Vẽ đường cho bệnh thành tích
Giữa năm 2015, Bộ Nội vụ soạn thảo Nghị định số 56/2015 trình Chính phủ phê duyệt và ban hành ngày 9/6/2015, trong đó quy định cụ thể nguyên tắc, căn cứ, nội dung, trình tự, thủ tục đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức.
Nghị định này quy định rõ các tiêu chí cụ thể để làm căn cứ phân loại, đánh giá đối với cán bộ, công chức và viên chức; làm rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá, phân loại, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2015.
Thực hiện Nghị định 56 vào cuối năm, tất cả công chức, viên chức của các ngành trong cả nước phải tiến hành đánh giá và xếp loại cán bộ theo những tiêu chí mà nghị định đề ra. Bởi nghị định quy định rõ là tháng 12 hằng năm là các cơ quan, đơn vị phải hoàn thành nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, ngay năm đầu tiên triển khai Nghị định 56 đã có những vướng mắc bởi quy định bất hợp lý mà nếu bắt buộc phải làm thì sẽ xảy ra tình trạng báo cáo sai sự thật hoặc tiếp tay cho bệnh thành tích. Đó là tiêu chí đánh giá, phân loại công chức, viên chức.
Nhiều cán bộ, công chức, viên chức lo ngại nếu bị áp dụng tiêu chuẩn mới để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ thì rất nhiều người sẽ bị loại ra khỏi đội ngũ, mất việc làm. Bởi Nghị định 56/2015 yêu cầu trong năm công tác, mỗi công chức, viên chức phải có một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng, được đánh giá có hiệu quả trong công tác chuyên môn mới được xếp loại “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Công chức, viên chức lo là phải, vì làm sao họ có thể đạt được tiêu chí trên!
Trong mỗi cơ quan, đơn vị có nhiều bộ phận khác nhau, mỗi người làm việc ở một vị trí khác nhau và họ được giao một công việc cụ thể. Đại bộ phận đều tận tụy cống hiến để hoàn thành tốt nhất chức trách nhiệm vụ của mình. Nhưng trong mỗi công việc ấy, không phải năm nào họ cũng có thể xây dựng cho mình một công trình khoa học, đề tài, đề án hay sáng kiến được. Bao nhiêu năm qua, rất nhiều giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ còn chẳng làm ra công trình khoa học hoặc đề án, đề tài gì áp dụng vào thực tế công việc chuyên môn thì những công chức, viên chức bình thường làm sao mơ tới điều đó?
Hơn nữa, trong mỗi cơ quan, đơn vị còn có đội ngũ những người lao công, lái xe và tạp vụ… thì họ làm gì để có đề tài với sáng kiến để xếp vào tiêu chí thi đua? Đồng thời, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm hướng dẫn đề tài cho nhân viên cấp dưới triển khai. Mà ở những cơ quan có hàng nghìn nhân viên thì phải có hội đồng thẩm định. Như thế quá mất thời gian và công sức cho một đội ngũ cán bộ thêm việc để làm.
Nếu với tiêu chí mới như Nghị định 56/2015 thì từ nay, bất cứ lĩnh vực hoạt động nào cũng sẽ không bao giờ có hình bóng công chức, viên chức bình thường được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và càng không có họ trong danh sách chiến sĩ thi đua các cấp nữa.
Có thể nói, những chuyên gia biên soạn ra nghị định với những tiêu chí “khó nhằn” này cũng là những người trên mây trên gió để đưa ra những chính sách trên trời. Khi mà chính sách bất khả thi thì đồng nghĩa với việc nó không thể đi vào cuộc sống và bị xã hội tẩy chay. Ở nước ta, năm nào cũng có những quy định và chính sách ra đời rồi chết yểu, rơi vào quên lãng và không bao giờ thực hiện được.
Đã từ lâu, trong tiêu chí đánh giá và phân loại cán bộ hằng năm, chúng ta đã quen với 4 mức xếp loại là: xuất sắc, tốt, hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ. Với đảng viên thì thêm tiêu chí “đủ tư cách, không đủ tư cách…” kèm theo 4 tiêu chí trên. Nghĩa là, trên cương vị, chức trách được giao, mỗi người đều hoàn thành nhiệm vụ của mình ở mức độ nào thì tự nhận xét, đánh giá và sau đó là cấp trên trực tiếp phê duyệt. Vấn đề là người tự nhận xét tự giác; người có thẩm quyền phê duyệt công tâm, công bằng thì việc đánh giá cán bộ đã đầy đủ, chuẩn mực rồi. Hà cớ gì phải bổ sung tiêu chí có công trình khoa học hoặc đề tài, đề án…?
Nếu cơ quan, đơn vị nào cũng máy móc, rập khuôn theo Nghị định 56 thì e rằng, chỉ mấy năm nữa thôi, hàng loạt công chức, viên chức sẽ bị sa thải, mất việc làm. Hậu quả cuối cùng là các cơ quan, ban, ngành sẽ hết người làm việc bởi không đạt tiêu chí nghị định đề ra.
Mới ban hành được 5 tháng nay nhưng Nghị định 56 đã bắt đầu nhận được những phản hồi từ cơ sở, nhiều ý kiến không đồng tình và yêu cầu Bộ Nội vụ phải xin chính phủ sửa đổi. Vì thế, mới đây, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đã nói rằng, quá trình thực hiện, khi có ý kiến của các bộ, ngành và địa phương phản ảnh, nếu có điểm nào chưa phù hợp sẽ nghiên cứu để trình Chính phủ sửa đổi.
Chắc chắn là Nghị định 56 sẽ sớm phải sửa đổi vì những tiêu chí “trên trời”!
Bùi Đức