Sao có thể yên tâm?
Thời gian qua, người dân, đặc biệt là các chị em đang mang thai, sắp đến kỳ sinh đẻ rất hoang mang, lo lắng trước việc liên tiếp trên phạm vi cả nước xảy ra nhiều vụ tai biến gây tử vong cả mẹ lẫn con tại các bệnh viện.
Chỉ trong vòng 35 ngày (từ 18/4 đến 23/5/2012), trên phạm vi cả nước đã xảy ra 8 vụ tai biến khiến 7 sản phụ và 8 trẻ sơ sinh tử vong. Đầu tiên là sản phụ Hương, 23 tuổi, chết tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi vào ngày 18/4/2012. Thai nhi chào đời cũng ở tình trạng nguy kịch về tính mạng. Và gần đây nhất là ngày 23/5/2012, con của sản phụ Dung ở huyện Ứng Hòa bị chết tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Hà Nội).
Đặc điểm chung của tất cả các vụ thương tâm trên là trước khi vào bệnh viện, các sản phụ đều khỏe mạnh. Trước đó, họ vẫn thường xuyên đến các bệnh viện khám, siêu âm…, đều được các bác sĩ nói là thai phát triển bình thường, không có gì đáng lo ngại.
Sự cố xảy ra phần lớn vào ban đêm, thiếu sự theo dõi xít xao của các nhân viên y tế đối với sản phụ. Tất nhiên, mọi sự cố đều có nguyên nhân. Phía bệnh viện đều giải thích dưới góc độ chuyên môn khiến người nhà bệnh nhân và mọi người dân “ngoại đạo” không dễ có thể hiểu. Nhưng người dân quan sát thì thấy rõ tất cả các sản phụ vào bệnh viện để chuẩn bị đẻ, nếu được các nhân viên y tế trong xử lý sớm, chắc chắn sự cố đã không xảy ra. Rõ nhất trong trường hợp này là sản phụ Dung ở Ứng Hòa đã tử vong do bệnh viện đã không đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân là cần mổ sớm mà cứ cố để đẻ thường, mới dẫn đến tai họa. Do chứng kiến cách làm việc thiếu trách nhiệm của bệnh viện để cả 2 mẹ con sản phụ Hạnh ở Khoái Châu (Hưng Yên) đều chết nên người nhà của nạn nhân đã có hành động quá khích: Đã đưa quan tài để trước cổng bệnh viện, gây náo loạn, khiến công an phải đến vãn hồi trật tự.
Sau các vụ việc đau lòng trên, điều khiến người dân bức xúc là các sở y tế địa phương để xảy ra những cái chết oan uổng đã chưa có những động thái tích cực ngoài một việc làm giống nhau là yêu cầu các bệnh viện… báo cáo sự việc. Tại một hội nghị về sản khoa được tổ chức vào cuối tháng 4/2012 vừa qua tại Hà Nội, khi được hỏi về những vụ tai biến xảy ra liên quan đến sản phụ, một lãnh đạo bộ Y tế đã lảng tránh câu hỏi này. Tuy nhiên, ngoài việc yêu cầu các bệnh viện phải báo cáo, tường trình thì Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cũng có công văn gửi các sở y tế yêu cầu chấn chỉnh lại các hoạt động nhằm hạn chế các tai biến sản khoa. Một trong những nội dung quan trọng của công văn này là yêu cầu các địa phương tổ chức đào tạo lại và bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ y tế. Sau khi tiếp nhận công văn trên, một số lãnh đạo các sở y tế cho biết : đó là việc làm thường xuyên, không phải đợi sự cố xảy ra mới làm.
Như vậy, người dân không thể không đặt ra câu hỏi: Thế thì còn gì để nói? “Vẫn làm thường xuyên” mà như vậy sao? Thế thì làm sao dân có thể yên tâm khi trao tính mạng mình cho các bệnh viện? Hiện nay, bên cạnh nhiều thành tựu ngành y tế đạt được, vẫn để lộ không ít điều khiến người dân phàn nàn mà chủ yếu là y đức, là tinh thần trách nhiệm của nhân viên y tế đối với bệnh nhân. Những vụ tai biến của các sản phụ trong thời gian qua đã dóng lên hồi chuông cảnh bảo đối với ngành y tế về tinh thần phục vụ bệnh nhân vốn đã có nhiều điều bất ổn hiện nay, cần nhanh chóng khắc phục.
Ninh Bình