Không nên hình sự hóa!
Công an tỉnh Thanh Hóa mới đây đã khởi tố hình sự vụ án liên quan đến việc một nhóm người căng băng rôn, khẩu hiệu, dán ảnh chân dung ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản (BĐS) Đông Á diễu hành trên các tuyến phố ở Thanh Hóa để đòi nợ. Tuy nhiên, theo các luật sư, hành vi căng băng rôn, khẩu hiệu là không có tội.
Đi đòi nợ bị con nợ báo công an bắt
Theo văn bản do ông Cao Văn Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Kenanga Việt Nam (viết tắt là KVS, có trụ sở tại số 2D Đường Thành, phường Cửa Ông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) gửi tới Báo Năng lượng Mới, sự việc như sau: Ông Cao Tiến Đoan là Tổng giám đốc Công ty Đông Á (viết tắt là Công ty Đông Á, trụ sở tại Thanh Hóa) đã nhiều lần nhờ ông Sơn đứng ra vay hộ số tiền hơn 20 tỉ đồng, đồng thời Công ty Đông Á cũng vay vốn của KVS để đầu tư kinh doanh số tiền trên 30 tỉ đồng. Việc vay mượn diễn ra từ cuối năm 2011, đến nay đã quá hạn nhưng Công ty Đông Á và ông Cao Tiến Đoan chỉ khất tháng này sang tháng khác mà không trả tiền. Đến thời điểm 5 nhân viên đến đòi nợ, Công ty Đông Á đã quá hạn 5 năm. Theo ông Sơn, Công ty Đông Á đã tìm mọi cách để trốn tránh việc trả nợ cho KVS và cá nhân ông.
Chiếc xe của nhân viên KVS |
Cũng trong văn bản, ông Sơn nêu đại diện KVS đã nhiều lần liên lạc với ông Đoan để đòi nợ nhưng không thành. Ngày 26-5-2015, KVS đã cử 5 nhân viên đến trụ sở Công ty Đông Á tìm ông Đoan để bàn việc giải quyết công nợ (trước khi đi có liên hệ qua điện thoại để hẹn lịch nhưng không liên lạc được).
Khi đến Thanh Hóa, nhóm nhân viên của KVS đã căng băng rôn, khẩu hiệu với nội dung “yêu cầu Cao Tiến Đoan trả 31 tỉ đồng cho KVS và trả 21 tỉ đồng cho ông Cao Văn Sơn”, băng rôn treo dọc thân xe của nhóm nhân viên đi vào trụ sở Công ty Đông Á.
“Khi nhóm công tác của công ty tới trụ sở Công ty Đông Á, Đoan không ra mặt mà cho người đưa họ vào phòng kín, khóa cửa lại và cho nhân viên của mình ra uy hiếp, chặn giữ xe ôtô của đoàn công tác. Tiếp đó, sau khi ông Đoan gọi điện thoại đi đâu đó thì có khoảng 30 cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Thanh Hóa tới bao vây và giữ nhóm nhân viên hơn 10 tiếng đồng hồ tại trụ sở Công ty Đông Á để ghi lời khai, thu thập chứng cứ, khám ôtô với mục đích tìm kiếm hung khí, vũ khí mà theo lời bịa đặt của Cao Tiến Đoan rằng, những người đi đòi nợ là xã hội đen đến đe dọa, quấy rối Công ty Đông Á… Sau đó, lực lượng Công an thành phố Thanh Hóa không tìm được vũ khí trên xe cũng như trên người các nhân viên và không ai to tiếng nên Công an thành phố Thanh Hóa phải để họ ra về” - văn bản nêu.
Ông Sơn cũng cho biết, ông đã gửi đơn đến Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng C46 - Tổng cục Cảnh sát đề nghị điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Mọi tài liệu, chứng cứ chứng minh việc Cao Tiến Đoan cùng Công ty Đông Á chiếm đoạt số tiền nhiều tỉ đồng của KVS đều đã được nộp cho Cơ quan Công an để phục vụ điều tra. “Quá trình làm việc tại Cơ quan Điều tra Bộ Công an, đại diện KVS và tôi đã cam đoan khai đúng sự thực và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu khai gian dối” - ông Sơn nói.
Công ty Đông Á. |
Căng băng rôn, khẩu hiệu không có tội
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 1-2-2016, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan việc nhóm người căng băng rôn, khẩu hiệu, dán ảnh chân dung ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Đông Á diễu hành trên các tuyến phố ở Thanh Hóa để đòi nợ.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, ngày 26-5-2015, lực lượng công an nhận được đơn của ông Đoan tố cáo bà N.T.T.B, ông T.M.Q, N.V.D cùng một số nhân viên KVS đi ôtô từ Hà Nội vào Thanh Hóa.
Vào đến thành phố Thanh Hóa, những người này căng băng rôn đòi nợ, có dán hình ảnh chân dung ông Cao Tiến Đoan ở 2 bên hông ôtô. Họ cũng mang theo thư đòi nợ đến trụ sở Công ty Đông Á để gây rối trật tự công cộng, vu khống ông Cao Tiến Đoan.
Công an tỉnh Thanh Hóa quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự để điều tra theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Thị Tố Loan, Văn phòng Luật sư Hà An thì hành vi căng băng rôn, khẩu hiệu của 5 nhân viên KVS vào ngày 26-5-2015 là không có tội, không phạm tội gì theo quy định của Bộ luật Hình sự. Vì luật quy định: “Một người chỉ bị coi là có tội khi bị Tòa án tuyên có tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật” - Luật sư An phân tích.
Mặt khác, theo Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự thì thời hiệu giải quyết việc này là không quá 2 tháng, hết 2 tháng kể từ ngày xảy ra sự việc căng băng rôn, khẩu hiệu mà Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa không ra quyết định khởi tố vụ án tức là Công an tỉnh Thanh Hóa thừa nhận hành vi của 5 nhân viên KVS không vi phạm pháp luật.
Hơn nữa, ngày 30-1-2015 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 15/PC 44 về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại Điều 258 Bộ luật Hình sự.
Theo Luật sư An, việc khởi tố vụ án của Công an tỉnh Thanh Hóa là vi phạm điều 103 của Bộ luật Hình sự vì theo Thông tư liên tịch số 06 ngày 2-8-2013 của BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC không có điều nào quy định sau 7 tháng được khởi tố vụ án.
Mặt khác, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 15/PC 44 về tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì 5 nhân viên KVS đã xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Cao Tiến Đoan. Và hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa chưa xác định được hành vi trên có gây thiệt hại gì cho ông Cao Tiến Đoan hay không? Còn thực tế, hành vi ông Cao Tiến Đoan vay tiền của KVS và ông Cao Văn Sơn để đầu tư dự án. Hiện tại, theo ông Cao Văn Sơn “ông Đoan không đầu tư một đồng nào vào dự án, tiền thì mang đi đâu không rõ” quá hạn 5 năm không trả, rõ ràng gây thiệt hại rất lớn cho KVS và ông Cao Văn Sơn, có dấu hiệu “chiếm đoạt tài sản”. Vậy nhưng Công an tỉnh Thanh Hóa không khởi tố vụ án đối với ông Cao Tiến Đoan để điều tra xem có hành vi chiếm đoạt tài sản hay không. Điều này khiến dư luận hoài nghi.
Với những phân tích nêu trên, Luật sư An cũng đề nghị ông Cao Văn Sơn có đơn yêu cầu Công an tỉnh Thanh Hóa căn cứ vào thông tin trên báo chí và đơn kiện đòi nợ khởi tố ông Cao Tiến Đoan để làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản.
Hoàng Phương