Cuốn sách “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” mong ngày xuất bản
Cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” được nhiều tác giả viết để tri ân liệt sĩ Gạc Ma, đã phải trải qua 13 nhà xuất bản trong 2 năm nhưng vẫn chưa được cấp phép để xuất bản.
Bìa bản thảo cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” |
Để thẩm định nội dung cuốn sách Gạc Ma – Vòng tròn bất tử, Cục Xuất bản trực thuộc Bộ Thông tin Truyền thông đề nghị lập một Hội đồng lịch sử gồm Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân.
Sau khi tiếp nhận thông tin, First News – Trí Việt đã hội ý với các tác giả và Thiếu tướng Lê Mã Lương – Chủ biên. Tất cả đã đồng ý cắt bỏ những thông tin và những tấm ảnh “chưa được kiểm chứng” khi có yêu cầu chính đáng để cuốn sách nghĩa tình và tri ân liệt sĩ Gạc Ma này được sớm xuất bản.
Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam, chủ biên cuốn sách đặc biệt này nêu rõ quan điểm: “Cách đây vài ngày tôi có trình bày cuốn sách và được sự ủng hộ nhiệt tình của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Chúng ta đưa tin đúng với lịch sử là điều cần thiết và là mong đợi của toàn dân, ở trong và cả ngoài nước. Đó cũng chính là mong muốn của nhiều thế hệ và các gia đình có người thân đã hy sinh mạng sống của mình vì sự độc lập, chủ quyền của dân tộc”.
Thiếu tướng Lê Mã Lương khẳng định: “Ý kiến của Cục Xuất bản về cho lập Hội đồng Lịch sử của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân để thẩm định các chi tiết cuốn sách tri ân liệt sĩ Gạc Ma là một điều không tưởng. Và có lẽ phải chờ vài chục năm nữa hội đồng đó cũng chưa ra đời và cuốn sách tri ân liệt sĩ cũng không thể xuất bản được”.
“Sau ngày 14/3/1998, trừ những người trong cuộc, có mặt chứng kiến trận thảm sát bi thương đó, rất ít người bên ngoài biết tường tận sự việc. Chỉ cho đến khi chính Trung Quốc công bố đoạn clip ghi lại sự thật cuộc thảm sát Gạc Ma đó, chúng ta mới lắp ráp đầy đủ toàn cảnh và rất đúng với những chi tiết và câu chuyện những cán bộ chiến sĩ hải quân còn sống đã kể lại và được ghi lại trong sách”.
“Nên nhớ rằng chính Trung Quốc công bố sự thật trận thảm sát trước, chứ không phải chúng ta, thì sao chúng ta phải quá e ngại và lo sợ khi tôn vinh, tri ân những người liệt sĩ đã ngã xuống vào ngày hôm đó?”, Thiếu tướng Lê Mã Lương đặt câu hỏi.
Thiếu tướng Lê Mã Lương |
Đồng thời Thiếu tướng Lê Mã Lương khẳng định chắn chắc một điều: “Trên thế giới không có một Hội đồng lịch sử nào có thể thay thế được nhân chứng lịch sử. Bởi vì khi xảy ra sự việc, họ không hề có mặt ở đó, thì sao đủ thẩm quyền và hiểu biết để thẩm định tính xác thực của sự việc được? Bất kỳ một Hội đồng lịch sử nào mà không đặt lợi ích của người dân, của dân tộc và quốc gia lên trên hết và không trân trọng sự hy sinh của người lính thì đều là vô nghĩa hết. Và lịch sử cũng như sự thật chỉ có một không thể có hai. Và đôi lúc sự thật không thuộc về số đông”.
Theo Thiếu tướng Lê Mã Lương, tất cả những chi tiết và hình ảnh trong sách đều trích nguồn, chính ông đã đọc và tìm hiểu rất kỹ về tính xác thực. Trong phần phụ lục có những bài phân tích luật biển quốc tế và chiến lược quân sự của những nhà học giả, khoa học nước ngoài cùng với những tấm ảnh chụp đảo Gạc Ma năm 2014 đang được Trung Quốc bồi đắp và xây dựng đường băng, căn cứ quân sự chụp từ vệ tinh của Kyodo – Nhật Bản và Phillipines đã công bố trên các tờ báo uy tín của họ.
Bởi vì Việt Nam chưa có vệ tinh, nên các tác giả phải sử dụng các tấm không ảnh này. Nếu có yêu cầu chính đáng, cuốn sách sẽ cắt bỏ phần này và đồng ý NXB biên tập lại để cuốn sách sớm được ra đời.
"Nếu ai đã từng gặp, tiếp xúc với các gia đình liệt sĩ Gạc Ma, và các cựu binh Gạc Ma bị Trung Quốc bắt mới hiểu được trong suốt 28 năm qua họ đã sống vất vả, đau khổ vì những mất mát không thể nào bù đắp được".
"Cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” được xuất bản sẽ là một nguồn động viên tinh thần lớn lao không chỉ đối với các cựu binh Gạc Ma, 64 gia đình liệt sĩ đã mất con, mất chồng, mất cha vì biển đảo quê hương, mà còn là sự hiểu biết rất cần có của nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta", Thiếu tướng Lê Mã Lương lần nữa khẳng định.
Võ Hiển