Thi tốt nghiệp THPT 2012: Thí sinh cần lưu ý gì?
Từ ngày mai 2/6, gần 1 triệu học sinh lớp 12 trên cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để tránh những sai sót đáng tiếc ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi, Bộ GDĐT đã khuyến cáo một số điều thí sinh cần tránh.
Thí sinh cần mang gì?
Thí sinh được mang vào phòng thi: Bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình. Các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử. Máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ. Atlat Địa lí Việt Nam (môn thi Địa lí) và không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.
Ngoài ra, thẻ dự thi và các đồ dùng học tập là những thứ mà thí sinh cần chuẩn bị đầy đủ, luôn mang theo bên mình ở tất cả các buổi thi.
Theo quy chế, thí sinh phải viết bài thi rõ ràng, không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì (trừ vẽ đường tròn bằng com pa và tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm); chỉ được viết bằng một thứ mực (không được dùng mực đỏ); phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo; không được tẩy, xoá bằng bất kỳ cách gì. Riêng với bài thi trắc nghiệm, thí sinh tô bằng bút chì đen vào các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời.
Không sử dụng điện thoại di động
Các trường hợp bị đình chỉ thi nếu mang vào phòng thi các vật dụng trái với quy định từ lúc bắt đầu phát đề thi đến hết giờ làm bài, sử dụng tài liệu liên quan đến việc làm bài thi và các phương tiện thu phát thông tin. Nhận bài giải sẵn của người khác, nhận hoặc chuyển giấy nháp, bài thi với thí sinh khác. Cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm của mình.
Đặc biệt, thí sinh không được mang điện thoại di động vào phòng thi. Ở kỳ thi năm 2011, có không ít thí sinh đã bị đình chỉ và hủy kết quả kỳ thi một cách đáng tiếc bởi tiếng chuông điện thoại báo thức phát ra trong túi.
Đến muộn 15 phút sẽ không được thi
Thí sinh phải có mặt tại địa điểm thi đúng ngày, giờ quy định, chấp hành hiệu lệnh của Hội đồng coi thi và hướng dẫn của giám thị. Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.
Xuất trình thẻ dự thi hoặc giấy chứng minh nhân dân cho giám thị khi gọi đến tên và số báo danh của mình. Giám thị cho phép mới được vào phòng thi; ngồi đúng chỗ ghi số báo danh trong phòng thi.
Khi nhận đề thi, phải kiểm soát kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhoè, mờ phải báo cáo ngay với giám thị phòng thi, chậm nhất 15 phút sau khi phát đề.
Không được trao đổi bàn bạc, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận và làm mất trật tự phòng thi.
Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, phải ngừng viết ngay. Khi nộp bài thi, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi. Không làm được bài cũng phải nộp giấy thi. Không nộp giấy nháp.
Không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với môn thi tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi; trước khi ra khỏi phòng thi phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp.
Tránh hiện tượng “học tủ, học lệch, học vẹt” Ông Nguyễn Vinh Hiển- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi có ít nhất 50% yêu cầu học sinh phải hiểu và vận dụng được kiến thức, hiểu và ghi nhớ nhiều nhất là 50%. Không chỉ với đề thi môn ngữ văn, Bộ GD&ĐT khuyến khích hướng ra đề mở, đề có những câu hỏi phát huy tính sáng tạo, kỹ năng phân tích, tổng hợp kiến thức ở đề thi tất cả các môn thi, nhất là các môn thi tự luận theo hướng vừa phù hợp với đặc thù bộ môn, vừa đảm bảo mục đích của kỳ thi là đánh giá, xác nhận trình độ THPT của người học. Việc đổi mới đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng làm bài tốt hơn, tránh hiện tượng “học tủ, học lệch, học vẹt” và cũng để sàng lọc, phân biệt chất lượng thí sinh. Tuy nhiên, với yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đề thi vẫn được ra theo hướng đảm bảo học sinh có học lực trung bình làm được bài thi ở mức đạt yêu cầu tốt nghiệp. |
Vương Tâm