Còn hàng tỉ tấn than chưa được đánh thức?
Theo báo cáo của TKV và Tổng hội Địa chất Việt Nam, qua nghiên cứu cho thấy, trữ lượng và tiềm năng tài nguyên than phần sâu dưới mức -300 tại bể than Đông Bắc còn rất lớn, mở ra một triển vọng đầu tư khai thác hiệu quả.
Nhiều năm nay, Tập đoàn đã tích cực đầu tư cho việc khảo sát, tìm kiếm than dưới -300 ở Quảng Ninh. Đến nay, trên diện tích bể than Quảng Ninh, công tác thăm dò địa chất đã tiến hành gần 5.000 lỗ khoan với số mét khoan cơ khí xấp xỉ 2 triệu mét, 1,5 triệu m3 hào, 50.000m lò, 40.000m giếng thăm dò, gần 500 báo cáo địa chất các loại.
Theo Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9-1-2012 thì tổng tài nguyên và trữ lượng than tính đến ngày 1-1-2011 được xác định bằng 48,7 tỉ tấn, trong đó than đá là 48,4 tỉ tấn, than bùn 0,3 tỉ tấn; tài nguyên và trữ lượng than huy động vào quy hoạch là 7,2 tỉ tấn.
Mặc dù trữ lượng dự báo còn rất lớn tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau nên mức độ nghiên cứu địa chất chi tiết mới chỉ tiến hành đến mức cao -300m mà chủ yếu là đến -150. Một trong những nguyên nhân chính là việc việc mở rộng, nâng công suất các mỏ than gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, giấy phép…
Khai thác Than ở Quảng Ninh |
Để đáp ứng nhu cầu than hiện nay và trong những năm tiếp thep, Quy hoạch 60 đã đề ra chủ trương nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than đưa về nước. Tuy nhiên, việc nhập khẩu than dài hạn với khối lượng hàng chục triệu đến hơn trăm triệu tấn/năm là vô cùng khó khăn do nguồn cung than ngày càng hạn chế trong khi nhu cầu than của các nước ngày càng tăng với sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường.
Các chuyên gia năng lượng cũng khuyến nghị, đây là dạng đầu tư mạo hiểm và nhiều rủi ro, hơn nữa cơ hội mua mỏ than ở các nước có tiềm năng về than như Indonesia, Australia… không còn dễ do các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… đã triển khai đầu tư mua mỏ ở các nước đó từ hàng chục năm nay. Nếu không có chủ trương, chính sách quyết liệt và bảo lãnh của Chính phủ thì các doanh nghiệp không đủ tiềm lực và không dám đầu tư mua mỏ ở nước ngoài.
Hơn nữa, để có thể nhập khẩu từ chục triệu đến hơn trăm triệu tấn than mỗi năm, ngoài đội tàu vận tải biển hùng hậu cần phải có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ nhập khẩu than như hệ thống cảng biển, cảng sông, bến bãi, kho chứa…
Bởi vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn cần tập trung nguồn lực để đầu tư khai thác than trong nước, đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường nhập khẩu than thương phẩm với giá thành phù hợp. Đặc biệt, công tác thăm dò phải đi trước một bước, chuẩn bị đầy đủ cơ sở tài nguyên, đánh giá trữ lượng, đặc biệt ở mức sâu dưới -300.
Theo chỉ đạo của Chính phủ trong năm 2016, TKV cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam, Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam để khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than, trong đó mục tiêu quan trọng là tăng cường công tác tìm kiếm, thăm dò để sớm xác định trữ lượng tin cậy phục vụ cho kế hoạch sản xuất 5 năm 2016-2020, giai đoạn đến năm 2025 và sự phát triển ổn định, lâu dài của ngành than. Quá trình tìm kiếm, thăm dò nguồn tài nguyên than không dừng lại ở mức -300m, mà tiếp tục thăm dò phần tài nguyên than dưới -300 m ở các khu vực có triển vọng để tiết kiệm chi phí sau này.
Trước đó vào tháng 9- 2015, TKV đã chính thức khởi công thực hiện đề án thăm dò bể than nâu đồng bằng sông Hồng trên địa bàn hai xã Nam Thịnh và Nam Hưng của huyện Tiền Hải (Thái Bình). Đề án này được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở khai thác thương mại, đảm cung ứng than lâu dài, ổn định và hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế của đất nước.
Nguyễn Kiên