Chán Trung Quốc, giới đầu tư tìm cửa đến Việt Nam
Tăng trưởng kinh tế ổn định, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện là những lợi thế mà Việt Nam đang nắm giữ trước một thị trường Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia tài chính quốc tế hàng đầu đã khuyến cáo, đã đến lúc gạt bỏ Trung Quốc ra khỏi danh mục đầu tư và tìm đến những quốc gia như Việt Nam để đầu tư.
Ảnh minh họa. |
Trung Quốc là nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới và số 1 châu Á. Tuy nhiên, năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu xuất hiện nhiều dấu hiệu đi xuống. Thậm chí, những số liệu được Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 2/3 còn cho thấy quốc gia này còn đang trong một cuộc suy thoái lớn. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm từ mức 49,4 xuống mức 49 trong tháng 2. Trong khi đó, PMI được xem là thước đo đánh giá hoạt động sản xuất của một cuốc gia và nếu PMI dưới 50 là suy giảm.
Kinh tế Trung Quốc đi xuống, đang trên đà suy thoái khiến hoạt động đầu tư vào quốc gia này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Và điều này đã được ông Deng Jiewen-đồng quản lý quỹ đầu tư FengHe Asia thẳng thắn nhận định: Chứng khoán Trung Quốc đang đứng giữa ‘một dòng sông chảy xiết’ trong bối cảnh thu nhập doanh nghiệp của nước này lao dốc.
Trong khi nhận định thị trường Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro, kém hấp dẫn đầu tư thì Deng Jiewen lại cho rằng những quốc gia Đông Nam Á đang làm tốt hơn người láng giềng phía Bắc.
Được biết, trong năm 2015, FengHe Asia là một trong số những quỹ đầu tư ở châu Á đạt lợi nhuận lớn nhất. Kết quả này có được là do FengHe Asia đã chuyển hướng đầu tư vào cá thị trường nhỏ hơn của châu Á thay vì tập trung vào Trung Quốc.
Không chỉ FengHe Asia, Chủ tịch quỹ đầu tư tài chính Kingsmead Asset Management tại Singapore John Foo cũng từng nhận định rằng, Việt Nam chính là “ngôi sao sáng nhất trên bầu trời ảm đạm của Đông Nam Á”. Cùng với đó, John Foo cũng khuyến cáo rằng, ngoài Việt Nam thì Philipin cũng là một thị trường đầy tiềm năng.
“Quốc đảo phía Đông Nam Á có cơ cấu dân số cũng như cấu trúc kinh tế lý tưởng, và ngày càng trở nên thân thiện hơn với dòng vốn đầu tư từ bên ngoài”.
Theo nhận định của Bloomberg, năm 2016, Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhất, với những động lực nổi bật là nhu cầu tiêu dùng nội địa và đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư quốc tế đã đổ thêm 100 triệu USD vào các quỹ đầu tư chứng khoán ở Việt Nam trong năm 2015, đánh dấu năm tăng thứ 10 liên tiếp của con số này.
Cũng với một cách nhìn rất thắng thắn, một nhà đầu tư nổi tiếng thế giới là Marc Faber hồi tháng 7/2015 đã khuyến cáo không nên rời bỏ thị trường chứng khoán Trung Quốc và tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam.
Tại thời điểm đó, trao đổi với trang CNN, Marc Faber cho biết ông không còn bất kỳ sự liên quan nào đến thị trường chứng khoán Trung Quốc. Và dù Trung Quốc có vượt qua cuộc khủng hoảng trên sàn chứng khoán thì ông cũng không thay đổi chiến lược đầu tư.
Rời bỏ thị trường Trung Quốc, Marc Faber đã khuyên giới đầu tư đổ tiền vào chứng khoán ở Việt Nam, cổ phiếu của các sòng bạc Macau ở Hongkong và các công ty khai thác vàng.
“Việt Nam là một quốc gia nổi trội ở châu Á với nền kinh tế tăng trưởng cao và giá cổ phiếu ở mức hợp lý. Việt Nam hiện tại đang được đánh giá như Trung Quốc cách đây một năm với giá cổ phiếu tăng mạnh”-Faber đưa nhận định.
Có thể thấy những khuyến cáo mà Marc Faber đưa ra là hoàn toàn có cơ sở và phần nào cho thấy nó đã trở thành hiện thực khi sau mùa hè kinh hoàng 2015, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục chịu áp lực đi xuống trong những tháng đầu năm 2016. Chỉ số Shanghai Composite Index đã rơi xuống đáy sau 14 tháng vào hôm 28/1.
Bảo Quân