Khát vọng của doanh nhân
Năm mới, phóng viên Năng lượng Mới có dịp trao đổi với Chủ tịch VCCI - TS Vũ Tiến Lộc, một đại diện của cộng đồng doanh nghiệp. Hình như, với TS Vũ Tiến Lộc - những nỗi trăn trở không phải để giữ trong lòng.
PV: Xin bắt đầu với một câu hỏi chung nhất: Ông nhận xét thế nào về tổng thể nền kinh tế Việt Nam năm qua?
TS Vũ Tiến Lộc: Kinh tế Việt Nam năm qua có những bước phát triển đáng khích lệ.
Hai điểm sáng có thể thấy rõ ở đây: Thứ nhất, đó là tư duy kinh tế Nhà nước nói chung. Tôi nghĩ đó là điều hợp lý, cần thiết và tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta phải xác định rằng, Nhà nước không nên can thiệp quá nhiều vào thị trường và chỉ cần nắm chắc một vài lĩnh vực thiết yếu, liên quan đến an ninh quốc gia.
TS Vũ Tiến Lộc |
Thứ hai đó là hội nhập kinh tế thế giới, một quá trình mà cơ hội, thách thức luôn song hành: Cơ hội cho ngành này nhưng cũng mang đến những khó khăn cho ngành khác. Hội nhập với thế giới là cả một quá trình, thành quả không thể đến ngay khi tuyên bố rằng các hiệp định được ký kết. Chúng ta đã và đang có thời gian để thích nghi, thay đổi và cả sửa đổi mình.
PV: Có vẻ ông đang rất lo lắng với doanh nghiệp Việt Nam - đối tượng được cho là “nhân vật chính” trong các câu chuyện về hội nhập?
TS Vũ Tiến Lộc: Đúng như vậy!
Nền kinh tế đang được đóng góp bởi 4 “bánh xe” chính: Kinh tế hộ gia đình - chủ yếu là nông nghiệp, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Như tôi đã nói ở trên, kinh tế Nhà nước đang lùi lại và tạo dư địa cho các khu vực kinh tế khác phát triển. Điều đáng bàn ở đây chính là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có vẻ đã không tận dụng được cơ hội này và nhường cái lợi thế đó cho các doanh nghiệp FDI. Cái lùi của tỷ trọng từ doanh nghiệp Nhà nước đã được lấp đầy bằng doanh nghiệp FDI. Nếu nói rằng môi trường đầu tư đã hấp dẫn hơn đối với vốn đầu tư nước ngoài cũng không sai. Tuy nhiên chúng ta kỳ vọng ở những doanh nghiệp “Made in Vietnam” hơn thế rất nhiều.
Thực ra doanh nghiệp tư nhân trong nước đã có một giai đoạn phát triển tương đối nhanh - từ khoảng những năm 2000, nhưng ngày nay thì có phần chững lại trong tương quan với các thành phần kinh tế khác. Tôi không nói doanh nghiệp tư nhân đang thụt lùi so với chính mình, nhưng nhìn tổng thể thì có thể nói rằng không phát triển. Đây là vấn đề rất lớn. Nhiều doanh nghiệp tự thua ngay chính mình trước ngưỡng cửa hội nhập.
PV: Vâng, lại là vấn đề hội nhập. Theo ông thì doanh nghiệp hay lĩnh vực nào đang phải đối mặt với nguy cơ thất bại nếu doanh nghiệp nước ngoài tràn vào?
TS Vũ Tiến Lộc: Phải nói là quá trình hội nhập được các bạn nước ngoài chuẩn bị rất kỹ và cực kỳ quyết liệt. Đặc biệt khoảng cuối 2015 tôi thấy liên tục các phòng thương mại nhiều quốc gia đến và đi như con thoi ở Việt Nam, gặp gỡ đối tác và tìm cơ hội đầu tư. Họ đã rất chủ động. Nhưng nhìn lại Việt Nam thì các hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng lại hết sức im ắng.
Tuy nhiên cũng có thể do quá trình đàm phán được bảo mật, thành ra doanh nghiệp Việt khó tiếp cận được thông tin về một lĩnh vực cụ thể nào đó. Còn ở nước ngoài, tôi nghĩ rằng cộng đồng doanh nghiệp hay hiệp hội chính là những người đàm phán và họ gắn chặt quyền lợi của mình vào việc đàm phán. Điều đó dẫn đến là thông tin của họ cực kỳ phong phú, cụ thể.
Còn nếu phải chỉ ra cụ thể lĩnh vực nào đang nguy hiểm, tôi xin chỉ ra đó là nông nghiệp. Người ta nói nhiều đến dệt may, da giày nhưng thực ra 2 ngành này không có gì đáng ngại: Nếu chúng ta không thắng thì cũng không thể thua được bởi chúng ta đã chiếm lĩnh thị trường thế giới với một nền sản xuất khá tối ưu.
PV: Chẳng phải một số sản phẩm nông sản và thủy sản của chúng ta đang chiếm lĩnh thị phần lớn? Và thời gian gần đây có rất nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp? Thế tại sao nó lại gặp khó khăn được?
TS Vũ Tiến Lộc: Chuyện các tập đoàn kinh tế đầu tư vào chuỗi nông nghiệp là điều rất đáng mừng, nhưng theo tôi thì đó là trường hợp cá biệt. Cơ bản cả nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng thụt lùi.
Tôi xin kể câu chuyện thế này: Trước đây mặt hàng tôm đông lạnh và cá da trơn của Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản. Vì cạnh tranh quá nên các công ty Mỹ liên tục kiện chúng ta bán phá giá.
Đấy, nhiều khi kiện tụng nhau vì cạnh tranh lại là điều tốt. Bởi có khả năng cạnh tranh thì người ta mới đi kiện mình chứ.
Ấy vậy mà mấy năm gần đây chúng ta không còn giữ vị thế đó nữa rồi. Nhiều nghiên cứu cho thấy là người dân các nước đó đang quay lưng lại với sản phẩm tôm và cá da trơn của chúng ta. Vì sao? Hết chuyện tồn dư thuốc bảo vệ, tạp chất, bơm thêm nước vào sản phẩm, lại còn có chuyện nhét cả đinh vào đầu tôm để cho... tăng trọng lượng. Chúng ta cứ nói thị trường khó, tiêu thụ giảm nên phải tìm thị trường mới: và nay thì thủy sản của chúng ta xuất rất nhiều sang Trung Quốc hay các nước Trung Cận Đông... Mà theo tôi đây là các thị trường “hạng hai” - hóa ra là chúng ta đang tự “rẻ tiền hóa” sản phẩm của mình.
Chưa kể, giao thương với Trung Quốc luôn rủi ro quá lớn. Bài học tư thương Trung Quốc sang gom hàng, đẩy giá rồi... bỏ đi khiến nông dân ta khóc ròng đã quá nhiều rồi.
PV: Vậy theo ông, lý do ở đây là gì?
TS Vũ Tiến Lộc: Nếu phải chỉ ra một lý do, tôi tin rằng đó là do tâm lý tiểu nông của người nông dân Việt Nam và cả doanh nghiệp Việt Nam.
Tiểu nông không phải là nghĩ nhỏ, mà là nghĩ ngắn. Tâm lý tiểu nông là thấy cái gì lợi trước mắt thì làm, chuyện sau đó thì... để mai tính.
Nông nghiệp Việt Nam bao nhiêu năm nay vẫn gắn chặt với kinh tế hộ gia đình, sản xuất quy mô nhỏ lẻ thì chuyện giá cả đã là một yếu tố chắc chắn thua. Sản phẩm làm ra còn bị chính người tiêu dùng trong nước tẩy chay thì lấy đâu ra cơ hội xuất khẩu? Phải khẳng định là sản xuất nhỏ lẻ thì không thể hội nhập được. Chúng ta có khoảng 11 triệu hộ nông dân sản xuất nông nghiệp và tôi chắc rằng không có cách gì để kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của 11 triệu hộ nông dân này. Kinh tế hộ nông dân cạnh tranh với sản xuất quy mô lớn là nắm phần thua, từ giá cả đến chất lượng.
Chúng ta đều thấy, mấy mặt hàng như gạo, hạt tiêu, hạt điều, rồi thì cá da trơn và tôm đông lạnh, bao nhiêu năm nay chưa mặt hàng nào xây dựng được thương hiệu cho chính mình? Chất lượng đã không tăng lại còn suy giảm, vậy mà chúng ta vẫn cứ ca ngợi rằng đóng góp lớn cho xuất khẩu. Như mặt hàng gạo: 25 năm qua không xây dựng nổi một thương hiệu, năng suất trên đất đai thì cao, nhưng tính trên đầu người lao động thì lại quá thấp. Chúng ta thua tuyệt đối ở thị trường gạo phân khúc cao khiến giá trị xuất khẩu gạo nghe thì tưởng nhiều nhưng hóa ra chẳng là bao so với các nước khác. Theo tôi thì đóng góp của những ngành kể trên cho nền kinh tế là cực kỳ bấp bênh và hoàn toàn không bền vững. Và chúng ta đã và đang ca ngợi nền nông nghiệp tiểu nông này quá rồi.
Thêm một câu chuyện nữa: Singapore với Việt Nam có quan hệ ngoại giao, kinh tế cực kỳ thuận lợi suốt nhiều năm nay. Ấy vậy mà riêng hàng nông sản Việt Nam không bao giờ vào được Singapore do dù thuế nhập khẩu là bằng 0: Họ từ chối mọi đề nghị bởi chúng ta chưa bao giờ đáp ứng được tiêu chuẩn của họ. Singapore chủ yếu nhập nông sản của Thái Lan, và điều đáng buồn là người Việt Nam bây giờ cũng rất chuộng hoa quả Thái Lan.
PV: Còn về tâm lý tiểu nông của doanh nghiệp?
TS Vũ Tiến Lộc: Đó là việc thấy cái gì lợi thì làm, đổ xô đi làm, làm bừa, làm ẩu và hậu quả thì... cứ để sau hẵng tính. Ví dụ thì có quá nhiều rồi: Đại thể là cứ mấy đơn hàng đầu tiên thì chất lượng và giá cả rất tốt, nhưng mà sau đó thì... loạn cào cào. Còn chuyện thấy sản phẩm gì được giá là cả xã hội đổ xô đi làm theo phong trào, từ nông nghiệp cho đến công nghiệp và bất động sản... Tất cả nguồn lực xã hội đôi khi vẫn được huy động để phát triển những thứ rất “phong trào” đó. Còn chuyện bảo vệ người lao động, giữ gìn môi trường thì đâu đó vẫn là chuyện rất... xa vời ở nhiều doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, doanh nghiệp Việt Nam phải được nâng cấp một cách tổng thể. Bấy lâu nay người ta kêu gọi Nhà nước phải thay đổi tư duy để làm hài lòng người dân và doanh nghiệp. Và phải nói rằng Nhà nước và bộ máy hành chính đã thay đổi được ít nhiều, thậm chí được thế giới đánh giá cao. Thế còn doanh nghiệp Việt? Áp lực từ chính người tiêu dùng trong nước hình như vẫn chưa thấm vào đâu để họ... nhúc nhích trên con đường thay đổi mình. Doanh nghiệp phải thể hiện được trách nhiệm với xã hội, với người tiêu dùng. Trách nhiệm xã hội ở đây không phải là việc đổ tiền đi làm từ thiện hay đổ tiền vào xây chùa chiền, tượng đài. Nó phải xuất phát từ những sản phẩm tốt được tạo ra từ một quá trình sản xuất nhân văn.
Tư duy phải thật sự bền vững thì mới tính đường dài được.
PV: Tư duy ngắn hạn thì đã là một bệnh cố hữu rồi. Nhiều người chỉ ra rằng, doanh nghiệp không dám “tính dài” vì sợ rủi ro ngày càng nhiều. Ông nghĩ vấn đề này như thế nào?
TS Vũ Tiến Lộc: Đúng là có chuyện đó.
Chúng ta phải phân biệt và làm rõ thuận lợi của môi trường kinh doanh và cái an toàn của môi trường kinh doanh.
Bấy lâu nay chúng ta làm nhiều việc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thị trường và đã có những thành công nhất định. Nhưng việc tạo một môi trường an toàn để kinh doanh lại là chuyện khác. Đó là sự an toàn về sở hữu, an toàn trong các mối quan hệ giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước. Chúng ta phải xây dựng được một hệ thống tư pháp nhằm thúc đẩy một môi trường an toàn kinh doanh. Khi có những tranh chấp thì doanh nghiệp phải được xử lý một cách công bằng cho dù phía “chiến tuyến” là một ông Bộ trưởng nào đó...
Đó là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo rằng doanh nghiệp có thể làm ăn lâu dài.
Cho dù Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hay thậm chí Hiến pháp đã mở ra rất nhiều cho hoạt động kinh doanh, nhưng nhiều luật khác như Luật Hình sự lại chính là một rào cản để người dân thúc đẩy kinh doanh.
Phải nói thêm rằng phong trào khởi nghiệp dựa trên yếu tố sáng tạo - thời gian gần đây là cực kỳ phát triển mang lại những thay đổi chưa từng có so với trước đây, nhưng đồng thời cũng có rất nhiều rủi ro. Tôi cho rằng rủi ro ở đây là chuyện bình thường. Ai cũng có thể thất bại bước đầu. Điều cốt lõi là hệ thống luật pháp của chúng ta hình như chưa điều chỉnh theo tinh thần phải bảo vệ các chủ thể, chứ vẫn chỉ nhăm nhăm xử phạt khi họ làm sai. Cụ thể phải có sự bảo vệ doanh nhân, đối tác, tổ chức tín dụng, thậm chí cả những người làm chính sách - sẵn sàng đứng bên doanh nghiệp để chia sẻ rủi ro của họ.
Quá trình để tạo được một thể chế thông thoáng, hệ thống pháp luật an toàn cần rất nhiều thời gian. Cho dù mọi chuyện đã bắt đầu được thay đổi nhưng chắc chắn cần nhiều nỗ lực nữa.
PV: Câu hỏi cuối cùng, là đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông có thể nhắn gửi gì tới các doanh nghiệp trong năm 2016? Và VCCI sẽ đóng vai trò gì trong tiến trình kinh tế Việt Nam thời gian tới?
TS Vũ Tiến Lộc: 2016 chắc chắn là một năm nhiều thử thách. Hy vọng doanh nghiệp, người dân không bi quan và cũng đừng lạc quan quá. Bởi lẽ nếu xét về phương diện hội nhập thì 2016 được xác định là không có đột phá gì đáng kể, khi mà các hiệp định sau khi đàm phán xong còn phải được Quốc hội các nước phê duyệt. Như vậy về ngắn hạn là sẽ không có gì quá khó khăn, nhưng dài hạn thì nhiều những cạnh tranh khốc liệt.
Về phía doanh nghiệp, tôi chỉ mong rằng doanh nghiệp, doanh nhân hãy xác định một con đường làm ăn chân chính và cẩn trọng. Cẩn trọng từng kế hoạch kinh doanh, từng đồng chi tiêu.
Hãy kinh doanh một cách bài bản, dài hạn và nhân văn. Hãy dựa theo những tiêu chuẩn quốc tế để nâng cấp mình. Tôi rất hy vọng một ngày nào đó những sản phẩm chúng ta tiêu dùng nội địa cũng sẽ đạt được những tiêu chuẩn để sẵn sàng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ và EU.
Hôm trước tôi có hỏi một doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam: Bí quyết làm kinh doanh của họ là gì để duy trì doanh nghiệp lâu đến như vậy? Rất đơn giản, họ trả lời: Đó làm làm thật.
Vâng, đơn giản có vậy. Làm thật.
Chắc chỉ có như vậy, mọi chuyện mới mong bền vững.
Các doanh nhân và các doanh nghiệp, muốn phát triển muốn bền vững thì phải cẩn trọng, phải chân chính và phải làm thật.
PV: Xin cảm ơn ông với cuộc trò chuyện này!
Bảo Sơn