Điện ảnh Việt: Doanh thu cao có nên mừng?
Sau khi ra mắt tại các rạp chiếu trên cả nước, Hãng CJ CGV vừa công bố doanh thu của bộ phim “Em là bà nội của anh” đạt mốc 66 tỷ với 900.000 lượt người xem (tính đến 31/12/2015). Đây là một trong số những bộ phim Việt có doanh thu cao và hút khán giả hiện nay.
“Em là bà nội của anh” thuộc thể loại hài tình cảm - gia đình của điện ảnh Việt Nam được thực hiện dựa trên kịch bản bộ phim “Miss Granny” nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc. Nguyên tác từng thu hút hơn 8,65 triệu lượt khán giả nội địa và sau đó được phía nhà sản xuất “xuất khẩu” ra nhiều thị trường quốc tế. Trước phiên bản Việt, “Miss Granny” từng có bản Hoa ngữ, và sắp tới đây là Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ... Việc một phim hài tình cảm - gia đình có nội dung ấm áp, dễ thương, sở hữu dàn diễn viên đẹp và chiến dịch PR bài bản như “Em là bà nội của anh” thu hút sự chú ý của công chúng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Và 66 tỷ cũng chưa phải con số cuối cùng mà bộ phim thu được, bởi nó vẫn được công chiếu rộng rãi ở nhiều cụm rạp trên cả nước và đang tạo nên cơn sốt đối với khán giả.
Trường hợp của “Em là bà nội của anh” không phải quá hiếm hoi trong làng điện ảnh hiện nay, bởi trước đó, đã có khá nhiều bộ phim đạt doanh thu cao, thậm chí có sản phẩm “phá mốc” 100 tỷ. Sáu năm trước, bộ phim ăn khách nhất của năm là “Giải cứu thần chết” (2009) đạt mốc 20 tỉ đồng, hai năm sau đó con số doanh thu này tăng lên gấp đôi với “Long ruồi” (2011) với 42 tỉ đồng. Năm 2013, doanh số tiếp tục tăng lên mức 80 tỉ đồng cho “Tèo em”.
Bộ phim "Em là bà nội của anh" |
Năm 2014, Charlie Nguyễn với tiếp tục thắng đậm với “Để Mai tính 2”, lần đầu tiên phá mốc 100 tỉ đồng. Trong năm này, hai phim khác đạt doanh thu 70-80 tỉ đồng là “Chàng trai năm ấy” và “Quả tim máu”.
Đến năm 2015, lần đầu tiên trong suốt sáu năm, hai bộ phim ăn khách nhất của năm đều không thuộc thể loại hài, hoặc hài nhảm như kỷ lục của các năm gần đây, mà thuộc về hai bộ phim mang hơi hướng hoài cổ là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (gần 90 tỷ) và “Em là bà nội của anh”. Thậm chí, theo một số tờ báo nước ngoài chuyên về phim ảnh, việc một bộ phim hài tình cảm thiên về gia đình như “Em là bà nội của anh” đã “đánh bật” bom tấn “Star Wars: The Force Awakens” đã cho thấy sự thay đổi về thói quen tiếp nhận của công chúng. Họ đã dần lựa chọn những sản phẩm mang tính chất địa phương, quen thuộc thay vì những “bom tấn” xa lạ của điện ảnh thế giới.
Năm 2015 cũng là năm chứng kiến sự vươn lên của một bộ phim Việt trong làng điện ảnh thế giới với trường hợp của “Trúng số”. Mặc dù đạt doanh thu không cao trong mùa phim Tết 2015, nhưng bộ phim của đạo diễn Dustin Nguyễn được Cục Điện ảnh đánh giá là tác phẩm có tính nhân văn, đậm đà bản sắc Việt Nam. Đồng thời, Cục Điện ảnh cũng công bố, bộ phim Trúng số đại diện Việt Nam tham dự vòng Sơ tuyển giải Oscar lần thứ 88, hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài". Tác phẩm được các thành viên hội đồng đề cử đồng thuận với điểm số trung bình trên chín điểm.
Bên cạnh đó, sau thời gian dài cổ súy cho dòng phim hài nhảm hoặc kinh dị, khán giả đã đến rạp và lựa chọn những bộ phim kể về ký ức, tuổi thơ, hoài niệm hay trải qua những cung bậc cảm xúc của những thành viên trong gia đình.
Cùng với sự “bùng nổ” của các sản phẩm điện ảnh “đóng mác” phim Việt là sự ra đời của thế hệ đạo diễn có tư duy mới mẻ, năng động và bắt kịp nhu cầu của công chúng hơn. Đó là những cái tên như Nguyễn Quang Dũng, Cường Ngô, Charlie Nguyễn, Victor Vũ hay Phan Gia Nhật Linh … Với tốc độ tăng trưởng của rạp chiếu và số lượng các bộ phim nội địa được sản xuất mỗi năm tăng nhanh chóng (riêng trong năm 2015 là khoảng 40 bộ phim Việt lần lượt ra rạp), kỷ lục của thị trường điện ảnh Việt chắc chắn còn bị phá vỡ mỗi năm bởi các tên tuổi mới.
Có thể nói, phim điện ảnh Việt Nam đang thoát dần khỏi sự ảnh hưởng, “đàn áp” của các sản phẩm bom tấn của nước ngoài để “kéo” khán giả tới rạp và có thể sống tốt ở thị trường trong nước. Với một thị trường 90 triệu dân, chỉ cần có sản phẩm tốt, các đạo diễn hoàn toàn có thể kỳ vọng vào nhiều kỷ lục trăm tỷ tiếp theo.
Kỳ vọng từ phim hợp tác Hợp tác sản xuất phim điện ảnh, truyền hình với nước ngoài phần nào mang đến làn gió mới, màu sắc mới cho phim Việt. Bên cạnh việc tăng cường năng lực sản xuất bằng cách học tập kinh nghiệm, cách thức sáng tạo của ekip quốc tế, các đạo diễn Việt Nam còn đang kỳ vọng phim hợp tác là cầu nối đưa điện ảnh vươn ra thế giới và cũng không giấu tham vọng sẽ xuất khẩu phim truyền hình. |
Vì sao ‘Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh’ hot? Hiếm có một bộ phim nào của điện ảnh Việt trong nhiều năm trở lại đây lại gây sốt với mọi đối tượng khán giả, từ những hình ảnh đầu tiên được hé lộ cho đến trailer như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”… |
Phim ngắn: Bước đệm cho tương lai điện ảnh Việt?! Hầu hết các đạo diễn nổi tiếng hiện nay ở nước ta đều khởi nghiệp bằng những bộ phim ngắn, trước khi ghi dấu với những bộ phim dài. Tuy nhiên, phim ngắn không phải chỉ là một bước đệm cho các đạo diễn vào nghề mà còn là một thể loại phim đang có xu hướng phát triển mạnh trong điện ảnh Việt gần đây. |
Khánh An