Tâm huyết đầu Xuân của PGS Văn Như Cương
Bước sang Xuân mới 2016, PGS. Văn Như Cương đã có những chia sẻ tâm huyết với Báo điện tử PetroTimes về định hướng giáo dục của Việt Nam trong thời gian tới.
Nhận xét về ngành giáo dục năm 2015, PGS Văn Như Cương cho rằng: Năm qua, Bộ GD&ĐT có nhiều đổi mới so với các ngành khác. Từ những dự án đến các chỉ thị, hướng dẫn, quy định, thông tư…lớn nhỏ.
Ví dụ như việc tổ chức kỳ thi “2 trong1” là một trong những thay đổi rất lớn. Hay việc xếp môn Lịch sử vào tích hợp các bộ môn của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, rồi đổi mới trong mô hình giáo dục VNEN…
Tuy nhiên, những đổi mới này đều chưa chuẩn nên mỗi lần đổi mới đều gặp những phản biện trái chiều, nhiều khi rất quyết liệt và căng thẳng từ dư luận.
Đơn cử như việc xếp môn Sử vào chương trình GDPT TT hay đổi tên lớp thành chủ tịch hội đồng quản trị theo mô hình dạy học mới VNEN… Điều đó chứng tỏ, Bộ GD&ĐT đưa ra những đổi mới này không kỹ càng, không được sát thực tế nên không nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo cũng như học sinh.
PGS. Văn Như Cương |
Khi tiếp nhận các ý kiến đóng góp Bộ GD&ĐT có tỏ ra lắng nghe nhưng tôi thấy rằng trong thâm tâm Bộ GD&ĐT còn nhiều bảo thủ.
Đơn cử như trong Kỳ thi THPT Quốc gia đầu tiên, tự nhiên lại có quyết định đổi thang điểm từ 10 điểm sang 20 điểm. Trong khi điểm từ phổ thông cho đến điểm lớp 12 của mình đều là thang điểm 10.
Thành thử khi cộng điểm với thang điểm 20 để xét tốt nghiệp thì tôi thấy nó hơi buồn cười.
Mới đây, Bộ cũng đã công bố phương thức thi tuyển sinh 2016. Tuy nhiên, tôi thấy chưa có sự thay đổi nhiều, mặc dù kỳ thi năm 2015 đã để lại khá nhiều những khuyết điểm.
Các chi tiết như tiết kiệm, giảm căng thẳng cho học sinh, giúp trường ĐH tuyển sinh dễ hơn… chưa được triệt để. Mà cái cần giải quyết của năm 2016 là thay đổi thi theo cụm trường ĐH và cụm địa phương thì không có.
Năm 2015, có thể thấy ngành giáo dục gây tranh luận thì nhiều mà lắng nghe thì ít. Đó là cái yếu của Bộ GD&ĐT.
Theo PGS. Văn Như Cương thì: Bộ GD&ĐT cần nhớ nội dung bức thư gửi các trường của chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân dịp ngày khai giảng vừa qua, mà tôi thấy trí lý đó là: Bộ GD&ĐT cần phải lắng nghe ý kiến hơn nữa của công luận. Lắng nghe là để tự thay đổi mình và sửa chữa cho đúng.
Việc Bộ GD&ĐT cần làm trong năm 2016, PGS. Văn Như Cương cho rằng: Bước sang năm mới, chúng ta vẫn phải hy vọng. Hy vọng về khởi đầu của Nghị quyết 29 của TƯ về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Chúng ta bước vào sự kiện này vài năm nay rồi nhưng dường như đang đi chậm và bước những bước đi không theo lộ trình nào cả. Nên tôi hy vọng, trước những cải tiến Bộ GD&ĐT cần phải thận trọng và phải có lộ trình rõ ràng. Đổi mới gì thì đổi mới nhưng đầu tiên là phải đổi mới cách điều hành của Bộ máy tổ chức đầu ngành giáo dục.
Đối với học sinh, sinh viên, PGS Văn Như Cương nhắn nhủ: Sự thay đổi của giáo dục chưa thực sự rõ nét nhưng sự phát triển của thời đại đã có những đòi hỏi rõ rệt, nên sớm hay muộn chúng ta vẫn phải thay đổi theo con đường đó.
Nghĩa là chúng ta phải học để hành nghề chứ không phải học để lấy cái bằng. Tôi muốn khuyên các bạn trẻ là học không phải chỉ để đi vào Đại học. Trong khi bao nhiêu người tốt nghiệp cử nhân trong 3-4 năm không có việc làm. Vừa tốn thời gian, tiền bạc, nhất là lãng phí tuổi trẻ.
Cho nên các bạn học sinh, sinh viên nên nhớ rằng học là để ra trường là làm việc chứ đừng có học kiểu lý thuyết không. Nhất là khi chúng ta ra nhập cộng đồng kinh tế Asean, chúng ta phải có đủ bản lĩnh để hội nhập, không thua kém gì nước bạn, từ những lao động trí óc, đến lao động nghề nghiệp phổ thông.
Bây giờ kể từ công việc đơn giản như sơn tường chúng ta cũng phải làm có sáng tạo mới có thể cạnh tranh được với người ta. Muốn vậy thì chỉ có con đường là học.
Đã đến lúc chúng ta cần chứng minh khả năng của bản thân và nhận rõ học không chỉ cho cá nhân mình, mà còn cho gia đình mình, cho sự tiến bộ của toàn bộ xã hội của chúng ta.
Huyền Anh