Gian nan việc đăng ký quỹ đạo cho vệ tinh VINASAT
Việc lựa chọn và đăng ký thành công vị trí quỹ đạo 131.8oE có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng trong bối cảnh vị trí quỹ đạo là nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm, giúp vệ tinh VINASAT2 cất cánh và hình thành một hệ thống vệ tinh của Việt Nam đồng bộ, có chất lượng cao. Chúng ta hãy cùng nhìn lại chặng đường gian nan đã đi qua để có được thành công ngày hôm nay.
Vượt trở ngại để đăng ký thành công quỹ đạo cho VINASAT-1
Theo quy định của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), vệ tinh viễn thông chỉ có thể phóng lên quỹ đạo và đưa vào khai thác sử dụng nếu có được vị trí quỹ đạo địa tĩnh được công nhận quốc tế đầy đủ. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng thông tin vệ tinh trên toàn thế giới ngày càng tăng, vì vậy việc tìm kiếm quỹ đạo vệ tinh càng khó khăn hơn.
Trên thực tế, để đăng ký được một vị trí quỹ đạo với ITU thì nước đăng ký ít nhất phải phối hợp cùng vài chục quốc gia với cả trăm mạng vệ tinh thật và mạng vệ tinh đã đăng ký trước. Nghĩa là, để có được vị trí quỹ đạo cho việc phóng vệ tinh, một quốc gia phải đăng ký nhiều vị trí quỹ đạo, thậm chí hàng chục vị trí rồi sau đó dựa trên kết quả phối hợp quỹ đạo vệ tinh với các nước khác mới chọn được 1 vị trí quỹ đạo phù hợp, có khả năng sử dụng. Đây là thách thức lớn với các nước nghèo vì chi phí rất cao (mỗi hồ sơ đăng ký mất khoảng 200 – 500 triệu đồng). Đáng chú ý là nhiệm vụ này đầy phức tạp, khó khăn và tốn kém mà không phải lúc nào cũng thành công.
Để được phép phóng vệ tinh VINASAT-1 vào vị trí quỹ đạo 132 độ Đông, từ năm 1996, Cục Tần số Vô tuyến điện thuộc Bộ TT&TT đã đăng ký với ITU 9 vị trí quỹ đạo. Theo kết quả tính toán của của ITU, Việt Nam phải thực hiện đàm phán thỏa thuận cùng 27 quốc gia trong đó có: Indonesia, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Tônga, Anh, Pháp, Thái Lan… với hàng trăm mạng vệ tinh. ITU quản lý việc đăng ký vị trí quỹ đạo vệ tinh theo nguyên tắc ai đến trước dùng trước và thời hạn của hồ sơ đăng ký chỉ kéo dài 7 hoặc 8 năm tùy loại băng tần sử dụng, hết thời hạn đó nếu không sử dụng thì hồ sơ bị hủy bỏ. Bởi vậy, quá trình đăng ký vị trí quỹ đạo cho dự án VINASAT tốn rất nhiều thời gian.
Sau hơn 10 năm thực hiện đủ loại thủ tục phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh cực kỳ phức tạp, đầu năm 2008 về cơ bản Việt Nam đã hoàn thành phối hợp với các mạng vệ tinh xung quanh vị trí quỹ đạo 132 độ Đông để sẵn sàng phóng vệ tinh VINASAT-1.
Việc phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 vào vị trí 132 độ Đông có ý nghĩa hết sức to lớn, đánh dấu "chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên không gian”, góp phần phát triển mở rộng, hình thành mạng lưới viễn thông đồng bộ đảm bảo thông tin liên lạc luôn được thông suốt trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết.
Tại sao chọn vị trí 131.8 độ Đông cho VINASAT-2?
Ngay từ khi chưa phóng vệ tinh VINASAT-1, Cục Tần số vô tuyến điện đã xác định Việt Nam không chỉ phóng một vệ tinh duy nhất, mà phải có thêm vệ tinh để đáp ứng nhu cầu thuê dung lượng vệ tinh ngày càng tăng và cần có “hàng” dự phòng nhằm hình thành hệ thống mạng vệ tinh đầy đủ, tin cậy.
Trước thực tế phối hợp vị trí quỹ đạo vệ tinh cho VINASAT-1 trong băng tần phổ biến vô cùng khó khăn, Cục Tần số vô tuyến điện đã đưa ra quyết định chiến lược là tìm kiếm vị trí quỹ đạo trong băng tần không phổ biến. Thời điểm đó, ít quốc gia sử dụng băng tần không phổ biến vì những tham số kỹ thuật do ITU quy định cho băng tần này không thuận lợi cho việc khai thác vệ tinh thương mại như công suất phát thấp, đường kính anten lớn…
Với nhận định trong tương lai gần băng tần này sẽ được sử dụng nhiều vì tiến bộ của kỹ thuật, công nghệ và sự thay đổi quy định của ITU, ngay từ năm 2003, Cục Tần số Vô tuyến điện đã mạnh dạn đăng ký vị trí quỹ đạo trong băng tần này và tích cực tìm hiểu công nghệ sử dụng cũng như tham gia thảo luận thay đổi Thể lệ thông tin vô tuyến điện của ITU. Một trong số những vị trí quỹ đạo được đánh giá tốt nhất là 103 độ Đông.
Tuy nhiên, sau khi vị trí 132 độ Đông được chính thức lựa chọn để phóng vệ tinh VINASAT-1, thì Cục Tần số vô tuyến điện đã tập trung nghiên cứu để di chuyển những vị trí quỹ đạo đã đăng ký về gần sát với vị trí quỹ đạo 132 độ Đông nhằm tạo thuận lợi cho các nhà khai thác vệ tinh cung cấp dịch vụ mà không bắt buộc người sử dụng phải thay đổi hướng anten thu, đặc biệt là dịch vụ truyền hình qua vệ tinh (DTH). Nhiệm vụ này không hề đơn giản vì yêu cầu phải có sự phân tích kỹ thuật chính xác và vận dụng một cách khoa học, sáng tạo các điều khoản của Thể lệ vô tuyến, đàm phán nhằm đạt được sự chấp nhận của các nước liên quan và được ITU công nhận.
Và Cục Tần số Vô tuyến điện đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này trước Hội nghị vô tuyến thế giới năm 2007. Sau năm 2007, Thể lệ thông tin vô tuyến thế giới sửa đổi, không còn cho phép thực hiện dịch chuyển vị trí đã đăng ký. Đây là một thành công lớn trong việc vận dụng thể lệ quốc tế và kỹ thuật, công nghệ mới để dịch chuyển thành công các vị trí quỹ đạo đã đăng ký cho VINASAT-2 về gần vị trí VINASAT-1.
Có thể nói, việc lựa chọn và đăng ký thành công vị trí quĩ đạo 131.8 độ Đông có ý nghĩa chiến lược to lớn trong bối cảnh vị trí quỹ đạo là một nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm, giúp vệ tinh VINASAT-2 cất cánh, hình thành một hệ thống vệ tinh của Việt Nam đồng bộ và chất lượng cao.
PV