Trai làng giả gái lẳng lơ múa “Con đĩ đánh bồng”
(PetroTimes) - Trong bộ trang phục yếm, khăn mỏ quạ, má phấn môi son, các trai làng Triều Khúc mặc áo mớ ba mớ bảy giả gái lẳng lơ múa nhịp nhàng theo điệu “Con đĩ đánh bồng” thu hút đông đảo du khách thập phương.
Lễ hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) diễn ra từ ngày mồng 9 đến 12 tháng Giêng hàng năm. Theo tương truyền, Bố Cái Đại Vương từng thao luyện binh mã tại đây, vì vậy sau khi ông qua đời, dân làng đã tôn ông lên làm Thành hoàng làng. Cứ mỗi độ xuân về, nhân dân làng Triều Khúc lại mở hội để cầu cho mưa thuận, gió hòa, người dân no ấm.
Trong phần lễ, dân làng Triều Khúc tổ chức rước kiệu từ đình Sắc về đình Đại. Trong lễ rước kiệu, người làng Triều Khúc vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống như múa lân, múa xin tiền và đặc biệt là màn múa "con đĩ đánh bồng".
Điệu múa bồng nét đẹp đặc trưng trong nghi thức rước sắc phong của Hội làng Triều Khúc |
Điệu múa "con đĩ đánh bồng" còn gọi là "múa bồng". Đây là điệu múa truyền thống không thể thiếu trong nghi lễ rước sắc phong của hội làng Triều Khúc. Để có được điệu múa "Con đĩ đánh bồng" cổ nhất kinh thành Thăng Long xưa, các trai làng Triều khúc phải tập luyện rất công phu, nhiều tháng tháng trời.
Những chàng trai tham gia múa phải là con trai gốc của làng Triều Khúc, mặt mũi khôi ngô, học hành giỏi giang, biểu diễn uyển chuyển, vừa nhún nhảy vừa vỗ trống Bồng đeo trước ngực một cách tự nhiên và ngộ nghĩnh. Chính những bước nhảy vừa linh hoạt, vừa thướt tha của các chàng trai đóng giả gái hòa cùng nhịp trống dồn dập làm say lòng tất cả những người đến xem hội.
Dưới đây là ghi nhận của PV PetroTimes tại hội làng Triều Khúc:
Lễ hội Triều Khúc được tổ chức trong ba ngày từ 9-12 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ Bố Cái Đại vương Phùng Hưng. |
Trước màn múa những chàng trai làng chăm ngoan, khuôn mặt tuấn tú…được lựa chọn sẽ mặc váy đụp đen, yếm tua màu, đầu vấn khăn mỏ quạ, má phấn, môi son hóa trang thành thôn nữ xưa. |
Tất cả cùng đeo 1 chiếc trống cơm trước ngực trong lúc múa. Trong điệu múa bồng thì trống này được gọi là “trống bồng”. |
Trong suốt đoạn đường dài khoảng 500m từ đình dưới lên đình trên để đón Ngài, mọi người đi chậm rãi, các con đĩ cũng chưa múa bồng |
Chỉ khi đến cổng đình để chuẩn bị vào rước Ngài về, các con đĩ mới bắt đầu thực hiện điệu múa bồng được nhiều người chờ đợi. |
Những bước đi uyển chuyển, điệu đà như các cô gái của trai làng Triều Khúc |
Những động tác tay vừa uốn éo, điệu đà khi múa |
Múa bồng mặt lúc nào cũng phải tươi cười, rạng rỡ |
Từng đôi múa dập dìu với nhau theo tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã |
|
Khi múa “con đĩ đánh bồng”, chân tay phải hoạt động liên tục, động tác phải dứt khoát |
Điệu múa được xem là “đặc sản” trong văn hóa của người Hà Nội. |
Nguyễn Hoan