TP HCM: Gia tăng thừa cân béo phì và bệnh mạn tính
Tình hình thừa cân béo phì ở trẻ em và người trưởng thành tại TP HCM ở mức báo động và đang có xu hướng gia tăng, đe dọa kéo theo sự gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến vấn đề dinh dưỡng như: bệnh đái tháo đường, huyết áp, tim mạch...
Ngày 21/2, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết: Trong khi tỉ lệ suy dinh dưỡng tại TP HCM liên tục giảm bền vững và thấp nhất nước thì những năm gần đây tỉ lệ thừa cân béo phì có xu hướng gia tăng. Hiện nay, tại thành phố, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi (thể nhẹ cân 5,9%, thể gầy 3,4%, thể còi 7,7%) nhưng tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi của TP HCM là trên 10%.
Vấn đề thay đổi lối sống, gia tăng xu hướng ít vận động; thời gian dành cho các hoạt động thể lực giảm; thời gian dành cho các hoạt động tĩnh lặng như xem phim, chơi game, học thêm… gia tăng. Bên cạnh đó, nhận thức về dinh dưỡng hợp lý của cộng đồng còn chưa cao. Người dân có xu hướng ăn nhiều chất béo bão hòa, muối, đường và các loại thực phẩm tinh chế, ít chất xơ làm gia tăng các rối loạn chuyển hóa và bệnh mạn tính.
Trẻ em bị thừa cân béo phì sẽ có nhiều nguy cơ thừa cân béo phì khi trưởng thành. Tình trạng béo phì sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như: đái tháo đường, tim mạch, thấp khớp, mỡ trong máu,… làm những bệnh đã mắc phải trầm trọng thêm và gây ra những vấn đề tâm lý như trầm cảm, tự ti. Do đó, cần có chiến lược phòng, chống và kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em; tăng cường sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội và y học; can thiệp phổ biến kiến thức nhằm tăng hoạt động thể lực ở trẻ, thay đổi thói quen sinh hoạt, hành vi ăn uống.
Mai Phương