Xuân Trường - người viết lại lịch sử bóng đá ĐNÁ
Trên Fourfourtwo, cây bút kỳ cựu với nhiều năm nghiên cứu bóng đá châu Á John Duerden dùng từ “thông minh” để mô tả cho phẩm chất của tiền vệ 20 tuổi Lương Xuân Trường. Điều này cho thấy John Duerden đánh giá cao năng lực cầu thủ của Việt Nam.
Xuân Trường sang Hàn Quốc là sự kiện đáng chú ý của bóng đá VIệt. |
Sở dĩ cây bút này đưa ra góc nhìn như vậy bởi trong quá khứ các bản hợp đồng được những CLB tại Nhật và Hàn Quốc chiêu mộ từ “vùng trũng” thường mang tính thương mại nhiều hơn chuyên môn.
Song, trường hợp của Xuân Trường có thể sẽ viết lại một khái niệm mới.
Trong bài phân tích, John Duerden lật lại dữ kiện cách đây 8 năm khi phỏng vấn một HLV tại Hàn Quốc về quá trình tìm kiếm các tài năng ở những quốc gia thuộc ĐNÁ. Lúc bấy giờ, câu trả lời John Duerden nhận được chắc chắn khiến nhiều người thấy sốc. Số là vị HLV người Hàn Quốc nhận thấy những cầu thủ ở ĐNÁ “quá lười biếng” và “vô kỷ luật”. Đấy chỉ là vài lý do trước mắt được nhìn thấy.
Nhưng năm 2016 có thể sẽ đánh dấu thời khắc quan trọng cho bóng đá ĐNÁ. Những gì tiêu cực nhất từng được gán mác cho các cầu thủ tại đây nhiều khả năng lui vào dĩ vãng. Cùng với việc Xuân Trường sang Hàn Quốc và Công Phượng cập bến xứ sở hoa anh đào, đó sẽ là những tín hiệu khởi đầu cho một tương lai tươi sáng chờ đón bóng đá thuộc “vùng trũng”.
Lúc này, vai trò của Xuân Trường một lần nữa được nhắc đến. Thông thường, sang Incheon United (K.League Classic) khi mới 20 tuổi sẽ khiến tiền vệ này đối mặt rất nhiều sức ép. Tuy nhiên, John Duerden lại nhận định tiền vệ trẻ của bóng đá Việt Nam có thể trở thành Piyapong Pue-on “mới”.
Được biết, Piyapong Pue-on là chân sút nổi tiếng của Thái Lan vào thập niên 80. Ông từng được Lucky-Goldstar Hwangso (Hàn Quốc) chiêu mộ và để lại dấu ấn mạnh mẽ. Nếu tái hiện thành tựu của Piyapong Pue-on sắp tới, Xuân Trường sẽ trở thành người tiên phong thay đổi bóng đá ĐNÁ trong mắt các quốc gia phát triển ở châu lục như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bước tiến đáng kể
Ở thời điểm Piyapong Pue-on rời Hàn Quốc để tới Malaysia thi đấu, ông tiết lộ mình nhận được những lời mời từ các đội bóng lớn ở Anh, tuy nhiên, đã từ chối vì muốn thi đấu ở những quốc gia lân cận gần quê nhà hơn. Quyết định đó cũng gián tiếp giúp các CLB Nhật Bản và Hàn Quốc dành nhiều sự quan tâm cho bóng đá ĐNÁ hơn.
Theo thời gian, giải J.League (Nhật Bản) cùng nhiều công ty Nhật xâm nhập vào thị trường các quốc gia như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Malaysia để ký hợp đồng hợp tác với những Liên đoàn bóng đá tại đây và các đài truyền hình theo hướng song phương có lợi.
Với các CLB của J.League, họ có thể tìm kiếm lợi nhuận thông qua hình thức tìm kiếm tài năng ở những quốc gia thuộc ĐNÁ, đổi lại, giải đấu của Nhật Bản được quảng bá rộng rãi khi xuất hiện trên các kênh truyền hình.
Lê Công Vinh, tiền đạo số 1 của tuyển Việt Nam, từng thất bại trong việc tạo ra dấu ấn nơi xứ người. |
Dù vậy, những vụ chiêu mộ cầu thủ ở ĐNÁ sang Nhật lại mang đậm tính thương mại hơn chú trọng về chuyên môn. Điển hình, tiền đạo Lê Công Vinh của Việt Nam và Irfan Bachdim (Indonesia) có cơ hội xuất ngoại nhưng không để lại tác động cần thiết đáng kể nào.
Nhưng từ bước đi tiên phong của Nhật Bản, Hàn Quốc bắt đầu sao chép công thức làm bóng đá rất ư hiệu quả đó. Theo phân tích John Duerden, CLB Incheon tự tin có thể gặt hái trái ngọt còn nhiều hơn cả mức lương trả cho Xuân Trường nhờ vào các hợp đồng tài trợ cũng như quảng cáo. Như vậy, Incheon rõ ràng đang có được một “con ngỗng đẻ trứng vàng”.
Với Xuân Trường, cơ hội chơi bóng tại Hàn Quốc hứa hẹn giúp bản thân nâng tầm đẳng cấp. Nếu có thể mang về cho CLB danh hiệu, điều đó càng tuyệt vời hơn khi tên tuổi sẽ tạo dựng được tiếng tăm đáng kể. Trong khi đó, giải K.League và hình ảnh Incheon cũng được quảng bá rộng rãi khi đài truyền hình Việt Nam bắt đầu phát sóng sân chơi này trong năm 2016.
Ngoài ra, thống kê cho thấy tại thành phố Incheon có đến 40.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc. Ngoài ra, con số người Việt sinh sống tại Hàn Quốc cũng gần cán mốc 150,000 người, theo Fourfourtwo. Trong quá khứ, chưa có CLB Hàn Quốc nào tuyển mộ cầu thủ Việt Nam, do đó nguồn lực lớn này tạm thời bị bỏ quên.
Tuy nhiên, mọi thứ có thể thay đổi bắt đầu từ Xuân Trường.
Từ Piyapong đến Xuân Trường
Hơn hai thập niên trước, Piyapong tỏa sáng rực rỡ trên đất Hàn Quốc khi giúp Lucky Goldstar giành chức vô địch giải quốc nội vào năm 1985. Cá nhân ông cũng kết thúc mùa giải với danh hiệu vua phá lưới. Nếu Xuân Trường có thể tái hiện chiến tích như người đi trước, đó sẽ là một câu chuyện gây chấn động.
Dù cho áp lực Xuân Trường phải đối mặt không hề nhỏ, tuy nhiên, nếu chứng minh được năng lực ở Hàn Quốc, đó sẽ trở thành câu trả lời đanh thép cho thấy cầu thủ ĐNÁ đủ sức chơi bóng ở môi trường chuyên nghiệp và đẳng cấp hơn.
Đặt trường hợp Thái Lan, Indonesia, Malaysia có thể gửi những cầu thủ nội tới Nhật Bản và Hàn Quốc chơi bóng, đó sẽ là những thành tựu vang dội và mang đến lợi ích cho nhiều bên.
Công Phượng cập bến xứ hoa anh đào cũng đánh dấu tương lai tươi sáng cho bóng đá ĐNÁ. |
Lúc này, giải J.League và K.League đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển những tài năng trẻ thuộc các quốc gia “vùng trũng”. Một khi tạo được dấu ấn tại Hàn Quốc và Nhật Bản, những chân trời mới hoàn toàn có thể rộng mở chào đón những cầu thủ trẻ ĐNÁ.
Không sớm thì muộn, một ngôi sao đến từ những quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia,… rồi sẽ tạo ra tác động lớn nơi làng bóng đá Đông Á.
Hơn hai thập niên trước, Piyapong đã nhóm ngọn lửa đầu tiên cho một hy vọng. Và giờ, có thể chính tiền vệ 20 tuổi người Việt Nam mang tên Xuân Trường sẽ tiếp bước thành công đó.
Hoàng Phương