Nhìn lại một năm “Năng suất - Hiệu quả” của EVN
Năm 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chọn chủ đề “Năng suất - Hiệu quả” làm nội dung xuyên suốt trong quá trình sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Mục tiêu hướng tới của năm “Năng suất - Hiệu quả” của EVN là từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế, tiến tới trở thành Tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước. Và khép lại năm 2015, với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, EVN và các đơn vị thành viên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đảm bảo cung ứng đủ điện với chất lượng cao cho nền kinh tế.
Cung ứng đủ điện
Trong cơ cấu các nguồn điện của Việt Nam, thủy điện vẫn chiếm một tỉ trọng rất lớn, lên tới 40% tổng sản lượng toàn hệ thống. Chính vì vậy, trong một năm tình hình thời tiết, thủy văn có diễn biến bất lợi, cộng với hệ thống khi Tây Nam Bộ cấp điện cho các máy nhiệt điện khí không ổn định… như năm 2015, nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước của ngành điện gặp vô vàn khó khăn, thách thức.
Và theo thống kê của EVN, trong năm qua, dù Tập đoàn đã huy động tối đa công suất và sản lượng các nhà máy thủy điện phía Bắc thì tổng sản lượng điện thủy điện khai thác được cũng chỉ đạt 55 tỉ kWh, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, do sớm đưa dự báo, chủ động đề ra các giải pháp, đặc biệt là vận hành, khai thác hiệu quả các nhà máy nhiệt điện than nên EVN vẫn đảm bảo đủ điện cho đất nước.
Toàn cảnh Nhà máy Thủy điện Lai Châu |
Theo EVN, năm 2015, sản lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than đã vượt 3,75 tỉ kWh so với kế hoạch năm và đóng góp lớn vào kết quả này là Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1. Trong đó, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 được vận hành thương mại từ đầu năm 2015 đã giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho các tỉnh thành phía Nam.
Đặc biệt, trong mùa khô và các đợt cắt khí PM3, việc Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 phát điện ổn định, liên tục theo điều hành của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã góp phần quan trọng giải quyết tại chỗ một phần nhu cầu điện của miền Nam. Và tính chung cả năm 2015, nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã phát được 5,5 tỉ kWh, trong khi kế hoạch được giao là 4,9 tỉ kWh.
Ông Đinh Quốc Lâm - Tổng giám đốc Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) khi đề cập tới câu chuyện này đã cho biết, ngay từ đầu năm 2015, EVNGECNCO3 đã xác định rõ, việc vận hành ổn định Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 là nhiệm vụ trọng tâm hiện thực hóa chủ đề “Năng suất - Hiệu quả” của Tập đoàn. Vì vậy, EVNGENCO3 đã bố trí lực lượng lao động hợp lý, đảm bảo chế độ vận hành 3 ca 5 kíp, sẵn sàng khắc phục và xử lý kịp thời các sự cố, đảm bảo nhà máy được vận hành an toàn, hiệu quả, góp phần giảm tối đa sản lượng điện huy động từ các nhà máy nhiệt điện chạy dầu giá cao.
Ngoài việc khai thác hiệu quả, hợp lý các nguồn điện, trong năm 2015, để hướng tới mục tiêu “Năng suất - Hiệu quả”, đảm bảo dòng điện thông suốt, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cũng đã vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, liên tục và ổn định. Theo ông Vũ Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc EVNNPT, kết quả này có được là do EVNNPT đã tăng cường quản lý kỹ thuật, đầu tư các thiết bị tiên tiến, theo dõi, giám sát hoạt động của hệ thống truyền tải điện, từ đó chủ động phát hiện, xử lý, ngăn ngừa và giảm thiểu sự cố trên lưới. Bên cạnh đó, EVNNPT còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật, vật tư thiết bị.
“Nhìn chung, công tác vận hành lưới điện năm 2015 đã đáp ứng được nhu cầu phụ tải và truyền tải công suất điện, đặc biệt đã đảm bảo cung cấp khoảng 20% nhu cầu điện của miền Nam với công suất truyền tải lớn nhất trên giao diện Bắc - Trung là 2.587MW, Trung - Nam đạt gần 3.300MW” - ông Minh thông tin.
Đột phá dịch vụ khách hàng
Không chỉ đảm bảo nhu cầu điện cho nền kinh tế, trong năm 2015, công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng tiếp tục được EVN đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. 1,28 triệu là số lượng khách hàng được các công ty điện lực phát triển mới trong năm 2015, đưa tổng số khách hàng ký hợp đồng mua bán với các điện lực lên trên 23,7 triệu khách hàng. Cùng với đó, các đơn vị cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong giao dịch khách hàng, trong đó đã rút ngắn thời gian giải quyết cấp điện mới cho khách hàng. Cụ thể, thời gian lắp đặt mới và cấp điện cho khách hàng sinh hoạt khu vực thành phố/thị xã/thị trấn là 2,11 ngày, khu vực nông thôn là 2,55 ngày và khách hàng ngoài sinh hoạt là 3,13 ngày.
Với những nỗ lực cải cách trên, ngày 28-10-2015, tại Báo cáo đánh giá các chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2015 của 189 nền kinh tế của Tổ chức Doing Business, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam ở vị trí 108/189, tăng 22 bậc so với năm 2014 và là chỉ số có mức độ cải thiện tốt nhất trong các chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Doing Business cũng đã ghi nhận việc giảm số ngày làm thủ tục cấp điện của Việt Nam từ 115 ngày xuống còn 59 ngày, trong đó, số ngày thực hiện của ngành điện giảm từ 38 xuống còn 14 ngày.
Cũng trong năm 2015, để tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng và cũng là để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện, các tổng công ty điện lực đã đưa vào hoạt động 4 trung tâm chăm sóc khách hàng. Và theo ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó tổng giám đốc EVN, các trung tâm chăm sóc khách hàng sẽ là kênh giám sát, tiếp thu ý kiến phản hồi… để ngành điện ngày càng hoàn thiện theo hướng tốt hơn.
Bên cạnh đó, đến hết tháng 5-2015, các tổng công ty điện lực cũng đã hoàn thành chương trình sử dụng hóa đơn điện tử cho 100% khách hàng. Từ đó, tiết kiệm được chi phí in, gửi, bảo quản và lưu trữ hóa đơn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý kinh doanh, hạch toán kế toán và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh điện năng, phù hợp với quy mô và tốc độ tăng trưởng bền vững trong chiến lược phát triển của Tập đoàn.
Gỡ “nút thắt” về vốn
Nếu như việc huy động hợp lý các nguồn điện, đẩy mạnh công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng góp phần đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước với chất lượng ngày càng cao thì việc EVN mở rộng hợp tác quốc tế, thu xếp nguồn vốn cho các dự án điện lại là sự đảm bảo cho sự tăng trưởng, phát triển bền vững của EVN. Trong năm 2015, EVN đã huy động được tới 785 triệu USD vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và vay thương mại nước ngoài để bổ sung nguồn vốn thực hiện đầu tư xây dựng các công trình. Các công trình, dự án trọng điểm của Tập đoàn vì vậy đã được triển khai kịp thời, đảm bảo tiến độ với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng điện tiêu thụ của nền kinh tế.
Đáng chú ý, trong năm 2015, EVN đã tiến hành hòa máy Tổ máy 1 Thủy điện Lai Châu, công suất 400MW và Thủy điện Huội Quảng công suất 260MW trong tháng 12-2015 đã kịp thời bổ sung công suất lắp đặt cho hệ thống điện quốc gia. Và cùng với 5 tổ máy nhiệt điện là Duyên Hải 1 (2x622MW), Ô Môn 1 (330MW), Mông Dương 1 (2x540MW), đến cuối năm 2015, tổng công suất lắp đặt hệ thống điện Việt Nam đạt khoảng 38.800MW. Ngoài ra, các đơn vị còn hoàn thành đóng điện 231 công trình lưới điện, trong đó có nhiều công trình trọng điểm, cấp bách như nâng dung lượng tụ bù dọc đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh lên 2.000A, nâng công suất trạm 500KV Ô Môn; các công trình lưới điện đồng bộ như đường dây 500KV Sơn La - Lai Châu, các công trình đấu nối Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải…
Với sự phát triển, mở rộng không ngừng của hệ thống điện quốc gia, cả ở khâu nguồn lẫn khâu truyền tải, phân phối, cùng với nỗ lực nâng cao “Năng suất - Hiệu quả” hoạt động, EVN đã và đang tiếp tục khẳng định cam kết “điện đi trước một bước” để tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội đất nước!
Thanh Ngọc