'Cụ' rùa Hồ Gươm không cô đơn!
Ai cũng biết rằng khoảng 6-8 thế kỷ trước, hồ Gươm, hồ Tây của Hà Nội ngày nay cũng đều thông với sông Hồng. Điều này đặt ra giả thiết rất có thể cụ rùa Hồ Gươm có họ hàng với các loài rùa vừa được phát hiện!?
Một người dân ở huyện T., tỉnh Yên Bái thông tin cho về việc họ vẫn thỉnh thoảng gặp những con giải rất to ở đầm gần nhà. PV đã lập tức lên đường tìm hiểu.
Có mặt tại khu đầm M. (xã M., huyện T., Yên Bái), chúng tôi gặp ông T.T.D. Ông D. là người sống tại đầm hơn 60 năm. Ông cho biết, thời ông còn nhỏ, hầu như mỗi lần đi đánh lưới, đi câu cá đều có thể gặp những con giải to bằng cái nong, cái nia đang bơi lội tung tăng.
Cho đến năm 1984, có ông B. (là xã đội trưởng) bắt được một con giải dài hơn 1 mét, nặng 1,4 tạ. Ông B. phải mang trâu đi kéo về nhà rồi xẻ thịt cho cả làng đến ăn. Hiện tại nhà ông B. vẫn còn lưu giữ chiếc mai của con rùa khổng lồ đó.
Tại thời điểm này, ông D. cho biết hầu như cứ đến mùa đông, những con giải ở khu đầm M. vẫn thỉnh thoảng nổi lên mặt nước để thở.
Ông T.T.D.: “Những con giải tôi trông thấy y hệt con này!” |
Cũng theo ông D., cách đây vài năm các điều phối viên Chương trình Rùa Việt Nam của Chương trình Rùa châu Á đã sống nhờ nhà ông gần nửa năm trời để “mai phục” chụp ảnh con vật ở đầm.
Trước đó, tháng 4/2008 các chuyên gia thuộc Chương trình Rùa châu Á vừa phát hiện ra một loài rùa khổng lồ, quý hiếm (được cho là cùng loài với rùa Hồ Gươm) ở một hồ phía tây thành phố Hà Nội.
Đến tháng 11/2008, tại sông Tích Giang (Sơn Tây, Hà Nội), một ngư dân cũng bắt được một con rùa lớn nặng tới 70 kg. Cá thể rùa này đã được các cơ quan chức năng đem thả xuống hồ D. (Ba Vì, Hà Tây cũ).
Theo các chuyên gia thuộc Chương trình Rùa châu Á cả hai cá thể rùa tìm được vào tháng 4 và tháng 11 năm 2008 đều là loài Rafetus swinhoei. Loài rùa Rafetus swinhoei thuộc loại cực kỳ quý hiếm trên thế giới. Phần đầu của chúng khá dài với phần miệng giống như mõm lợn.
Kích thước của nó có thể dài trên 100cm, rộng hơn 70 cm và cân nặng khoảng 120-140kg. Mai của chúng có thể dài và rộng hơn 50 cm. Đầu dài hơn 20cm và chiều ngang hơn 10 cm.
Con đực nói chung nhỏ hơn con cái nhưng có đuôi to và dài hơn. Rafetus swinhoei đang trong quá trình tuyệt chủng do việc săn bắt để bán, hoặc ăn thịt hoặc sử dụng mai và xương trong y học. Đầu rùa cũng thường bị lưu giữ làm kỷ niệm.
Nếu tính cả hai cá thể rùa được phát hiện vào năm ngoái thì hiện tại Việt Nam đang có 3 cá thể Rafetus swinhoei.
Tuy nhiên, nếu những thông tin mà chúng tôi nhận được từ ông T.T.D. (xã M., huyện T., Yên Bái) thì Việt Nam đang có không dưới 4 cá thể Rafetus swinhoei.
Theo một chuyên gia của Chương trình Rùa châu Á, lưu vực sông Hồng có thể là môi trường lý tưởng của loài Rafetus swinhoei. Cũng theo báo cáo của Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam thì rùa Hồ Gươm thuộc loài giải Thượng Hải.
Còn theo nghiên cứu của các tác giả Nguyễn Quảng Trường, Nguyễn Văn Sáng (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật), rùa Hồ Gươm thuộc loài giải swinhoei (hay giải Thượng Hải).
Kết quả nghiên cứu cũng cho kết luận rùa Hồ Gươm và những mẫu xương rùa thu thập được tại sông Mã (Thanh Hóa), Lương Sơn (Hòa Bình), Ba Vì (Hà Tây), Hạ Hòa (Phú Thọ) đều cùng thuộc loài giải Thượng Hải.
Và theo khảo sát của PV, ở nhiều đầm mà trước kia thông với sông Hồng như đầm M. (xã M., huyện T., Yên Bái); một số đầm ở Hạ Hòa (Phú Thọ); một số đầm, hồ ở Hà Tây (cũ)… đều đã từng xuất hiện loài giải Thượng Hải.
Ai cũng biết rằng khoảng 6-8 thế kỷ trước, hồ Gươm, hồ Tây của Hà Nội ngày nay cũng đều thông với sông Hồng. Điều này đặt ra giả thiết rất có thể cụ rùa Hồ Gươm có họ hàng với các loài rùa vừa được phát hiện!?
Thêm một minh chứng nữa, khi anh Thuận đưa hình ảnh các loài rùa hiện đang có mặt tại Việt Nam ông T.T.D. không ngần ngại mà chỉ ngay vào cụ rùa Hồ Gươm mà khẳng định: “Những con giải tôi trông thấy y hệt con này!”.
Đưa xác cụ Rùa về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam | |
Những hình ảnh về cụ Rùa hồ Gươm | |
Phải chăng "cụ rùa" Hồ Gươm còn nhiều họ hàng? | |
[VIDEO] Cụ rùa hồ Gươm bất ngờ bò lên bờ |
M.T - V.A