộc thi Nữ hoàng Trang sức 2011 cho biết, bữa tiệc nói trên nằm trong khuôn khổ hoạt động của cuộc thi? Không biết các cơ quan quản lý khi cấp phép cho cuộc thi này có biết đến “vòng thi hầu rượu” này hay không?
Thực ra, không phải chờ đến bây giờ mà ngay từ năm 2007 cuộc thi Nữ hoàng trang sức đã ồn ào bởi những thông tin như mua giải, đổi tình lấy giải… Những “bê bối” chưa bao giờ hết đeo bám cuộc thi “trang sức” này. Chỉ có điều cuộc thi nào cũng chờ điều tra, giải trình rồi mới xử lý, nên vô hình trung “tội trạng” nhờ thời gian phôi pha cũng được giảm thiểu đi nhiều lần. Chưa kể đến cái tặc lưỡi của người trong cuộc rằng, những cuộc thi lớn còn đầy scandal thì khiếm khuyết tại cuộc thi có quy mô nhỏ này là có thể “tha”.
Ngay lúc này, trả lời phóng viên Năng lượng Mới, ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cũng chỉ cho biết rằng, ông vừa nghe báo cáo và đã yêu cầu BTC giải trình về sự việc. Có thế nào thì sẽ thông báo sau.
Có thể đây chỉ là cuộc thi nhỏ và kinh phí thuộc dạng “xã hội hóa” nên BTC buộc phải làm vậy để kiếm tiền. Nhưng nói gì thì nói cuộc thi này cũng đại diện cho ngành trang sức Việt Nam, người đoạt giải cũng gắn thêm danh hiệu vào tên mình. Vì thế nó phải được tổ chức tử tế, sạch sẽ và người đoạt giải phải xứng tầm để công chúng còn nhìn ra, trông vào. Thiết nghĩ, thí sinh nào đi thi cũng mong đoạt giải cao nhất nhưng danh hiệu chỉ đứng vững khi cuộc thi thực sự có tầm, được người dân coi trọng. Chứ trong cuộc thi nhiều tỳ vết, gắn với đồng tiền thì vinh danh chỉ làm “bẩn” tên mà thôi.
Hằng Nga