Cháy ôtô, xe máy: Tìm lời giải cho bài toán hóc búa
Ngày 10/02, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội đã tổ chức buổi hội thảo "Trao đổi về nguyên nhân gây cháy nổ và biện pháp phòng tránh". Nhiều nguyên nhân, giải pháp đã được đưa ra, tuy nhiên nhiều trường hợp vẫn chưa thể lý giải.
Đây là buổi hội thảo khoa học nhằm trao đổi, lý giải các nguyên nhân gây cháy nổ ô tô, xe máy trên địa bàn thành phố thời gian qua và đề xuất các biện pháp phòng tránh.
Hội thảo đã tập hợp các nhà khoa học, các chuyên gia về lĩnh vực cơ khí, động cơ, hoá học, đại diện nhiều sở, ngành liên quan và một số chủ của phương tiện bị cháy trong thời gian qua.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau khi đề cập đến nguyên nhân gây cháy, nổ ô tô, xe máy, song các đại biểu đều thống nhất nhận định đây thực sự là vấn đề “nóng” cần được nhìn nhận đầy đủ, chính xác và có những biện pháp phòng, tránh cụ thể.
Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, từ 1/10/2010 đến 10/1/2012, trên địa bàn Hà Nội xảy ra trên 70 vụ cháy ô tô, xe máy. Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Hướng dẫn phòng cháy của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho biết: Trong tổng số vụ cháy được phát hiện, lực lượng chức năng đã xác định được nguyên nhân của 25 vụ do nhiều nguyên nhân khác nhau như: chập điện, tai nạn giao thông, hút thuốc hoặc thắp hương trên xe…. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 47 vụ chưa xác định được nguyên nhân.
Ý kiến của các chủ xe máy bị cháy, có mặt tại Hội thảo cũng cho rằng "không thể lý giải tại sao đang lưu thông trên đường đột nhiên bị cháy”, thậm chí nhiều xe để cố định một chỗ đã tắt khóa điện cũng "bỗng dưng” bốc cháy.
Đáng chú ý, tại hội thảo, nhiều nhà khoa học và chuyên gia đã lấy dẫn chứng khoa học chứng minh chất lượng xăng, dầu trên thị trường hiện nay mới là "nghi can” số 1.
Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn Động cơ đốt trong của trường Đại học Bách khoa Hà Nội và cộng sự đã đưa ra 5 nguyên nhân gây cháy xe đó là nguồn lửa bùng phát bên ngoài động cơ, bắt lửa vào các chi tiết dễ cháy như nhựa, cao su; Nhiên liệu có chứa các chất phụ gia không được kiểm soát hoặc dung môi như: methanol, axêtôn với tỷ lệ lớn dẫn tới ăn mòn lão hoá nhanh các chi tiết, dẫn tới rò rỉ nhiên liệu.
Chế độ và quy trình bảo trì không phù hợp, hệ thống phụ tùng thay thế không được kiểm soát chất luợng và việc lắp ráp thêm các hệ thống mới như còi, đèn. Hệ thống phụ tùng, đặc biệt là hệ thống dây điện, sạc ácquy, rơ le… có độ bền nhiệt không đáp ứng được yêu cầu hoặc phải hoạt động trong điều kiện quá khắc nghiệt. Đường ống xả của xe bị quá nóng hoặc do điều kiện vận hành phương tiện trong thời tiết nóng ẩm, bụi bẩn, tắc đường cũng có thể tạo ra nguồn lửa.
Còn theo ý kiến ông Lê Bạch Chúc, Trung tâm An toàn hoá chất bảo vệ môi trường thì cho rằng, nhiều xe bị cháy trong thời gian qua liên quan đến tình trạng kỹ thuật không hoàn thiện của xe như: hệ thống cung cấp nhiên liệu cho xe không kín, hệ thống điện có khiếm khuyết… Ngoài ra, xe cháy còn do nguyên nhân do chủ nhân sử dụng xe chưa đúng như không đậy kín nắp bình xăng, xe bị đổ hoặc sử dụng xăng có trị số ốc tan thấp, sử dụng không đúng các dầu động cơ pha phụ gia óc tác dụng trám kim loại làm tăng nguy cơ cháy xe.
TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học Hình sự đặt giả thiết, không thể loại trừ khả năng bị pha metanol với giá thành rẻ hơn nhiều để nhằm gian lận thương mại, qua mắt nhà quản lý chất lượng. Nếu pha liều lượng nhỏ acetone vào xăng, sẽ làm cho chỉ số octan tăng thêm rất cao, trong hóa học, acetone là chất dung môi mạnh nên làm hỏng nhanh các chi tiết bằng nhựa và cao su trong động cơ như gioăng, làm độ kín khít của động cơ giảm. Tác động khi xe đang vận hành với hàm lượng acetone cao sẽ làm các chi tiết này bị mài mòn, khiến nhiên liệu bị rò rỉ, gặp tia lửa điện dẫn đến cháy nổ.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra rất nhiều giải pháp cụ thể để giảm thiểu hoặc phòng tránh cháy phương tiện xe máy, ô tô.
Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lưu ý: Chủ phương tiện cần có chế độ bảo trì, bảo dưỡng phương tiện dịnh kỳ; thường xuyên để ý đến phương tiện để sớm phát hiện các hiện tượng quá nhiệt hay rò rỉ nhiên liệu. Các cơ quan quản lý cần quản lý tốt chất lượng xăng dầu theo đúng tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam ; cần có chế tài xử lý đối với đơn vị phân phối xắng dầu không đúng tiêu chuẩn.
Cũng theo Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, việc cải thiện môi trường giao thông nhằm giảm bớt hiện tượng tắc đường là một giải pháp quan trọng giúp tăng tuổi thọ và độ an toàn cho phương tiện.
Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cũng khuyến cáo: Chủ các phương tiện không nên lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện như thiết bị bảo vệ, còi, đèn hoặc nếu lắp thêm phải đảm bảo không quá tải về điện. Khi để xe trong nhà, sân cần tắt khoá điện, đóng khoá xăng hoặc để xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Tiến sỹ Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội khẳng định: Nguyên nhân gây cháy ô tô, xe máy thời gian qua trên địa bàn Hà Nội và cả nước được các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý cắt nghĩa theo nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau và vì vậy cần có cái nhìn tổng thể cả từ phía nhà sản xuất, đơn vị cung ứng nhiên liệu và người tiêu dùng để có sự vận hành, sử dụng hợp lý hơn.
Sau Hội thảo, các nguyên nhân giải pháp sẽ được Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổng kết và thông báo tới các cơ quan chức năng. Đồng thời, Sở cũng báo cáo và đề xuất với UBND thành phố, Bộ Khoa học và Công nghệ để đưa ra các biện pháp quản lý cần thiết cũng như khuyến cáo người tiêu dùng để tránh rủi ro bảo vệ tính mạng tài sản cho mình, góp phần giải quyết vấn đề ô tô, xe máy bị cháy đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Mạnh Kiên