Nơi lưu giữ hồn Việt
Tọa lạc trên quả đồi tựa lưng vào một nhánh chính của triền núi Sóc Sơn, Việt phủ Thành Chương trải rộng hơn 10.000 m2 điền địa, thu hút đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế tới viếng thăm bởi trên từng mét vuông ấy có dấu ấn của hàng vạn hiện vật văn hóa lịch sử từ các triều đại Đinh Lý Trần Lê... mà họa sĩ đã sưu tầm, lưu giữ suốt cả đời mình.
"Biệt phủ Thành Chương” là tên cố nhà văn Kim Lân và nhiều bạn bè đặt cho khu nhà vườn của con trai mình, họa sĩ Thành Chương, cách Hà Nội chừng 30 km ở Sóc Sơn.
Nơi đây như một làng quê Bắc Bộ thu nhỏ đang lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống. Điều hấp dẫn nhất đối với những ai có dịp đến với phủ Thành Chương có lẽ là sự sắp đặt, bài trí nghệ thuật khéo léo có chủ ý về tổng thể lẫn từng chi tiết nhỏ nhặt bên trong khu quần thể kiến trúc cổ kính, đan xen những nét hiện đại của người họa sĩ tài hoa.
Ngay từ cổng vào phủ đã làm bạn gợi nhớ đến chiếc cổng làng Việt có từ hàng trăm năm trước với vòm cổng và các đường nét uốn lượn, hai bên có đôi lân chầu. Ẩn sau cánh cổng bạn sẽ bắt gặp ngay những nét quen thuộc của thôn quê: bên phải có hồ thả cá với chiếc cầu đá để ngồi câu, bên trái có một giếng nước cổ mà nghe đâu hoạ sĩ Thành Chương đã săn lùng được từ Thanh Hóa. Con đường dẫn từ cổng chính đi vào khu nhà được lát bằng gạch Bát Tràng.
Một trong những nét đẹp của quần thể kiến trúc tại đây là những ngôi nhà được xây dựng với nhiều kiểu dáng khác nhau. Một ngôi nhà bằng gỗ lim cổ theo kiểu truyền thống 5 gian, đặc trưng của người nông dân ở đồng bằng Bắc Bộ với những nét chạm trổ công phu và trang trí cầu kỳ: hai bên cửa là hàng câu đối sơn son thiếp vàng cùng những hoành phi câu đối. Đây là nơi trưng bày nhiều loại đồ cổ quý hiếm của hoạ sĩ và những bức tranh sơn mài với phong cách rất "Thành Chương”.
Bên cạnh đó là nhà sàn bằng gỗ của vùng cao được cải tạo cho phù hợp: tầng dưới tiếp khách, trên là nhà ở.
Nằm ở giữa trung tâm là tháp Sơn Tĩnh cao 5 tầng mái cong tựa như kim tháp của các chùa, tạo cho cảnh quan một vẻ đẹp riêng vừa là nơi để du khách chiêm ngưỡng khung cảnh xung quanh.
Khu thờ tượng Phổ Hiền bồ tát, đây còn là nơi trưng bày nhiều tượng đá cổ quý hiếm
Trong một không gian khác, du khách có thể hòa mình trong bối cảnh làng quê Bắc Bộ rất đỗi gần gũi.
Ngoài sân, còn có rất nhiều chum nước, vại sành. Đằng sau ngôi nhà chính là đống rơm được đánh cao tái hiện được cuộc sống làng quê hết sức chân thực
Cổng vào và nhà tranh vách đất
Mạnh Kiên