Mất tiền vì… “trúng thưởng”
(PetroTimes) - Bằng một thủ đoạn không hề mới thế nhưng vì thiếu hiểu biết nên nhiều nạn nhân vẫn sập bẫy chiêu lừa “trúng thưởng”.
Khoảng 16h ngày 23/2, chị P.T.T. (36 tuổi, trú xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam) bất ngờ nhận được cuộc gọi từ thuê bao 01684.795.107. Nói bằng một giọng miền Bắc, người phụ nữ đầu dây bên kia tự xưng là nhân viên Ngân hàng Vietcombank, gọi từ tổng đài Viettel.
Thuê bao 01684795107 liên tục điện thoại cho chị T. |
Sau khi chào hỏi, người này thông báo và chúc mừng chị T. đã trúng thưởng trong một chương trình khuyến mãi đặc biệt của ngân hàng. Theo như lời người phụ nữ nói, chị T. sẽ được nhận phần thưởng trị giá 138 triệu đồng, gồm 100 triệu đồng tiền mặt và một chiếc xe tay ga sản xuất tại Singapo. Lễ trao thưởng được tổ chức tại địa phương, có sự tham dự của đại diện Bộ Công an, Chủ tịch tỉnh, chủ hãng sản xuất xe máy. “Nhân viên” này cũng không quên dặn chị T. ăn mặc tươm tất, dặn chồng chị T. không được uống bia rượu vì sẽ quay phóng sự do nhà báo Lại Văn Sâm đạo diễn.
Trong lúc chị T. đang vui mừng vì sắp nhận được phần thưởng lớn thì người phụ nữ gọi điện lại và thông báo rằng, trước khi nhận xe, chị phải chuyển tiền để làm giấy đăng ký và biển số xe, tổng cộng hết 6.350.000 đồng. Hình thức chuyển tiền là chị T. mua thẻ cào điện thoại và nhắn mã số nạp tiền vào số thuê bao của người phụ nữ. Tin lời, chị T. đi mua đủ số thẻ cào có tổng mệnh giá như yêu cầu và thực hiện theo hướng dẫn.
6h sáng hôm sau, người phụ nữ lại gọi điện cho chị T. Lần này chị ta bảo, thấy vợ chồng chị T. thật thà, Ngân hàng và Viettel quyết định thưởng thêm 1 cặp bò lai trị giá 70 triệu đồng. Khi chị T. nêu khó khăn rằng gia đình chị không nuôi được bò, đối tượng liền nói rằng chị có thể nhận bằng tiền mặt. Thấy chị T. đã tin tưởng, đối tượng liền gợi ý: “Chị nhận được phần thưởng hơn 200 triệu đồng, chị có muốn làm từ thiện không, cái này tùy chị, Ngân hàng không ép!”. Mủi lòng trước những lời úp mở của người phụ nữ, chị T. đồng ý làm từ thiện 20 triệu đồng. Số tiền này đối tượng cũng hướng dẫn chị chuyển bằng cách nạp thẻ cào như lần trước. Tuy nhiên, sau đó biết chị T. không mượn được tiền nên đối tượng cho chị T. khất lại. Riêng chi phí chuẩn bị bàn ghế, trang trí hội trường cho buổi lễ trao thưởng thì chị T. phải chuyển trước cho bên kia. Thế là chị T. lại tiếp tục đi mua thẻ cào.
Thấy chị T. mua thẻ cào với số lượng lớn bất thường, các chủ cửa hàng và người thân liền cảnh báo. Tuy nhiên, do quá tin vào lời đường mật của người phụ nữ, chị T. vẫn cứ làm theo hướng dẫn của cô ả. Đến khi đã bỏ ra 12 triệu đồng, nhiều người thân liên tục nhắc nhở, chị T. mới gọi điện hỏi tổng đài Viettel thì được biết số điện thoại mà người phụ nữ sử dụng chỉ là số thuê bao cá nhân thông thường, không phải là số tổng đài. Hỏi Ngân hàng thì mới hay Ngân hàng Vietcombank không có giải thưởng nào như vậy. Đến khoảng 10h50, số điện thoại của người phụ nữ kia không thể liên lạc được nữa.
Lúc này chị T. mới biết rằng mình đã bị lừa. Chị chợt nhớ ra rằng chị chưa bao giờ giao dịch với Ngân hàng Vietcombank thì làm sao được ngân hàng trao thưởng khuyến mãi! Trong quá trình hướng dẫn chuyển tiền, đối tượng luôn căn dặn chị T. không được kể với ai, mua thẻ cào thì phải mua mệnh giá lớn và mua ở nhiều cửa hàng khác nhau. Đặc biệt, trong lúc đi mua thẻ cào, đối tượng luôn yêu cầu chị T. để điện thoại di động ở chế độ đang nghe cuộc gọi từ đối tượng. Vậy là mọi trao đổi giữa chị T. với người khác trong quá trình đi mua thẻ cào, đối tượng đều nghe rõ. Chị T. kể, trong lần đi mua số thẻ cào đầu tiên, anh T.H.V., người bán thẻ cào đã cảnh báo chị T. Nghe được lời nói của anh V. qua điện thoại, đối tượng đã trấn an chị T., cô ta nói: “Hình như có người nói em lừa đảo chị phải không? Em biết ở thôn quê, một triệu đồng to lắm, nhưng phần thưởng này chỉ duy nhất có một người được nhận, đây là cơ hội, chị cứ bình tĩnh suy nghĩ kỹ trước khi quyết định”. Thấy đối tượng “có lòng thương người”, chị T. không mảy may nghi ngờ gì và tiếp tục sa vào cái bẫy do đối tượng giăng ra.
Theo tìm hiểu được biết, chị T. không phải là nạn nhân duy nhất ở xã Tam Hải bị dính chiêu lừa này. Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, có hơn 10 người dân xã này bị mất tiền bởi thủ đoạn tương tự. Tuy nhiên, do sợ dư luận chê cười nên phần lớn không nói ra hoặc chỉ nói bị lừa “một ít” cho đỡ xấu hổ.
Hoàng Kính