Những kỷ lục về rồng Việt Nam
Nhân dịp Xuân Nhâm Thìn, Báo Năng lượng Mới xin giới thiệu đến bạn đọc một số kỷ lục về rồng đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập trong thời gian qua…
Thiên Tường
Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam và đã từng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết con rồng cháu tiên của người Việt. Hiện nay hình tượng con rồng tuy không còn tính chất thiêng liêng, tối thượng nhưng con rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của người Việt, được đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật…
Nhân dịp Xuân Nhâm Thìn, Báo Năng lượng Mới xin giới thiệu đến bạn đọc một số kỷ lục về rồng đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập trong thời gian qua…
1. Con rồng đá bán quý lớn nhất châu Á
Sáng 30/10/2011, tại chương trình Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 21 diễn ra tại TP HCM, đích thân ông Biswaroop Roy Chowdhury – Tổng giám đốc Trung tâm Sách kỷ lục châu Á – đã trao quyết định công nhận kỷ lục châu Á cho tác phẩm mỹ nghệ “Con rồng bằng đá bán quý” của kỷ lục gia Việt Nam Nguyễn Văn Hữu.
Ông Hữu (50 tuổi, quê Nam Định) kể lại, đầu năm 2008 tại vùng rừng núi thuộc huyện Đắk Min, tỉnh Đắk Nông, giáp biên giới Campuchia, một "gốc đá” quý đã được phát hiện nằm sâu dưới đất. Bằng các phương tiện trục vớt thủ công, phải mất 10 ngày, một nhóm thợ mới đưa được cây đá có trọng lượng khoảng 5 tấn này lên mặt đất. Tin tức về việc phát hiện khối đá quý khổng lồ mau chóng lan truyền gây xôn xao giới sưu tầm đá quý khắp cả nước. Đã có khoảng 20 "đại gia” đổ về đây, trả giá rất cao và tìm mọi cách để có được cây đá này. Khối đá được bán lại cho Hữu với giá rất cao. Sau hơn 1 tháng ròng, với một "đoàn quân cơ giới” gồm 2 xe ủi đất, 1 xe cạp và 1 rơ-moóc vừa san lấp mở đường vừa vận chuyển đá từng bước một ra Quốc lộ 14, đầu tháng 3/2008, khối đá quý khổng lồ mới yên vị tại một xưởng chế tác nằm ở huyện Bình Chánh, TP HCM…
Theo như ông Hữu, quyết định chế tác khối đá thành rồng là "đắc sách” nhất. Bởi theo quan niệm Á Đông, rồng là con vật đứng đầu trong "tứ linh” (long, lân, quy, phụng). Người Việt Nam vẫn tự hào với truyền thuyết "con Rồng, cháu Tiên”. Sau khi quyết định chế tác thành rồng, ông Hữu lặn lội ra Đà Nẵng, Huế tìm nghệ nhân đủ khả năng "thổi hồn” rồng cho khối đá quý khổng lồ của mình, đây là nhóm nghệ nhân hậu sinh của những nghệ nhân chuyên chế tác rồng thời nhà Nguyễn. Mấy ngày thuyết phục, cùng những đãi ngộ tốt nhất, nhóm nghệ nhân nọ mới đồng ý vào TP HCM để thực hiện ý tưởng của ông Hữu. Một đoàn nghệ nhân 19 người gồm thợ phá, thợ chế tác, thợ đánh bóng, thợ gỗ khăn gói vào TP HCM…
Từ một khối đá hơn 5 tấn, biến thành một con rồng hơn 1 tấn vừa tròn 6 tháng. Cuối tháng 10/2008, con rồng bằng đá quý mới hoàn thiện. Phải "tận mục sở thị” con "Ngọc Long” khổng lồ này mới thấy hết được sự tài hoa của các nghệ nhân xứ Huế. Từ những nét chạm khắc tinh tế, vi diệu cộng với việc tận dụng những chỗ "tạo hóa đã phối sẵn màu” để định vị các họa tiết một cách chuẩn xác và hài hòa về sắc màu. Những kỳ, vây, vảy, móng được chăm chút đến chi li. Thân rồng chủ yếu chạm khắc trên màu vàng. Điểm xuyết trên thân rồng là những cuộn mây mang màu ngọc bích. Chiều dài của con rồng là 3,76m, chỗ rộng nhất: 1,23m, chỗ hẹp nhất 0,58m; trọng lượng 1.548kg. Anh đã đặt cho con rồng cái tên: Ngọc Long – Đệ nhất linh vật…
Sau nhiều ngày được trưng bày cho người dân thủ đô chiêm ngưỡng nhân 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Ngọc Long – Đệ nhất linh vật đã được một công ty tại Hà Nội mua lại, sau khi trả vượt mức giá hàng tỉ mà một thương gia Nhật Bản đưa ra.
2. Đôi rồng thời Lý bằng gốm lớn nhất Việt Nam
Cuối tháng 9/2010, người dân thủ đô đã có dịp được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm “kỷ lục” tại lễ hội làng nghề phố nghề 2010 diễn ra vào ngày 16/9 tại Công viên Bách Thảo, Hà Nội, trong số các tác phẩm trưng bày có tác phẩm “kỷ lục” tạo được sự thu hút đối với khán giả nhờ tính công phu và kỳ công: đôi “Rồng thời Lý” được lắp ghép bởi 6.500 chiếc đĩa, 5 tấn mạch sứ và 4.500 chiếc cốc.
Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam trao xác nhận kỷ lục Guinness cho hai tác giả là ông Lê Đức Kế và ông Nguyễn Văn Bình. “Rồng thời Lý” được xác nhận là đôi rồng bằng gốm lớn nhất Việt Nam hiện nay, mỗi rồng có chiều cao 8,2m, chiều dài 30m, khi đã uốn khúc còn lại 15,6m, mang đậm dấu ấn của văn hóa Việt.
3. Bức tranh graffiti vẽ rồng dài 400m
Vào tháng 4/2010, một bức tranh khổng lồ có chiều dài 400m, cao 5m được vẽ bằng nghệ thuật graffiti do 40 họa sĩ TP HCM và Huế thực hiện trên đường Hùng Vương (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) đã hoàn thành. Tác phẩm này được thực hiện nhân dịp Festival trái cây Việt Nam lần I tại Tiền Giang. Ý tưởng bức tranh dựa theo chủ đề Festival Tiền Giang mở hội – sông hóa rồng, cho cây lành trái ngọt. 40 họa sĩ đã dùng khoảng 18 tấn sắt làm khung và 2.000m2 vải để làm thân rồng, thực hiện tác phẩm gần một tháng, với tổng chi phí khoảng 1,2 tỉ đồng.
4. Đôi rồng chầu lớn nhất Việt Nam
Kỷ niệm 750 năm Ngày sinh của Vua Trần Nhân Tông (1258-2008), Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang đang xây dựng đền thờ Vua Trần Nhân Tông nằm trong Trung tâm Văn hóa Huyền Trân tại núi Ngũ Phong, phường An Tây, thành phố Huế. Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) được xem là một trong những vị vua anh minh trong lịch sử. Trong các năm 1285 và 1288, ông đã hai lần lãnh đạo nhân dân đánh thắng đế quốc Nguyên Mông. Sau khi nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, ông xuất gia tu hành, lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà). Ông là tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Đôi rồng chầu nằm đọc theo bậc thang dẫn lên chính điện đền thờ, gợi nhớ giấc mộng trước đây của đệ tử Bảo Sát trong ngày viên tịch của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông tại am Ngọa Vân – Yên Tử. Màu chủ đạo của đôi rồng chầu là màu xám được chạm trổ tinh xảo theo các mô típ cầm kỳ thi họa, tam lân hý cầu, đan xen là những vầng mây khi ẩn, khi hiện. Mỗi rồng chầu dài 105m, đầu cao 3,5m, thân cao 2,5m, vòng bụng nơi lớn nhất 2,6m, do nghệ nhân Nguyễn Đình Quang và 20 thợ kép thực hiện từ ngày 1/6 đến 15/10/2008. Để tạo hình đôi rồng chầu cần đến 78m3 cát, 8m3 sạn, 41,5 tấn xi-măng, 1,5 tấn sắt, 6 tấn bột đá, 3.300 viên gạch 6 lỗ, 33.000 viên gạch thẻ.
T.T