Kissinger nói gì về quan hệ Nga-Mỹ hiện nay?
Ngày 5/2, Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đó có chuyến thăm Nga và gặp gỡ Tổng thống Putin. Là người khởi xướng chính sách "hòa dịu" trong quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, hôm qua ông Kissinger kêu gọi chính quyền Moskva và Washington cần ngồi lại với nhau để vạch “khái niệm chiến lược” mới cho quan hệ hai nước. Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông khó lòng được chính giới Mỹ đáp ứng.
Tổng thống Putin tiếp Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger |
Đây là lần thứ mười mấy ông Kissinger gặp Tổng thống Putin. Lần gần đây nhất là vào tháng 10/2013. Khi ấy, lúc tiếp cựu Ngoại trưởng Mỹ tại Moskva, ông Putin khẳng định rằng Nga luôn luôn chú ý lắng nghe các đánh giá của ông Kissinger về sự phát triển tình hình chính trị trên thế giới và gọi ông Kissinger là “chính trị gia hòa bình".
Trong chuyến thăm Nga hôm qua, cựu Ngoại trưởng Kissinger đã được ông Putin tiếp tại dinh thự Novo-Ogaryovo.
Ông Kissinger năm nay 92 tuổi, cựu cố vấn Tổng thống Mỹ về an ninh quốc gia và cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ. Ông là người khởi xướng chính sách "hòa dịu" trong quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô. Năm 1973, ông được trao giải Nobel Hòa bình.
Tại buổi họp báo cuối ngày hôm qua trước khi về lại Washinton, ông Kissinger kêu gọi vạch ra “khái niệm chiến lược của quan hệ Mỹ-Nga, trong đó có thể giải quyết những vấn đề tranh chấp”.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ khái quát rằng tình trạng hiện nay của quan hệ song phương giữa Nga và Mỹ "có lẽ là tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh", rằng "sự tin tưởng lẫn nhau của cả hai bên đều đổ vỡ”, và "đối đầu đã thay cho hợp tác". Hơn thế nữa, nhiều bình luận gia ở cả hai nước đều xuất phát từ chỗ dường như Mỹ và Nga "đã bước vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới"-ông Kissinger nhận xét.
Cá nhân ông nhìn thấy mối nguy hiểm chính của ngày hôm nay, "cả trong xu thế trở lại đối đầu quân sự, cũng như trong việc củng cố ở hai nước những lời tiên tri tự thân” về đà suy giảm tồi tệ không tránh khỏi của bang giao.
“Lợi ích lâu dài của cả hai quốc gia đòi hỏi một trật tự thế giới, trong đó những cuộc khủng hoảng và chấn động hiện nay cần được chuyển hóa thành trạng thái cân bằng mới – tất cả phải đa cực và toàn cầu hơn” -chính khách Mỹ khẳng định.
Đây không phải là lần đầu ông Kissinger đưa ra lời kêu gọi như thế, nhưng hoàn toàn không có tác động gì với chính giới Mỹ hiện nay bởi lẽ theo giới quan sát, các nhà hoạch định chính sách hiện nay ở Mỹ lại muốn Mỹ bá chủ thế giới. Và vì thế mà thế giới mới bất ổn như hiện nay.
Nh.Thạch