Trực thăng của ông Bùi Hiển mong được cất cánh
Ông Bùi Hiển - người chế tạo máy bay trực thăng mong muốn được bay sau khi nghe tin người đàn ông chế tạo tàu ngầm được ra biển thử nghiệm.
Ông Bùi Hiển bên động cơ của trực thăng |
Mới đây, dư luận trong cả nước vui mừng khi biết tàu ngầm mini Hoàng Sa do ông Nguyễn Quốc Hòa (Thái Bình) chế tạo được đồng ý đưa ra biển thử nghiệm. Có được kết quả đó là do ông Hòa thực hiện xin phép theo đúng quy trình từ lực lượng biên phòng của tỉnh cho đến Sở Khoa học và Công nghệ…
Đó là về tàu ngầm mini Hoàng Sa của ông Hòa, còn một công trình khác cũng do người dân Việt Nam sáng tạo là chiếc trực thăng của kỹ sư Bùi Hiển (TP Thủ Dầu 1, tỉnh Bình Dương) thì đến nay vẫn chưa được “cất cánh”.
Theo thông tin trên báo chí, chiếc trực thăng của ông Hiển sẽ cất cánh nếu được cấp giấy phép. Tuy nhiên, giấy phép bay thử chỉ có hiệu lực trong vòng 1 ngày. Địa điểm, thời gian, độ cao là do nhà nước quy định. Hết hạn trong giấy phép, trực thăng không được bay.
Vì những yêu cầu trong giấy phép bay mà ông Hiển rất bối rối, vì chưa bay thành thục nên nếu xin giấy phép về để đó giấy phép sẽ hết hạn. Chính vì những lẽ đó, hôm nào ông Hiển cũng dậy lúc 5h sáng để tập bay trộm tại bãi đất vắng.
Nếu ông Hiển tập bay trong xưởng của mình thì sẽ không ai phản đối nhưng như vậy sẽ rất khó khăn vì chiếc máy bay của ông Hiển lần này to hơn lần trước.
Trên thực tế, việc yêu cầu có giấy phép thử bay là để đảm bảo an toàn cho người điều khiển, nhưng ở phía mình, ông Bùi Hiển bản thân người thiết kế sẽ biết độ an toàn ra sao, có biện pháp tự đảm bảo yếu tố này.
Ước muốn lớn nhất của ông Bùi Hiển là sẽ được cấp phép bay thử nghiệm sau đó chiếc trực thăng có thể được đưa vào phục vụ trong nông nghiệp, khảo sát, quay phim, chụp ảnh và tìm kiếm cứu nạn.
Đầu năm 2012, ông Bùi Hiển đã chế tạo chiếc trực thăng với 2 cánh quạt đồng trục quay ngược chiều nhau. Chiếc máy bay được trang bị động cơ của xuồng cao tốc, điều khiển bằng bánh lái dạng cánh bướm. Chiếc trực thăng thế hệ thứ 2 của ông Hiển có chiều dài 7,4 m, cao 2,4 m. Chiều dài cánh quạt chính là 6,6 m và chiều dài cánh quạt phía sau là 1,1 m. Động cơ máy bay được nhập từ Mỹ, sử dụng xăng A92 để hoạt động. Vận tốc tối đa khi bay của trực thăng đạt 200 km/giờ, trần bay dưới 500 m và tầm hoạt động liên tục trong 2 giờ khoảng 400 km. Trọng lượng của trực thăng không tải là 340 kg, trọng lượng cất cánh có tải tối đa 500 kg. |
Tàu ngầm Mini - Lực lượng "đặc công ngầm" của Việt Nam? |
Xuân Hinh