Cơ khí TKV cần phải đột phá
Những năm gần đây, song hành cùng với sự phát triển đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng ngày càng cao của đất nước, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện nay đang tập trung dồn sức cho khối cơ khí vốn còn nhiều hạn chế.
Hạn chế do nhiều nguyên nhân
Theo TKV, hiện khối cơ khí chế tạo của Tập đoàn có 15 đơn vị, trong đó có 2 viện nghiên cứu chuyên ngành, 11 công ty cơ khí chế tạo, 1 đơn vị chế tạo thiết bị điện và 1 đơn vị thi công xây lắp. Ngoài ra còn có 15 xưởng cơ khí thuộc các đơn vị. Tổng số lao động khối cơ khí TKV hiện nay khoảng 5.000 người với doanh thu hằng năm 3-4 nghìn tỉ đồng.
Khoảng 10 năm trở lại đây, Tập đoàn đã có nhiều cố gắng trong việc thúc đẩy phát triển khối này, bằng việc cho ra đời nhiều sản phẩm chế tạo mới, với tỷ lệ nội địa hóa ngày càng cao mang lại nhiều hiệu quả hơn so với trước. Tuy nhiên, thực tế lực lượng này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự tương xứng với năng lực hiện có và yêu cầu ngày càng cao của TKV. Dẫn chứng là trang thiết bị, cơ khí chính xác (CNC) còn khá thấp, mới chỉ cung ứng một phần rất nhỏ phục vụ trong ngành, còn lại vẫn phải nhập khẩu.
Hệ thống giàn chống tại Công ty CP than Vàng Danh - TKV |
Hạn chế của hàng ngoại là chi phí cao, không may gặp sự cố phải chờ bảo hành, sửa chữa rất mất thời gian, đó là chưa kể nhu cầu sản phẩm cơ khí trong ngành ngày càng lớn để bắt kịp với tốc độ tăng trưởng của Tập đoàn. Bên cạnh đó, thực trạng hiện nay nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung của ngành cơ khí Việt Nam và TKV nói riêng còn thiếu và yếu do nhiều nguyên nhân. Đây là một trong những bài toán lớn của ngành than trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do điều kiện khai thác xuống sâu, đi xa, kéo theo chi phí sản xuất rất lớn.
Tự chủ nguồn lực
Trong “Quy hoạch phát triển ngành cơ khí than - khoáng sản giai đoạn đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030” đã nêu rõ định hướng phát triển cơ khí là: Tăng cường năng lực tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo; đẩy mạnh tiếp thu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến đủ khả năng cung cấp thông tin, tư vấn chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong ngành...
Có thể thấy, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của TKV hiện nay đó là tự chủ trong việc tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo. Hiện nay, TKV đang tiếp tục tận dụng tối đa các nguồn lực hiện có để tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh và đạt tiêu chuẩn chất lượng, duy trì tốc độ tăng trưởng của các đơn vị cơ khí. Đáng chú ý phải kể đến việc Cơ khí TKV đã nghiên cứu và triển khai thành công giá khung di động GK/1600 /1.62/2.4HT. Đến nay, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt trên 90%, trừ một số linh kiện nhỏ. Với chất lượng và giá cả cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, hàng ngàn bộ giá khung đã được sản xuất và đưa vào sử dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các công ty khai thác than hầm lò trong Tập đoàn.
Tương tự, sản phẩm dàn chống Vinaalta cũng được nội địa hóa cao hơn 85%. Để tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất dàn chống, Tập đoàn đang chỉ đạo Viện Cơ khí và các đơn vị sản xuất tiếp tục phối hợp nghiên cứu, chế tạo các xilanh thủy lực lớn với đường kính lên tới 220mm và các van điều khiển thủy lực chuyên dụng...
Đặc biệt, những năm gần đây, với sự nỗ lực của các đơn vị, Cơ khí TKV cũng đã tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mới được nhiều thiết bị cho dây chuyền sản xuất đồng bộ có chất lượng tốt, giá thành phù hợp và được đánh giá cao, thay thế nhập khẩu. Điển hình như: Máy xúc lật hông VMC 500 EX với nhiều ưu điểm vượt trội so với hàng nhập khẩu trước đó; Gầu ngoạm điều khiển từ xa (đây là sản phẩm có yêu cầu công nghệ cao, trước đây phải nhập khẩu nguyên chiếc); Đầu tàu điện chạy bằng ắc quy phòng nổ 8-12 tấn; thiết bị tuyển huyền phù, sàng quay đánh tơi năng suất 220T/h và các thiết bị công nghệ khác dùng cho sản xuất alumin...
Cơ khí phải đi trước một bước
Năm 2015, sản xuất cơ khí chế tạo thiết bị đạt 9.830 tấn, bằng 100% kế hoạch. Trong đó, Công ty CP Công nghiệp Ôtô; Cơ khí Mạo Khê; Cơ điện Uông Bí; Viện Cơ khí năng lượng và mỏ là những đơn vị có kết quả sản xuất kinh doanh tốt. Các sản phẩm mới của Cơ khí TKV trong năm 2015 có thể kể đến như: Thép cán SVP 22 dùng chế tạo vì chống lò của Chế tạo máy; ống mềm thủy lực cao áp, con lăn băng tải, hệ thống vận tải trong hầm lò sử dụng đầu kéo Diezen phòng nổ của Công nghiệp ô tô; Hệ thống tời chở người trong lò dốc của Viện cơ khí năng lượng và mỏ; Liên kết chế tạo Hệ thống vận tải mini trong hầm lò bằng khí nén của Cơ khí Mạo Khê...
Theo chỉ đạo chung của lãnh đạo Tập đoàn, các đơn vị khối cơ khí, sẽ phải xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, kể cả dịch vụ sửa chữa thiết bị và các sản phẩm chế tạo mới. Từ thực tế mỗi đơn vị, cần tái cấu trúc lại cơ cấu lao động theo hướng ưu tiên tối đa cho lực lượng cán bộ kỹ thuật thiết kế, công nghệ và các lao động lành nghề. Ngoài ra, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, cơ khí TKV cần tranh thủ hợp tác quốc tế nhằm chuyển giao công nghệ mới hoặc cùng đầu tư nghiên cứu, chế tạo, cùng chịu trách nhiệm về chất lượng và hiệu quả sản xuất. Nỗ lực của cơ khí TKV trong thực hiện mục tiêu nội địa hóa đã được hiện thực trong các sản phẩm cơ khí chế tạo, sửa chữa gần đây. Chất lượng và hiệu quả kinh tế của các sản phẩm này cũng đã nhìn thấy rõ.
Song, để đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất của Tập đoàn trong giai đoạn tới, đòi hỏi phải có sự đột phá hơn nữa. Do đó, Tập đoàn sẽ tiếp tục soát xét, hoạch định chiến lược phát triển của mỗi đơn vị cho phù hợp với yêu cầu mới. Theo các chuyên gia, để giúp khối cơ khí có bước phát triển đúng hướng, điều cơ bản để cơ khí trỗi dậy rất cần sự đột phá trong sáng tạo, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa giúp chủ động hơn trong sản xuất như nguyên Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trước đây đã từng chỉ đạo “Nếu không sáng tạo hơn nữa thì cơ khí TKV sẽ thất bại ngay từ khâu lắp ráp”.
Minh Châu