U23 Việt Nam: Hồn Miura + da bầu Đức = Thất bại
U23 Việt Nam đã nhận thất bại thứ 2 trước các cầu thủ Australia, trong khi đó U23 Jordan đã có trận hòa trước U23 UAE vì vậy cánh cửa tứ kết đã hoàn toàn khép lại khép lại với chúng ta, khi ở lượt trận thứ 3 là trận đấu thủ tục và mang tính danh dự khi tiếp U23 UAE. Ở VCK U23 châu Á lần này, có đến 8 cầu thủ của HAGL (chỉ một mình Đức Lương bị loại) nhưng họ không thể tự do được thể hiện “chất” HAGL khi phải chơi theo phong cách của HLV Toshiya Miura.
Đã từ lâu phong cách này đã định hình và ăn sâu trong đầu chiến lược gia người Nhật kể từ giai đoạn đầu khi mới đợt tập trung chuẩn bị cho VCK U23 châu Á. Với Toshiya Miura, các đối thủ dù là U23 Jordan, U23 UAE hay U23 Australia đều là những đối thủ quá mạnh, và chẳng có lý do gì U23 Việt Nam phải chơi theo phong cách “HAGL” thay vào đó là chiến thuật… “tử thủ” được đặt lên hàng đầu.
Lối chơi của U23 Việt Nam, cụ thể là việc “tử thủ” ấy rõ ràng không phù hợp với thói quen của tất cả các cầu thủ HAGL đang có mặt trong đội tuyển (8 người).
Nhưng dường như đang có một “mệnh lệnh” nào đó khiến Tosiya Miura phải ưu tiên dùng “hàng” của bầu Đức, bất chấp Miura có ưng ý hay không, bất chấp bản thân các cầu thủ có muốn đá theo kiểu đó hay không, bất chấp dư luận có đồng tình hay không?
U23 Việt Nam chính thức bị loại sau trận thua trước U23 Australia. Ảnh: Nhật Minh. |
Trong một cuộc họp BCH VFF cách đây chưa lâu, bầu Đức đã không ngại khi công khai chỉ trích Miura và thậm chí ông còn đưa ra yêu sách đòi chấm dứt nhiệm vụ của vị HLV người Nhật và ông sẵn sàng nuôi luôn đội tuyển. Từ đó trở đi, HLV Toshiya Miura tỏ ra “mềm dẻo” hẳn trong cách đối xử với những đứa trẻ nhà bầu Đức. Ở VCK U23 châu Á lần này Miura “hào phóng” khi gọi đến 9 cầu thủ HAGL lên tuyển và mới chỉ thực sự loại 1 người (Đức Lương).
Trừ Công Phượng đương nhiên có suất đá chính, và ở chừng mực nào đó là Văn Toàn, các vị trí khác của HAGL đều không hợp “gu” của Miura. Từ Đông Triều, Xuân Trường, Tuấn Anh, Hồng Duy cho đến Văn Tiến, Văn Thanh,… chưa ai tạo được niềm tin với Miura. Khi lên danh sách 30 cầu thủ chuẩn bị cho VCK lần này, Miura chỉ gọi tên 29 người. Suất cuối cùng ấy được hiểu là dành cho Quế Ngọc Hải, phòng khi VFF nới lỏng án kỷ luật, nhưng rất tiếc phép màu dành cho Ngọc Hải cũng như Miura đã không xảy ra. Và ông Miura miễn cưỡng bổ sung Xuân Trường vào phút chót.
Một trường hợp đặc biệt nữa là Tuấn Anh. Khi anh bị chấn thương nghiêm trọng và hầu như không tham gia tập chiến thuật suốt thời gian đội tập huấn ở Hà Nội. Nhưng khi Nam tiến và Tuấn Anh chỉ cần chơi hơn 10 phút trong trận đấu tập với B. Bình Dương, Tuấn Anh đã được “đỗ vớt” nhưng khi sang tới Doha (Qatar), ngay trước thềm giải khởi tranh, Tuấn Anh đã không có tên trong danh sách mà Miura gửi lên AFC.
Dù gọi tới tám cầu thủ HAGL nhưng U23 Việt Nam vẫn đá theo triết lý riêng của HLV Toshiya Miura. Ảnh: Nhật Minh. |
Ai cũng nghĩ cánh cửa đã hoàn toàn khép lại với tiền vệ người Thái Bình. Nhưng cũng lại sau hơn 10 phút ở trận giao hữu với U23 Yemen, Tuấn Anh dù đã bị “bôi vàng” (cùng với Đức Lương) trong danh sách nhưng lại một lần nữa anh đã “lách” qua khe cửa hẹp để kịp có mặt cùng với Công Phượng và những đồng đội ở HAGL.
Người phải nhường suất cho Tuấn Anh là một Văn Dũng hoàn toàn khoẻ mạnh, thậm chí còn được coi là dự bị hạng sang cho suất hậu vệ phải. Nhưng đáng tiếc… Miura lại tỏ ra ưu ái với Tuấn Anh.
Ông Miura ưu ái Tuấn Anh như vậy khiến giới chuyên môn vô cùng ngạc nhiên, khi ông đã từng thẳng tay loại cầu thủ này khỏi SEA Games 28. Cái gì cũng có lý do của nó, và người ta hiểu đằng sau quyết định giữ lại Tuấn Anh của Miura có tác động không nhỏ từ những phát biểu của bầu Đức. Tuy nhiên, cách Toshiya Miura sử dụng nhân sự như thế nào là một câu chuyện khác.
Có một điều chắc chắn rằng, họ khó chiếm được suất chính, và dù có được vào sân cũng không thể chơi theo cách quen thuộc ở CLB. Đông Triều được đào tạo để đá chính, nhưng sẽ phải chơi tiền vệ trụ chứ không có suất trung vệ. Xuân Trường, Tuấn Anh khó lòng chơi cùng nhau, vì cả hai chơi cùng vị trí và đều chỉ là những lựa chọn thay người.
Việc U23 Việt Nam thất bại tại VCK U23 châu Á không có nhiều bất ngờ. Ảnh: Nhật Minh. |
Hồng Duy chỉ là sự lựa chọn số 2 sau Đức Huy, nhưng bản thân anh cũng chưa hoàn toàn hồi phục. Và điều cơ bản là hình như Miura hầu như không tập những bài phối hợp chồng biên cho U23 Việt Nam mà chỉ chú trọng tạt cánh đánh đầu, thì tốc độ và sự cơ động của Hồng Duy coi như là con số 0.
Công Phượng cùng với Toàn Toàn được kỳ vọng sẽ toả sáng trong những đợt phản công hiếm hoi của U23 Việt Nam. Nhưng trong suốt đợt tập huấn vừa qua, Công Phượng cũng như Văn Toàn không chứng tỏ được năng lực thực sự khi bị gò vào lối chơi “đi săn bóng” mà ông Miura áp dụng. Và thực tế là trong cả 2 trận đấu vừa qua, bộ đôi của HAGL cũng chỉ dừng lại ở mức tròn vai.
Khi U23 Việt Nam thất bại, đương nhiên trách nhiệm thuộc về HLV trưởng và Miura đang bị cho là nguyên nhân chính trong cả 2 thất bại này. Đại loại như không sử dụng Tuấn Anh trong trận đấu với U23 Jordan (thua 1 – 3), hay không tung Hồng Duy vào sân sớm hơn trong cuộc chiến với U23 Australia (thua 0 – 2) và đặc biệt là không áp dụng lối chơi theo kiểu HAGL.
Nhưng có thể nói rằng chúng ta đã quá ảo tưởng và ngộ nhận sức mạnh thực sự của U23 Việt Nam, bởi người viết cho rằng nếu Miura tung cả 8 cầu thủ HAGL vào sân cùng lúc và trên băng ghế chỉ đạo là thầy “Giôm” thì chúng ta cũng chưa chắc đã giành được chiến thắng.
Ai cũng biết U19 Việt Nam làm mưa làm gió ở khu vực ĐNA cùng với lứa Công Phượng và HAGL cũng đã vô địch 2 lần liên tiếp giải U21 Quốc tế nhưng xét cho cùng đây đều là những giải mang tầm khu vực và giao hữu mà thôi, mặt khác đối thủ hoàn toàn bất ngờ trước lối chơi bóng ngắn mà thầy “Giôm” áp dụng cũng như bất ngờ trước cách đi bóng rất “dị” của Công Phượng khi anh mới được “trình làng”.
Còn bây giờ, khi sân chơi mang tầm châu lục, cụ thể là VCK U23 châu Á, các đối thủ mạnh hơn, khỏe hơn, kỹ thuật hơn rất nhiều và họ không lạ gì lối chơi của U23 Việt Nam, không lạ gì với kiểu đi bóng của Công Phượng thì thất bại của U23 Việt Nam là tất yếu.