Tự bơm tinh trùng để có thai: Chuyện ảo tưởng!
Câu chuyện tử tù Nguyễn Thị Huệ có thai bằng cách tự bơm “tinh binh” của một nam phạm nhân đựng trong túi nilon “bán” cho mình đang làm xôn xao dư luận. Liệu với cách thụ tinh này thực sự có giúp nữ tử tù đạt kết quả dễ dàng như vậy để thoát án tử hình?
Theo Công an Quảng Ninh, ngày 6-1 đã phát hiện tử tù Nguyễn Thị Huệ, người đã bị Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tuyên án tử hình vì tội buôn bán ma túy vào tháng 6-2014 đã mang thai được 4-5 tháng trong thời gian tạm giam tại trạm tạm giam của Công an tỉnh Quảng Ninh. Đương nhiên trước đó, Huệ không có thai.
Ngay sau khi xác định chắc chắn như vậy bằng các biện pháp y tế, Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã thực hiện ngay một cuộc điều tra.
Kết quả ban đầu, Huệ khai lợi dụng chính sách nhân đạo của Nhà nước về việc không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ nên đã liên hệ và nhờ một nhóm nam phạm nhân cũng đang thi hành án tại trạm tạm giam giúp mình có thai. Huệ hứa, nếu thành công sẽ trả công nhóm nam phạm nhân này 50 triệu đồng.
Dùng kính hiển vi để sàng lọc tinh trùng, thực hiện thụ tinh ống nghiệm |
Người đầu tiên cũng đứng ra khai nhận cho Huệ tinh trùng là Nguyễn Tuấn Hưng, 27 tuổi đang chấp hành án phạt 30 tháng tù về tội trộm cắp tài sản tại trại tạm giam.
Hưng khai, tháng 8-2015, Hưng đã hai lần lấy tinh trùng của mình cho vào túi nilon kèm bơm tiêm và đặt vào nơi Huệ đã căn dặn. Còn Huệ, lợi dụng lúc được đi vệ sinh cá nhân vào buổi sáng, đã lấy tinh trùng của Hưng và tự bơm vào tử cung của mình. Kết quả là Huệ đã có thai đúng như mong muốn.
Tuy nhiên, lời khai này của Huệ và Hưng có chính xác? Ở đây bài viết này không bàn đến phương cách, thủ đoạn hai bên đã thông đồng với nhau về việc “mua - bán” mà chỉ bàn đến hình thức thụ thai này liệu có đúng như lời khai của Huệ và Hưng để từ đó xác định rõ đúng người đúng tội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, một trong những người tiên phong về lĩnh vực thụ tinh nhân tạo hay còn gọi là kỹ thuật IUI tại Việt Nam và được đánh giá là khá “mát tay” trong việc giúp các đôi vợ chồng hiếm muộn có con bằng phương pháp này, mặc dù nói vui nhưng phần nào cũng thể hiện rõ nhận định của ông: “Có thâm niên điều trị vô sinh cho không ít các cặp vợ chồng bao nhiêu năm nay, nhưng với cách thụ thai của tử tù Nguyễn Thị Huệ thì tôi không thể tưởng tượng nổi. Nếu chẳng hạn đó là cách thụ thai có hiệu quả thật mà các cặp vợ chồng hiếm muộn muốn thực hiện và đề nghị tôi giúp đỡ. Tôi cũng chịu không dám nhận lời giúp họ”.
Tử tù Nguyễn Thị Huệ |
Bác sĩ Phạm Minh Trang, nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Sản và Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện 198 thì nghi ngờ ngay khi được hỏi về cách thụ thai của tử tù Nguyễn Thị Huệ. Bà nói: “Rất khó có chuyện tinh trùng cho ra ngoài cơ thể, đựng trong túi nilon mà thụ thai được. Khả năng là nữ tử tù đã quan hệ trực tiếp với một người đàn ông để rồi có thai thì cao hơn”.
Bà còn phân tích, để thụ được thai không phải là chuyện đơn giản, tinh trùng phải có môi trường mới “sống” được, mới tìm được đến nơi cần đến, nếu không là “đứt gánh giữa đường”.
Ví như phải trong môi trường âm đạo, nó mới sống được 72 giờ. Còn lấy ra ngoài, phụ thuộc vào thời tiết, cách lưu trữ tinh trùng mới duy trì được sự sống. Vả lại phải đúng khi gặp được trứng rụng, tinh trùng mới hoàn thành “sứ mệnh” của nó (thụ được thai).
Bác sĩ Trang khẳng định: “Đến quan hệ trực tiếp có khi phải nhiều lần mới đậu thai. Huống hồ đằng này lại theo cách như vậy. Khó lắm! Tôi cho rằng không có chuyện tự bơm tinh trùng đựng trong túi nilon bằng xơ-ranh mà có thai đâu. Họ phải làm trực tiếp”.
TS.BS Lê Vương Văn Vệ, chuyên gia nam học và hiếm muộn, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thì phân tích kỹ lưỡng hơn với báo giới: “Việc 2 phạm nhân thực hiện có thai trong trường hợp vừa qua, theo y khoa có thể hiểu họ đã cùng nhau thực hiện thụ tinh nhân tạo. Và họ đã thực hiện một phương pháp có tỷ lệ thành công thấp nhất trong các phương pháp thụ tinh nhân tạo. Đó là phương pháp bơm tinh trùng vào âm đạo.
Tỷ lệ thành công của phương pháp này trong điều kiện các khâu chuẩn bị hoàn hảo nhất cũng chỉ đạt 5-10%. Mà một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng nhất đến tỷ lệ thành công là phải xác định chính xác thời điểm rụng trứng và việc bơm tinh trùng vào âm đạo tốt nhất trong vòng 6 giờ quanh thời điểm rụng trứng và không quá 24h kể từ khi rụng trứng. Ở trong các trung tâm hỗ trợ sinh sản để xác định được thời điểm vàng nói trên phải dùng xét nghiệm nước tiểu hoặc siêu âm âm đạo bằng đầu dò mới được…”.
Ông nói tiếp: “… Để cách thụ tinh này đạt kết quả thì một yếu tố cần thiết nữa là trong quá trình bơm tinh trùng vào âm đạo đó phải là tinh trùng khi lấy ra khỏi cơ thể phải đựng trong dụng cụ đã được vô trùng và xơ-ranh dùng để bơm cũng phải được vô trùng, tiệt khuẩn. Nếu không, sự nhiễm khuẩn sẽ ảnh hưởng tới tỷ lệ thành công của phương pháp bơm tinh trùng vào âm đạo.
Một điều kiện cuối cùng để quyết định thành - bại của thụ tinh nhân tạo là độ tuổi. Tuổi càng cao tỷ lệ thành công càng thấp. Y học đã chứng minh từ 38-40 tuổi thành công là 7%, 41-42 tuổi là 4% và hơn 42 tuổi là 1%”.
Như vậy, nếu tử tù Nguyễn Thị Huệ có thai đúng như lời khai thì đó là trường hợp cực kỳ hãn hữu không chỉ trong y học nước nhà mà của cả thế giới. Tuy nhiên, có một điểm nữa mà TS Lê Vương Văn Vệ lưu ý là để thực hiện được như vậy, tinh trùng của người nam giới phải rất khỏe.
Vậy với điều kiện sống trong tù tội, ăn uống tất nhiên không thể đầy đủ chất dinh dưỡng như ở nhà thì liệu tinh trùng của Nguyễn Tuấn Hưng có thể giúp Huệ thụ thai được không?
Với các cơ sở khoa học trên đây, để khẳng định có hay không việc tự bơm tinh trùng đựng trong túi nilon mà có thai là rất khó nhưng chắc chắn để thụ thai được như lời Huệ khai là không hề dễ dàng.
TS Hồ Sỹ Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia: Thông thường, phương pháp IUI, tinh dịch được lấy bằng cách thủ dâm và đựng vào lọ nhựa khử trùng đặc biệt. Các mẫu tinh trùng sau khi lấy được phải sàng lọc và lưu giữ trong điều kiện -196o bằng nitơ lỏng. Ở Việt Nam, việc lưu giữ tinh trùng đã được các bệnh viện Từ Dũ, Phụ sản Trung ương, Trung tâm Công nghệ mô phôi thuộc Học viện Quân y… thực hiện. Bảo quản đúng kỹ thuật, tinh trùng có thể lưu giữ đến 20 năm. Tuy nhiên, nếu điều kiện bơm không bảo đảm, như trường hợp lời khai của tử tù Nguyễn Thị Huệ (đựng tinh trùng trong túi nilon, xơ-ranh không biết có sạch hay không) thì khả năng nhiễm khuẩn tinh trùng là rất cao. Trường hợp đó, dù đã đi vào âm đạo và đã thụ thai thì nguy cơ xảy thai rất lớn. Đối với nam giới, trước khi tiến hành kỹ thuật IUI, phải được thăm khám để nhằm phát hiện có bệnh tật, nhất là các bệnh lây truyền như viêm gan B, HIV hay có bất thường nhiễm sắc thể không… Các bác sĩ sẽ lấy 3 mẫu tinh trùng để xét nghiệm, nhưng mỗi lần lấy cách nhau ít nhất 3 ngày. Sau 3 tháng mới làm xét nghiệm HIV… Nếu tất cả các bệnh âm tính mới được tiến hành IUI. Do đó, hành động tự bơm tinh trùng để thụ thai là vô cùng nguy hiểm. Không loại trừ trường hợp đứa trẻ sinh ra mang bệnh lây truyền do tinh trùng của người nam giới không bảo đảm. |
Tú Anh