Đường dây nóng sẽ càng nóng
Cũng là phương thức thông tin liên lạc trên cùng hệ thống điện thoại có dây và không dây nhưng “đường dây nóng” được xác lập có ưu tiên hơn trong tiếp nhận thông tin. Đường dây nóng ngày càng phát triển rộng rãi và mang lại lợi ích rất thiết thực cho nhân dân và các nhà lãnh đạo. Vấn đề cần lưu ý hơn cả là hiệu quả của đường dây nóng qua xử lý thông tin như thế nào.
Mấy ngày gần đây, dư luận rất quan tâm và nhiệt tình ủng hộ tác phong lãnh đạo của Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khi ông công bố số máy điện thoại đường dây nóng. Chỉ trong vòng 43 giờ (từ 21h00 ngày 19/2 đến 16h ngày 21/2) đã có gần 1.200 cuộc gọi, hơn 800 tin nhắn từ người dân gửi vào số điện thoại 0888 247 247 của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.
Đa số các cuộc gọi phản ánh về lĩnh vực quản lý đô thị (nhất là về ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường), an ninh trật tự, cải cách hành chính, khiếu nại tố cáo. Một số “việc cần làm ngay” đã được ông Đinh La Thăng chỉ đạo giải quyết kịp thời, được người dân tin tưởng, mến phục và đồng tình ủng hộ.
Từ hơn 10 năm trước, đường dây nóng chủ yếu được các cơ quan truyền thông thiết lập để tiếp nhận những thông tin nhanh nhất, mới nhất và kịp thời phục vụ độc giả và khán giả. Mấy năm gần đây, nhận rõ tác dụng và hiệu quả thiết thực của đường dây nóng nên các bộ, ngành, địa phương và cán bộ đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã lần lượt thiết lập đường dây nóng. Đó là con đường ngắn nhất để người dân tiếp cận cán bộ lãnh đạo, giúp giải quyết sớm nhất những vụ việc cần làm ngay, đem lại lợi ích cho dân. Cũng qua đó, cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành có điều kiện gần gũi dân chúng hơn, nắm rõ tình hình cơ sở trong lĩnh vực mình đảm nhiệm.
Có đường dây nóng, báo chí có thể cập nhật các loại thông tin từng phút, từng giờ ở bất kỳ nơi nào do người dân cung cấp. Vì thế, hiện nay báo điện tử và các mạng xã hội trở thành người bạn đồng hành với bạn đọc suốt 24/24 giờ, ngày càng thu hút nhiều độc giả. Từ đó, nhiều vấn đề, vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong đời sống xã hội đã được xử lý nhanh chóng hơn.
Nhờ có đường dây nóng của ngành y tế, nhiều hiện tượng tiêu cực trong khám, chữa bệnh của đội ngũ y, bác sĩ và điều dưỡng viên cũng như các cơ sở sản xuất và kinh doanh thuốc chữa bệnh đã bị phanh phui, tố giác. Bộ trưởng Bộ y tế còn công khai địa chỉ facebook để người dân truy cập và gửi thông tin. Nhờ đó mà mấy năm nay, lĩnh vực y tế đã giảm hẳn những hành vi tiêu cực.
Phản ánh tiêu cực và sai phạm trong ngành y có thể nói là cách làm tốt để nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và giảm thiểu những rủi ro xảy ra do lỗi tắc trách của các nhân viên, cán bộ y tế. Vì thế, phản ánh tiêu cực y tế là trách nhiệm của mọi người dân và đó cũng là cách để mọi người có thể bảo vệ bản thân và gia đình mình trong tương lai. Người gọi cần thông báo rõ họ tên bản thân hoặc họ tên bất cứ người làm chứng nào, tên bệnh viện, họ tên bác sĩ hoặc nhân viên y tế cần phản ánh, ngày/tháng/năm/thời gian xảy ra vụ việc và để lại số điện thoại để liên lạc.
Từ năm 2013, Bộ Công an đã quy định: Người dân, lái xe nếu phát hiện CSGT làm sai quy trình, điều lệnh, sau khi xác định vị trí, số hiệu xe hoặc số hiệu lực lượng CSGT có thể báo qua “đường dây nóng” 24/24h. Nhờ có đường dây nóng, không ít CSGT, cảnh sát khu vực vi phạm kỷ luật như hành xử thiếu tôn trọng, lễ phép với dân; ăn tiền mãi lộ của người tham gia giao thông đã bị tố cáo và xử lý kịp thời.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng công bố 12 số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh về tình hình an toàn giao thông, hoạt động kinh doanh vận tải dịp tết Bính Thân, lễ hội xuân 2016. Thông qua đường dây nóng này, nhiều vấn đề cấp bách thuộc lĩnh vực trên diễn ra trên địa bàn cả nước đã được tiếp thu và chấn chỉnh.
Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) có 3 đường dây nóng, đã tiếp nhận 200 phản ánh về tiêu cực, tham nhũng và tặng quà tết trái quy định. Có 2/3 trong số 200 phản ánh đó có cơ sở để giải quyết. Vấn đề mà người dân phản ánh nhiều nhất liên quan đến Bộ Công an. Chính vì thế, Cục Chống tham nhũng đã chuyển hầu hết các phản ánh, tố cáo đó tới Thanh tra Bộ Công an đề nghị kiểm tra, thanh tra, giải quyết hoặc trả lời người dân. Người dân sinh sống tại Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Cần Thơ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Kon Tum và một số tỉnh miền núi có nhiều phản ánh, tố cáo nhất.
Ở TP HCM, hưởng ứng phương châm hành động của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã vào cuộc bằng cách hằng tuần phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân thông qua đường dây nóng của Bí thư Thành ủy. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã đề nghị Bí thư Thành ủy cho phép được nắm thông tin từ đường dây nóng, từ đó sẽ tham mưu cho Bí thư Thành ủy và Thường trực Thành ủy phối hợp, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát kết quả giải quyết các vấn đề người dân bức xúc. Đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị thông qua hệ thống Ủy ban Kiểm tra các cấp. Đồng thời, tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy trong việc đánh giá cán bộ hằng năm, đề bạt, luân chuyển cán bộ thông qua trách nhiệm giải quyết các vấn đề bức xúc của dân, đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM cũng xác định rằng, không kỳ vọng sẽ giải quyết được ngay tất cả những vấn đề người dân mong muốn. Nhưng không thể nói vì khó quá mà không làm. Phải giảm dần những bức xúc của người dân, lấy lại niềm tin của nhân dân đối với cấp cơ sở.
Lập ra đường dây nóng là để nhận phản ảnh, góp ý, hiến kế, giải pháp xây dựng... của người dân giúp lãnh đạo các cấp xử lý nhanh chóng những vấn đề bức xúc của người dân. Nhưng có không ít kẻ vô công rồi nghề đã lợi dụng đường dây nóng để gây phiền toái, quấy rối và đùa cợt, thông tin sai lệch.
Từ lâu, các tổng đài 113, 114 và 115 đã rất nhiều lần bị những kẻ phá rối gọi điện đến với những thông tin nhảm nhí, quấy rối, gây lãng phí thời gian, công sức và kinh phí của người thi hành công vụ. Một số kẻ đã bị bắt giữ và xử phạt hành chính.
Ngay như Bí thư Đinh La Thăng công bố số điện thoại đường dây nóng được vài ngày đã không ít cuộc gọi đến máy lúc nửa đêm quấy rối. Bí thư Đinh La Thăng đã chỉ thị: “Để chấm dứt tình trạng này, tôi nghĩ công an cần phải vào cuộc, xử lý thật mạnh tay. Thay vì lâu nay chúng ta chỉ phạt hành chính thì nay có thể nâng mức phạt vài tháng tù là sẽ chấm dứt ngay, vì đường dây nóng của cơ quan chính quyền không phải là chỗ đùa giỡn. Bên cạnh đó, bộ phận trực đường dây nóng nên cài đặt chế độ tự động trả lời trước khi kết nối với trực ban, kèm nội dung cảnh báo các mức phạt vì hành vi quấy rối. Việc này có thể mất khoảng 10-15 giây nhưng nó sẽ làm giảm hiện tượng chọc phá”.
Hiệu quả to lớn và thiết thực của đường dây nóng đã rõ ràng, cụ thể. Vì vậy, các đường dây nóng sẽ càng ngày càng “nóng” hơn. Vấn đề là ở chỗ, người gọi vào đường dây nóng phải đúng việc, đúng lúc và đúng chỗ; người tiếp thu thông tin từ đường dây nóng phải có giải pháp xử lý kịp thời, nhanh chóng nhất.Có như vậy, đường dây nóng mới thể hiện đúng với vai trò và ý nghĩa của nó.
Đức Toàn