Nhớ lắm, đồng đội tôi nằm nơi biên viễn...
“Có những đồng đội hy sinh do lực ép của đạn pháo làm thi thể không còn nguyên vẹn khiến việc xác định danh tính vô cùng khó khăn. Chính vì vậy rất nhiều tấm bia mộ chỉ ghi là “Liệt sĩ chưa biết tên”. Với tinh thần kiên cường bảo vệ non sông tổ quốc, có người lính trước khi anh dũng hy sinh còn khắc dòng chữ lên báng súng AK của mình: “Sống bám đá, chết hóa đá thành bất tử”, nhạc sĩ Trương Quý Hải – một cựu binh tham gia chiến tranh biên giới Việt – Trung xúc động kể lại.
Cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc kéo dài từ tháng 2/1979 nhưng đến mãi năm 1988 thì đất nước mới thực sự im tiếng pháo. Trong các năm 1984, 1985 và 1986 liên tiếp diễn ra những trận đánh ác liệt nhằm giành giật từng cao điểm ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang).
Từng kinh qua những tháng năm đó khi tuổi đời còn rất trẻ, chàng thanh niên Trương Quý Hải không giấu được sự xúc động cùng những ngấn lệ trực trào khi nhắc lại ký ức về một thời khói lửa cũng như sự hy sinh quả cảm của bao đồng đội.
Nhân dịp kỷ niệm 37 năm cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc (17/2/1979 – 17/2/2016), phóng viên Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với ông Trương Quý Hải về những năm tháng vô cùng bi tráng mà hào hùng đó.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải – người cựu binh của Sư đoàn 356 không giấu được xúc động khi nhớ về những người đồng đội cũ. (Ảnh Nhật Minh). |
PV: Với vai trò là một nhân chứng sống của thời kỳ ác liệt đó, xin cho biết cảm nghĩ của ông về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của quân, dân ta?
Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Đất nước đã giành được thống nhất từ hơn 40 năm nay, nhưng thực sự với những người lính từng chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) như tôi hiểu rất rõ rằng: Để giữ cho được sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là điều vô cùng khó khăn. Chỉ có tinh thần chiến đấu quả cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và không nề chi gian khó mới có thể đủ bản lĩnh để đối đầu với một đội quân đông đảo lại hung hãn như quân Trung Quốc.
Tôi nhập ngũ đúng lúc quân Trung Quốc thực hiện chiến lược chiến tranh mới có phần khác với cách đánh mà họ sử dụng vào đầu năm 1979. Họ đã được trang bị nhiều hơn các vũ khí, khí tài hiện đại hơn nhiều. Số lượng đạn pháo nhiều vượt trội chính là “con át chủ bài” của Trung Quốc và họ tiến hành chiến lược “biển pháo” để đánh ta. Nơi thường xuyên diễn ra những trận đánh ác liệt đó phải kể tới mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang).
Có những trận đánh, so chênh lệch số lượng đạn pháo quá lớn. Quân ta hết pháo mà chưa nhận được chi viện trong khi địch thì liên tục bắn pháo sang ta không theo một nguyên tắc nào đã đặt ra bài toán vô cùng hóc búa cho bộ đội ta. Nhưng trong cái khó lại ló cái khôn. Lợi dụng địa thế rừng núi, lởm chởm các hộc đá tai mèo nhọn hoắt, lô nhô tạo thành một trận địa dễ thủ khó công mà chiến sĩ ta đã phải “lấy vách đá làm chiến hào”, tận dụng những quả đạn pháo ít ỏi của mình để tấn công lại địch như ở các cao điểm 685, 1509.
PV: Chắc hẳn trong những trận đối đầu khốc liệt đó đã để lại cho ông rất nhiều ký ức không thể nào quên?
Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Được phân công vào Đội tuyên văn F356, Sư đoàn 356 nhưng đến mùa hè năm 1984, đơn vị phân công tôi làm công tác thương binh và hỗ trợ công tác tử sĩ. Sau trận đánh cao điểm 772 ngày 12/7/1984, số lượng thương binh và liệt sĩ hy sinh rất nhiều khiến cho những chiến sĩ như chúng tôi không thể nào cầm được nước mắt và nỗi căm hờn về tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà Trung Quốc phát động này.
Trận đánh cao điểm 772 diễn ra vô cùng ác liệt, hàng trăm anh em đã ngã xuống và bị thương. Với số lượng lớn như vậy nên tôi cùng với các đồng đội còn sống khác đã phải chuyển các anh em hy sinh về chôn cất tại nghĩa trang của Thị xã Hà Giang cách đó gần 60km.
Có những đồng đội hy sinh do lực ép của đạn pháo khiến cho thi thể không còn nguyên vẹn, việc xác định danh tính cũng vô cùng khó khăn. Không ít trường hợp chiến sĩ của các đơn vị Sư đoàn bạn mình cũng không biết tên nên trên bia mộ chỉ ghi là “Liệt sĩ chưa biết tên” mà thôi.
Những người lính cụ Hồ đã chiến đấu trên tình thần quả cảm, áp dụng cách đánh khôn khéo khi chỉ với số lượng 1 tiểu đội hoặc trung đội để đánh đuổi và loại khỏi vòng chiến đấu cả 1 tiểu đoàn địch, thực sự khiến cho quân thù phải khiếp sợ. Trong tình thế ấy, xuất hiện không ít những tấm gương anh hùng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng.
Một trong số đó, có thể kể đến gương của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Ninh hy sinh anh dũng tại cao điểm 685 đã khắc dòng chữ nổi tiếng lên báng súng AK của mình rồi trở thành khẩu hiệu đối với anh em chúng tôi mỗi khi ra trận: “Sống bám đá, chết hóa đá thành bất tử”.
Hình ảnh những hàng mộ của các Liệt sĩ còn chưa biết tên tại Nghĩa trang biên giới (Ảnh tư liệu). |
Đó là trên chiến trường khốc liệt. Còn những ký ức về một thời anh em quây quần bên đốm lửa hồng nơi rừng xanh núi thẳm, bốn bề chỉ là những vách núi đá tai mèo khô khốc nhưng vẫn tếu táo các câu chuyện rất “lính”. Mỗi anh một quê nhưng đều xưng hô với nhau là “đồng hương” và thích nghi với cuộc sống thiếu thốn nơi núi rừng rất tốt. Sẵn sàng đọc cho nhau nghe những vần thơ tình lãng mạn mà người yêu phương xa nhắn gửi mà không chút ngại ngần.
PV: Có lẽ với những tình cảm và dòng ký ức khó phai đã thúc đẩy ông có cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng về người lính?
Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Sau này khi được phân công về công tác tại một công ty về truyền thông, âm nhạc vẫn là thứ luôn song hành với người lính như tôi.
Nhân dịp được cùng các đồng đội từng là cựu binh tham chiến tại mặt trận Vị Xuyên tới gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào đầu năm 2014, tôi đã sáng tác bài hát “Về đây đồng đội ơi” và “Hát cho người còn sống”. Với tôi, sự hy sinh của các đồng đội những năm tháng đó là bất tử.
Thân xác các anh tuy đã hòa cùng từng tấc đất nơi biên thùy, trong những khe đá hay thung lũng sâu thẳm của vô vàn vách đá tai mèo khô khốc nhưng linh hồn của họ thì mãi hòa vào cùng với từng nhịp thở của hòa bình cho đất nước. Họ đáng được tôn vinh và trân trọng.
Chúng tôi – những người lính còn may mắn được sống trở về vẫn khắc sâu tâm niệm: “Mình được sống trở về là sống nốt phần đời còn lại của các anh em đã hy sinh. Chính vì vậy phải có sự tri ân với thân nhân của đồng đội đã ngã xuống vì sự yên bình của đất nước”.
Trong thời đại ngày nay, tình hình đã có nhiều thay đổi. Thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước chúng ta không muốn khơi gợi quá khứ hay kích động hằn thù, nhưng việc giáo dục cho thế hệ sau về một thời kỳ chiến tranh đầy bi tráng mà hào hùng nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc cũng là việc nên thực hiện.
Mọi sự hy sinh vì thống nhất đất nước, vì bảo vệ cương thổ quốc gia đều rất đáng được trân trọng và khắc ghi. Truyền thống anh hùng của người chiến sĩ QĐND Việt Nam luôn được phát huy, nhất là khi hòa bình của Tổ quốc bị đe dọa thì muôn người Việt Nam như một.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Tướng Phạm Xuân Thệ: Nói về chiến tranh biên giới không phải kích động thù hằn dân tộc! Trung tướng - Anh hùng LLVTND Phạm Xuân Thệ nhấn mạnh rằng: “Chúng ta nói ra là để tôn vinh những người đã khuất chứ không phải để kích động thù hằn dân tộc.” |
Tướng Nguyễn Quốc Thước: Lãng quên cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung là có tội! Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước: “Chẳng có lý do gì để những người đã nằm xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước bị lãng quên”. |
Chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979: 'Đã đến lúc phải đưa lịch sử về đúng giá trị của nó' Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Lê Mã Lương nhận định: “Cần phải tự hào về điều này cũng như phải có hành động tương xứng với giá trị của những sự cống hiến, hy sinh lớn lao và bi hùng đó”. |
Thảo Phượng – Nhật Minh