Vì sao Nga không thiếu tiền dù giá dầu giảm?
Việc giá dầu từ trên 100 USD cách đây một năm xuống còn trên dưới 30 USD như hiện nay khiến không chỉ Nga lao đao mà còn nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác khốn khổ. Thậm chí như “đại gia” Arập Xê út cũng khốn đốn dù lận lưng hàng nghìn tỷ USD dự trữ. Nếu như Ryad mở bán cổ phiếu để bù vào phần thu từ giá dầu giảm thì Nga lại đảm bảo nguồn thu bằng cách tăng lượng dầu bán ra.
Theo số liệu của Bộ Năng lượng Nga, sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ trong tháng 12/2015 đạt 10,825 triệu thùng/ngày, cao hơn 0,4% so với mức kỷ lục lập trong tháng 11/2015. Sản lượng cả năm 2015 tăng 1,4% so với năm 2014 lên trên 534 triệu tấn, tương đương 10,726 triệu thùng/ngày, theo số liệu sơ bộ của CDU-TEK thuộc Bộ Năng lượng Nga.
Các nhà sản xuất dầu thô của Nga liên tục bơm dầu với tốc độ kỷ lục trong thời hậu Xô-viết trong bối cảnh giá dầu lao dốc, Mỹ và EU áp đặt lệnh trừng phạt. Xuất khẩu dầu thô của Nga trong năm 2015 tăng lên 5,25 triệu thùng/ngày, với lượng xuất khẩu sang các nước ngoài liên bang Xô-viết trước kia tưng 11% lên 4,42 triệu thùng.
Chính phủ Nga - dầu thô đóng góp 40% nguồn thu ngân sách - cho rằng sản lượng dầu của nước này sẽ không giảm trong năm 2016 này nhờ các khoản đầu tư trong 2-3 năm trước đã và đang hỗ trợ sản lượng dầu năm 2015 và 2016.
Việc phải bán nhiều dầu hơn để thu về một lượng tiền không đổi không phải là cách hay nhưng là cách chống chế hữu hiệu trong bối cảnh nước Nga đang phải đối mặt với nhiều thử thách về kinh tế và sức ép quốc tế.
Cũng có ý kiến cho rằng nếu Nga giảm sản lượng xuất khẩu, giá dầu sẽ giảm. Tuy nhiên đây là cách làm mạo hiểm vì không có gì đảm bảo điều này khi mà Iran đang trở lại với lời tuyên bố sẽ bơm 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày vào thị trường.
Biểu đồ mô tả lượng dầu xuất khẩu của Nga trong những năm gần đây |
Nh.Thạch