Vốn vào thị trường bất động sản tăng mạnh
Cùng với đà phục hồi của thị trường bất động sản (BĐS), nguồn vốn từ các kênh đầu tư đổ vào thị trường này cũng tăng cao.
Năm 2015, tại TP HCM tín dụng BĐS đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng dư nợ. Lượng kiều hối chuyển về TP HCM đạt 5,5 tỷ USD, bằng 38,69% cả nước, trong đó kiều hồi đầu tư vào lĩnh vực BĐS chiếm khoảng 21,6%. Trong cả nước, đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 22,76 tỷ USD thì đầu tư vào lĩnh vực BĐS đứng hàng thứ 3 với số vốn 2,32 tỷ USD. Riêng TP HCM đã thu hút được 1,3 tỷ USD nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS.
Nhiều nguồn vốn đầu tư đổ vào thị trường BĐS |
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, các nhà đầu tư nước ngoài thường thực hiện đầu tư vào lĩnh vực BĐS thông qua các doanh nghiệp trong nước với phương thức chủ yếu là mua lại cổ phần, góp vốn đầu tư trực tiếp vào dự án hoặc cho vay.
Hàng loạt các thương vụ lớn diễn ra như: Công ty Đầu tư Nam Long đã hợp tác với quỹ đầu tư IFC thuộc World Bank, Công ty Hankyu Realty và Công ty Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản); Công ty An Gia hợp tác với quỹ đầu tư CREED (Nhật Bản) với tổng mức đầu tư 200 triệu USD; Tổng công ty Becamex tiếp tục hợp tác với Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản); Tập đoàn Gamuda Land Malaysia đã đầu tư vào dự án Celadon City (quận Tân Phú); Công ty Phúc Khang hợp tác với quỹ đầu tư Providence và Công ty Adam Khoo (Singapore);…
Bên cạnh đó, số người nước ngoài mua nhà ở TP HCM cũng tăng mạnh. Qua 6 tháng thực hiện Luật Nhà ở 2014 cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam thì đến nay đã có khoảng 1.000 người nước ngoài đặt chỗ mua nhà, tập trung chủ yếu vào các dự án BĐS cao cấp. Con số này tăng mạnh so giai đoạn thí điểm từ 2008 đến tháng 7/2015, giai đoạn này trên toàn quốc chỉ có khoảng 250 người nước ngoài mua nhà ở nước ta.
Tuy nhiên, dù các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư mạnh vào thị trường BĐS thời gian gần đây nhưng các doanh nghiệp BĐS Việt Nam vẫn giữ vị trí thống lĩnh trên thị trường, kể cả trong hoạt động mua bán chuyển nhượng dự án (M&A), mua bán sáp nhập doanh nghiệp. Thị trường cũng đang dần hình thành những tập đoàn phát triển BĐS trong nước lớn cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính và sản phẩm cung ứng, đủ khả năng dẫn dắt thị trường và hợp tác bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.
Nhận định về nguồn vốn vào thị trường, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, xu thế đất nước hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP dự báo sẽ thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài thúc đẩy tăng trưởng của thị trường BĐS. Trước hết là phân khúc thị trường BĐS công nghiệp, nhà xưởng, văn phòng cho thuê, căn hộ cho thuê và căn hộ dịch vụ. Chính sách cho Việt kiều được mua và sở hữu nhà như người trong nước, cho người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua và sở hữu nhà tại các dự án nhà ở thương mại cũng sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường theo hướng ngày càng minh bạch, cạnh tranh và bền vững.
Bên cạnh đó, dù tín dụng vào thị trường BĐS tăng trưởng khá mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường; lãi suất cho vay vẫn còn khá cao, phổ biến từ 10 – 11%/năm;... Do đó, cần có nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn cho BĐS với lãi suất ổn định hợp lý hơn, khắc phục tình trạng hiện nay là các ngân hàng thương mại vẫn còn đang thực hiện cơ chế thả nổi lãi suất sau 1- 3 năm đầu cố định lãi suất.
Mai Phương