Trao nhầm con sau sinh: Đáng buồn, nhưng không cá biệt
Chị Trang hẳn không phải là nạn nhân đầu tiên và cũng chưa thể cuối cùng? Sự thực, việc tìm hiểu của chúng tôi đã cho thấy, hoàn cảnh và nỗi đau của chị Trang không phải là cá biệt…
Câu chuyện trao nhầm con của gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh và chị Tạ Thị Thu Trang (75 Quán Thánh, Hà Nội) đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Bởi hệ lụy của sự nhầm lẫn tác động không chỉ đến một số phận, mà còn kéo theo sự xáo trộn của nhiều gia đình.
Chị Trang hẳn không phải là nạn nhân đầu tiên và cũng chưa thể cuối cùng? Sự thực, việc tìm hiểu của chúng tôi đã cho thấy, hoàn cảnh và nỗi đau của chị Trang không phải là cá biệt…
Ở Khu tập thể số 6 –LQĐ, Hà Nội dường như ai cũng biết câu chuyện bị trả nhầm con của gia đình bà Nguyễn Thị L. Bởi sự việc này rất ồn ào khi đó và đã có sự can thiệp của ngành y tế. Do gia đình bà L. chuyển khỏi chỗ cũ vài năm, nên tôi phải dò hỏi qua rất nhiều người mới liên lạc được với bà, để nghe lại câu chuyện hơn 50 năm trước.
Năm 1962, bà L. đến nhà hộ sinh B Lò Đúc, Hà Nội để sinh con. Sau khi sinh, bà kịp nhìn thấy con trai có cái đầu dài giống anh nó. Vì thế, khi cô hộ lý trao cho bà một bé trai đầu tròn, bà biết ngay là nhầm nên không nhận.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh và chị Tạ Thu Trang – cặp mẹ con đầu tiên được phát hiện trao nhầm. |
Hơn nữa, con trai bà nặng 3,6kg, còn đứa bé cô hộ lý đưa chỉ có 3kg. Nhưng cô hộ lý không nhận là trao nhầm. Biết không thể “đấu lý” được, nhưng bà vẫn không chịu bằng lòng với số phận, nên ba ngày nằm ở nhà hộ sinh cùng với người phụ nữ đang nuôi con trai mình, bà L. đã hỏi rất kỹ tên tuổi và địa chỉ gia đình để sau đó, tiếp tục dõi theo cuộc sống của con.
Bé trai con bà được đặt tên là T. còn đứa bé bà mang về nuôi đặt tên là S. Bà tiếp tục nói rõ với gia đình bên kia về sự nhầm lẫn. Ít lâu sau, gia đình bên kia đồng ý đổi lại con, nhưng bà không đổi. Bà bảo, S. rất yếu, nên tôi sợ đưa về gia đình cháu chăm sóc không quen, nhỡ cháu mệnh hệ nào thì tôi ân hận cả đời. Vả lại, tôi nghĩ, số phận con tôi phải có 2 cha 2 mẹ thì cứ để nó như thế. Chúng tôi đã biết nhau cả rồi thì lớn lên, các cháu sẽ tìm về với bố mẹ đẻ.
Từ đó, 2 gia đình đi lại thân thiết như ruột thịt và khi lớn lên, các cháu đều có trách nhiệm với bố mẹ 2 gia đình như nhau. Thế là giờ tôi có được 2 đứa con trai to cao, khỏe mạnh, cuộc sống hạnh phúc và giúp đỡ, chăm sóc tôi chu đáo.
Tuy nhiên, bà L. từ chối cho gặp các con bà vì không muốn các con nhớ lại chuyện cũ.
Khi tôi hỏi nguyên nhân của sự nhầm lẫn, bà L. cho biết: Hồi đó, chưa có việc đánh số, đeo số như bây giờ. Mẹ anh S. sinh anh trước, bà sinh sau, nên còn đứng xem. Bà thấy các hộ lý để các đứa trẻ sinh ra trong ngày theo thứ tự được sinh vào buổi sáng, chiều và tối. Khi bàn giao, các cô hộ lý cũng bàn giao theo thứ tự sinh trong ngày, chứ không có đánh dấu. Vì thế, khi đưa các cháu đi tắm, chỉ một sơ xuất rất nhỏ là có thể đặt bé nhầm chỗ, dẫn đến trao nhầm con.
Bà Phan Thị Tuyết Hoa và chị Lê Thanh Hiền –cặp mẹ con trao nhầm thứ 2 được phát hiện. |
Theo bác sĩ Nguyễn Cảnh Chương, Phó Giám đốc Trung tâm chẩn đoán trước sinh BV Phụ sản Hà Nội thì hồi đó, ở các nhà hộ sinh hay bệnh viện, người ta chỉ viết tên mẹ-tên con lên chân cháu bé, có thể viết nhầm, hoặc mực bị phai trong lúc tắm.
Câu chuyện của chị Lê Thanh Hiền (29 tuổi, ở xã Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội) sau khi xét nghiệm ADN đã cho thấy, mẹ chị, bà Phan Thị Tuyết Hoa cũng bị trao nhầm con khi sinh ở nhà hộ sinh quận Đống Đa vào 4h35 phút ngày 12-12-1987, đã thêm một ví dụ về những trường hợp đau lòng do trao nhầm sau sinh.
Bên cạnh đó, còn những trường hợp bị trao nhầm nhưng may mắn đã được bố/mẹ phát hiện kịp thời nữa. Đó là trường hợp của chị Lan Phương, nhà ở ngõ 104 Đội Cấn, Hà Nội.
Chị kể, năm 1989, chị sinh con trai đầu lòng. Sinh cùng chị có một người phụ nữ khoảng 21, 22 tuổi. Khi đi đẻ, chị đinh ninh mình sinh con gái, nên mang cái mũ vải màu tín nhạt đi để đội ấm thóp cho bé, nhưng đẻ ra thì hộ lý bảo cháu trai. Chị Lan Phương dặn chị gái khi nào có lệnh của y tá trực vào nhận cháu, thì chị bế cháu ra. Nhớ là cháu đội mũ màu tím nhạt.
Hôm sau mới được mang con ra với mẹ. Chị gái của chị Lan Phương bế một bé trai ra giường đưa cho chị và bảo: Thằng cu bên cạnh xinh quá cơ, mà cháu mình thì đen như củ súng. Nghe chị gái nói vậy, mặc dù còn đang cơn đau vì bị khâu, chị Lan Phương vẫn bật dậy nhìn con. Sao nó đen đỏ thế kia? Hôm qua khi chị đẻ bé có to như vậy đâu. Nhưng nhìn thấy bé đội mũ chị mang đến nên chị coi như... đúng.
Song cảm thấy không yên tâm, chị lại ngồi dậy và... soi kỹ. Không phải con mình vì nó chả giống bố nó trong khi lúc đẻ ra giống lắm? Chị gọi y tá ra hỏi thì cô ấy bảo chị đưa mũ thì em cứ đội cho bé thôi. Chị nhìn lại rồi... đổi mũ! Đúng lúc ấy thì thằng bé khóc. Chả giống bố nó tẹo nào. Mắt nó lại 2 mí trong khi chị nhìn rõ con mình lúc đẻ ra là 1 mí.
Thế là chị bắt hộ lý bế thằng kia ra cho chị... chọn lại. Chị phải phát cho nó thức và khóc, thì thấy đúng là con mình. May mà phát hiện kịp và gia đình kia đến nhận con muộn, chứ ngay hôm đó họ mang đi rồi thì … trời tìm.
Con trai chị Lan Phương, cậu bé suýt bị trao nhầm gần 30 năm trước. |
Một trường hợp khác suýt nhầm là anh D. ở 34 Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội. Đáng nói là, vụ nhầm này cũng diễn ra tại nhà hộ sinh Ba Đình, nơi chị Tạ Thu Trang bị trao nhầm và chỉ sau có 2 năm, tháng 10-1976.
Ngày đấy, việc đánh dấu 2 mẹ con chỉ bằng 2 cái miếng nhôm đeo tay và cổ chân, nên có thể rơi bất kỳ lúc nào. Ngay khi hộ lý bế một bé trai ra để vợ ông cho bú, bố anh D. đã khẳng định không phải con ông. Ông bắt hộ lý đưa đi tìm để kiểm tra lại số.
Vào căn phòng có rất nhiều đứa trẻ đỏ hỏn mới sinh nằm sát bên nhau, không hiểu bằng linh cảm nào mà ông bế được đúng cậu con trai ra với mẹ để so lại số. May mắn, đứa bé này mới thực sự trùng số với vợ ông.
Có một điều cần được đưa trong bài viết này để các gia đình khi chủ động tìm lại người thân trong các vụ trao nhầm con lưu ý: Hầu hết những trường hợp “bị động” mà người viết biết được đã không hợp tác với người đi tìm, dù ở các độ tuổi khác nhau.
Có thể họ không biết chuyện, nên chưa có tâm lý sẵn sàng, hoặc có những lý do riêng để chưa đón nhận sự xáo trộn về tình cảm… Vì thế, những gia đình khi đi tìm người thân nên thận trọng tiếp cận, để đạt được sự hợp tác từ 2 phía, tránh diễn ra cảnh bị từ chối, sẽ thêm tổn thương.
Thanh Hằng