Về những “chữ Việt gốc Pháp” trên sggdpost.com
Mục “Sài Gòn - Gia Định: Đất & Người” của mạng sggdpost.com có ba bài liên quan đến lĩnh vực từ nguyên do “Sưu Tầm” đưa lên ngày 9-12-2015 là “Chữ Việt gốc Pháp” (Bài 1), “Chữ Việt gốc Pháp TT” (Bài 2) và “Từ ngữ tiếng Việt gốc Pháp trong văn hóa ẩm thực” (Bài 3). Tại Bài 3, tác giả viết:
Trải qua hơn 400 năm giao lưu tiếp biến văn hóa, người Việt và người Pháp đã có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, đặc biệt là ngôn từ trong văn hóa ẩm thực”.
Ta không biết tác giả xuất phát từ thời điểm nào mà khẳng định rằng sự “giao lưu tiếp biến văn hóa” giữa người Việt và người Pháp đã “trải qua hơn 400 năm”, trong đó có cả “văn hóa ẩm thực”. Tính từ thời điểm thực dân Pháp chiếm x
Trong 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào năm 1862 cho đến ngày 9-3-1945 là thời điểm chúng bị Nhật đảo chính, thời gian chỉ có 83 năm; dân ta vẫn “làm tròn số” mà nói “80 năm bị Pháp cai trị”. Ấy thế nhưng tác giả còn bạo gan bạo phổi nhắc lại con số “400”:
“Kết lại, dù được viết dưới dạng nào thì những món ăn mà người Pháp mang đến Việt Nam từ 400 năm trước ngày càng thông dụng và phổ biến hơn. Những thứ ấy đã dần ăn sâu vào tiềm thức của người Việt hiện đại như một thức đồ không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại đầy tiện nghi này.
Rồi tác giả này lại viết ẩu tiếp:
“Cà phê là chữ đọc thuần Việt xuất phát từ từ Café của tiếng Pháp. Người Sài Gòn xưa chuộng cà phê pha phin, kì thực phin là từ “filter” nghĩa là lọc”.
Đã “xuất phát từ từ café của tiếng Pháp” thì còn “thuần Việt” thế nào được? Mà từ “phin” trong “cà phê phin” cũng đâu có bắt nguồn từ “filter” vì đây là tiếng Ăng Lê còn “filtre” thì mới là tiếng Pháp. Nhìn tổng quát, trong 3 bài của “Sưu Tầm”, ta thấy lác đác vẫn có những cái sai, nặng, nhẹ khác nhau:
1. -“ cassé > cát-xê ”.
“Cassé” với nghĩa là bể, vỡ, gãy, v.v... thì không đi vào tiếng Việt. Còn “cát-xê” với nghĩa là tiền thù lao cho nghệ sĩ thì lại do “cachet” mà ra.
2. -“douille > đuôi (bộ phận để gắn bóng đèn)”.
Nếu là bộ phận để gắn bóng đèn thì chính tả tiếng Việt phải là “đui”.
3. -“houblon > hốt-bố (loài dây leo có quả để tạo mùi cho rượu bia)”.
Cũng hoàn toàn sai vì “hốt bố” là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng hai chữ [忽布], mà âm Hán Việt là… “hốt bố”, dùng để phiên âm danh từ “hop” của tiếng Anh, trong đó âm tiết thứ hai (mà tiếng Bắc Kinh phát âm thành “bù” (ghi theo pinyin) dùng để thể hiện phụ âm cuối P (của “hop”), là một âm bật hơi (explosive). Còn chính danh từ “hop” ( = hốt bố) của tiếng Anh, mà hình thái trung đại là “hoppe” thì lại bắt nguồn từ tiếng Pháp cổ “hoppe”, có nghĩa là… hốt bố.
4. -“mangoustan > măng-cụt (quả)”.
“Măng cụt” của tiếng Việt là một từ mượn của tiếng Khmer “moongkhut” khi những lưu dân người Việt Nam vào đến miền Nam của Đàng Trong còn tiếng Pháp thì mượn từ “mangoustan” ở tiếng Bồ Đào Nha “mangustão”, mà từ Bồ Đào Nha này thì lại mượn ở tiếng Mã Lai “manggis[tan]”.
5. -“revers > rờ-ve (cú đánh ngược tay trong môn bóng bàn hay quần vợt). Suy cho cùng thì “rờ-ve” (cú đánh ngược tay) chỉ là một thuật ngữ thể thao, còn trong tiếng Việt văn học thì cũng từ “revers” của tiếng Pháp mà ra, lại là cái “ve [áo]”.
6. -“roquette > rốc-kết (phi đạn tự bay đi)”. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, “rốc-kết” chưa xuất hiện trong tiếng Việt; phải đến thời chống Mỹ nó mới ra đời. Vậy đây là một từ Việt gốc Anh, bắt nguồn ở từ “rocket”.
7. -“savon > xà-bông, xà-phòng”
“Xà bông” không do tiếng Pháp “savon” mà ra vì từ này được phiên âm từ tiếng Bồ Đào Nha “sabão”.
8. -“treuil > trơi (bánh xe có quấn dây cáp để nâng các vật nặng lên)”.
“Trơi” là một từ thật sự không thông dụng còn từ thông dụng trong tiếng Việt, phiên âm từ danh từ “treuil” của tiếng Pháp, lại là “tời”.
Làm từ nguyên không phải là “cáp đôi” hai từ của hai thứ tiếng khác nhau chỉ vì chúng vừa đồng nghĩa, vừa giống (hoặc na ná) nhau về mặt ngữ âm. Ta nên lấy câu “Tous les sosies ne sont pas des parents”của J. Vendryes làm phương châm; câu này có nghĩa là “Không phải tất cả những người giống nhau [như đúc] đều là bà con [với nhau]”. Vì chỉ “trông mặt mà bắt hình dung” nên tác giả của bài này đã cho rằng tiếng Việt “xôm tụ” là do tiếng Pháp “somptueux” mà ra trong khi bản thân “xôm” và “tụ” đã là những từ độc lập sẵn có của tiếng Việt (còn trong những từ đa âm tiết phiên âm từ tiếng Pháp thì các âm tiết [trong mỗi từ] đều vô nghĩa). Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức đã giảng:
“XÔM Rôm, bảnh, rình-rang: Ăn-mặc coi xôm; nói nghe xôm lắm.
xôm đám Ra vẻ hực-hỡ, đông người trong đám, trong cuộc lễ: Dọn xôm đám, làm xôm đám.
xôm tụ Lớn tụ, tụ bài đặt nhiều tiền: Đặt xôm tụ […] xôm trai X. Bảnh trai”.
Còn bản thân “tụ” thì cũng là một từ độc lập, như có thể thấy trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức:
“TỤ dt (bạc): Tiền mỗi tay em đặt ra trước khi tay cái chia bài (bài cào, dà-dách, phé): đôn tụ, xôm tụ.
tụ bài Chỗ và đống tiền đặt ra của một tay bài trong sòng: Tụ bài này hên (sic)
tụ đầu Đống tiền nằm ở trước, dầu bài (bài cào) mấy nút cũng ăn-thua được.
tụ đuôi Đống tiền nằm ở sau, phải tám nút trở lên mới đôn lên (nhập chung với tụ đầu)”.
Cứ như trên thì “xôm” và “tụ” là những từ độc lập: “xôm tụ” nằm trên trục đối vị với “xôm đám”, “xôm trai” còn “tụ” thì đứng làm trung tâm của các danh ngữ “tụ bài”, “tụ đầu”, “tụ đuôi”. Vậy “xôm” là một vị từ tĩnh (tính từ) còn “tụ” là một danh từ nên “xôm tụ” không có dây mơ rễ má gì với “somptueux” của tiếng Pháp cả. Giỏi tiếng Pháp mà không hiểu cho thấu chính tiếng Việt thì cũng khó mà thực sự chính xác khi làm về từ nguyên của từ tiếng Việt. Chính vì vậy nên tác giả đó mới hoàn toàn sai lầm khi cho rằng “teinte > teng (rỉ sét)”.
Thực ra “teng (rỉ sét)” là một điệp thức trong phương ngữ miền Nam của danh từ “tanh” trong phương ngữ miền Bắc. “Tanh” là một từ mà Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên không ghi nhận còn “teng” thì được Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng đúng là “chất xanh ở đồng thau rỉ ra” nhưng lại ghi thiếu G cuối (nên đã viết thành “ten”). “Teinte” của tiếng Pháp chỉ nói về màu sắc, nước da còn cái “chất xanh ở đồng thau rỉ ra” thì tiếng Pháp lại gọi là “vert-de-gris”. Cũng vì không hiểu thấu được tiếng Việt nên tác giả đó mới khẳng định rằng từ “cartable” đã cho ra “chữ Cạc-táp, về sau biến thái thành cặp-táp rồi chỉ còn chữ Cặp”. Ở đây, ta có một hiện tượng rất tế nhị mà tác giả kia đã hiểu không thấu. “Cặp” trong “cặp sách” là một từ đã có sẵn từ xửa từ xưa trong tiếng Việt. Nguyễn Du không cần biết “cạc-táp” phiên âm từ “cartable” mà vẫn viết “Túi đàn, cặp sách đề huề dọn sang” (Truyện Kiều, câu 278). Cái nghĩa này của chữ “cặp” đã được Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức giảng là “miếng gỗ vuông đóng hai cái quai gỗ để treo sách lên”. Trong Từ điển Truyện Kiều (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974), Đào Duy Anh giảng đó là “cái khung gồm hai thanh đứng để kẹp chồng sách ở giữa mà treo lên hay mang đi cho tiện”. Còn Từ điển từ cổ của Vương Lộc (NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2001) thì giảng là “đồ dùng gồm một đế gỗ đóng vào hai khung gỗ, để đựng sách”. Gần đây hơn nữa, riêng cái chữ “cặp” cũng đã được Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng Vietlex, 2007) giảng là “đồ dùng để đựng sách thời trước, gồm một đế gỗ đóng vào hai khung gỗ”.
Rõ ràng là cái cặp sách đã tồn tại “bằng xương bằng thịt” hẳn hoi ở nước ta trước khi Pháp xâm lược Việt Nam và chính cái danh từ dùng để chỉ nó, là CẶP, đã đồng hóa âm tiết “cạc” trong “cạc-táp” (thành “cặp-táp”) chứ đâu có phải “bỗng dưng muốn khác” mà “cạc” đã trở thành “cặp”. Còn chuyện cái cặp từ hình thù xưa làm bằng tre, bằng gỗ, nay trở thành cái vật thường làm bằng da dùng để đựng sách vở, tài liệu, thì chỉ là chuyện thường tình trong quá trình chuyển biến ngữ nghĩa theo quỹ đạo của sự phát triển xã hội mà thôi.