Tranh cãi về “vật nổ” của Triều Tiên
Vụ thử bom của Triều Tiên hôm 6/1 đang gây tranh cãi lớn trong giới chuyên gia quân sự thế giới. Bình Nhưỡng thì khẳng định đó là loại bom H, nhưng phương Tây thì cho rằng “vật nổ” đó chỉ là bom hạt nhân. Sự khác biệt này cho thấy điều gì?
Trước hết xin lưu ý tới những dữ liệu địa chấn mà các nước đo được. Hãng Reuters ngày 6/1 dẫn lời một số cơ quan giám sát ghi nhận một trận động đất dường như là do yếu tố nhân tạo ở gần bãi thử hạt nhân nổi tiếng Punggye-ri của Triều Tiên.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết trận động đất mạnh 5,1 độ Richter, tâm chấn nằm ở độ sâu 10km, xảy ra vào lúc 8 giờ 30 phút (theo giờ Việt Nam). Phía Hàn Quốc cho rằng, trận động đất xảy ra cách bãi thử hạt nhân Punggye-ri 49km.
Trong khi đó, Trung tâm Mạng lưới động đất Trung Quốc (CENC) cho rằng trận động đất này có cường độ 4,9 độ Richter và có tâm chấn ở độ sâu 10km, ban đầu được đo ở vị trí 41,3 độ vĩ Bắc và 129,1 độ kinh Đông.
So sánh đương lượng nổ của 3 lần thử nghiệm trước đây (lần 1: 550-800 tấn TNT, lần 2: 2.000-6.000 tấn TNT-tức 2-6KT và lần 3 từ 6-1KT) |
Ít phút sau, kênh Truyền hình Trung ương Triều Tiên KCNA đưa thông báo khẳng định: “Với thành công tuyệt đối của cuộc thử bom hydro, chúng ta đã gia nhập hàng ngũ các cường quốc hạt nhân”. KCNA còn nói, quả bom được thử hôm 6/1 là một đầu đạn hạt nhân được thu nhỏ. Cuối bản tin, KCNA nhấn mạnh, Triều Tiên sẽ hành xử “như một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm” và cam kết sẽ không sử dụng bom hạt nhân trước trừ khi chủ quyền bị xâm phạm. Bình Nhưỡng cũng cho biết sẽ không chuyển giao công nghệ hạt nhân cho bất kỳ bên nào khác.
Xét theo phản ứng của các nước thì không hề cho thấy Triều Tiên đã thử bom H. Nhật Bản là quốc gia đầu tiên lên tiếng phản đối vụ thử này. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một phát biểu với Reuteurs đã khẳng định, hành động thử hạt nhân của Triều Tiên là một mối đe dọa đối với Nhật Bản và hành động này không thể được dung thứ. Ông Abe cũng nói thêm, hành động của Triều Tiên rõ ràng đã vi phạm Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là một thách thức lớn đối với các nỗ lực quốc tế về việc không phổ biến hạt nhân. Tiếp đó, Hàn Quốc, Úc, Pháp và Mỹ cũng có phản ứng nhưng tựu trung chỉ lên án hành động thử bom của Triều Tiên trong bối cảnh nước này vẫn đang bị cấm vận và bị cấm thử hạt nhân.
Phản ứng của Mỹ xem ra chi tiết hơn. Chính quyền Mỹ lúc đầu nói rằng, chưa thể xác nhận thông tin từ phía Triều Tiên, nhưng sau đó cam kết “sẽ có phản ứng thích hợp đối với bất kỳ hành động khiêu khích nào”. Cùng lúc, giới chức Mỹ cho biết không quân nước này đã điều các máy bay trinh sát chuyên dụng tới bán đảo Triều Tiên để xác minh vụ việc, thu thập mẫu và phân tích thành phần không khí.
Trả lời phỏng vấn CNN, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết phải mất vài ngày, thậm chí vài tuần để thu thập và phân tích dữ liệu xác định liệu đợt thử nghiệm hôm nay của Triều Tiên có thành công hay không và đó là loại bom gì. Một quan chức quân sự Mỹ nói với Reuters rằng Triều Tiên chưa thể có bom nhiệt hạch (tức bom H).
Những tranh cãi về khả năng Triều Tiên sở hữu bom H được đưa ra từ nửa tháng trước. Hồi tháng 12/2015, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un từng tuyên bố, Bình Nhưỡng đã phát triển được một quả bom H. Khi đó nhiều chuyên gia phương Tây đã lên tiếng nói rằng Triều Tiên còn lâu mới chế tạo được bom H.
Liên quan đến vụ thử hôm 6/1, Chuyên gia về nguyên tử Crispin Rovere của Úc nhận xét: “Các dữ liệu địa chấn cho thấy vụ nổ rõ ràng là ít mãnh liệt hơn những gì người ta chờ đợi trong một vụ thử bom H. Mới nhìn thì có vẻ Triều Tiên đã thử nguyên tử thành công, nhưng họ không tiến được đến giai đoạn hai”.
Các bom A, tức bom nguyên tử chế tạo bằng phương pháp phân hạch - phân rã các hạt nhân uranium hay plutonium, giải thoát ra khối năng lượng nhỏ hơn so với bom H (còn gọi là bom nhiệt hạch hay bom khinh khí). Loại bom nhiệt hạch sử dụng trước hết là kỹ thuật phân hạch, rồi đến hợp hạch tức tổng hợp nguyên tử, theo một phản ứng dây chuyền.
Choi Kang, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Chính trị ở Seoul cũng nhận định: “Tôi không nghĩ rằng đó là bom H, vì vụ nổ sẽ phải mãnh liệt hơn nhiều”. Nhà phân tích Bruce Bennett của Rand Corporation cũng tỏ ra nghi ngờ thông báo của Bình Nhưỡng. Ông nói: “Nếu đó là một quả bom H thực sự, thì sẽ gây ra động đất mạnh gấp 100 lần, ở cường độ 7 độ Richter chứ không phải 4-5 độ Richter như các cơ quan địa chất của Hàn Quốc và Mỹ đo được”.
Theo ông Bennett, vụ nổ hôm 6/1 tương ứng với một quả bom từ 10 đến 15 nghìn tấn, cỡ bằng quả bom nguyên tử đã thả xuống Hiroshima hồi năm 1945. Nếu là bom nhiệt hạch, thì có thể quy trình hợp hạch đã bị thất bại, hoặc quy trình phân hạch đã diễn ra không chính xác.
Tóm lại, theo giới quan sát, Triều Tiên là chế độ khép kín nhất thế giới, những gì họ nói không có kiểm chứng. “Vật nổ” thử nghiệm hôm 6/1 gây nhiều tranh cãi là vậy. Ngoài sự khác biệt về kỹ thuật, việc một quốc gia sở hữu bom A hay bom H sẽ đem lại vị thế khác nhau. Trên thế giới hiện chỉ có Nga, Mỹ, Trung Quốc và một số nước châu Âu từng thử nghiệm thành công loại bom H.
Việc Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom H sẽ khiến nước này trở thành một “cường quốc hạt nhân đầy đủ”, một trang sử hoàn toàn mới. Điều đó cũng chứng tỏ rằng chính quyền Bình Nhưỡng đã không chịu khuất phục trước sức ép của các cường quốc khác. Thông báo của KCNA hôm 6/1 có đoạn: “... đã xảy ra một sự kiện làm thế giới giật mình, được ghi nhận một cách đặc biệt trong lịch sử 5.000 năm của dân tộc”.
Nhưng dù là bom hạt nhân hay bom H thì đây đã là vụ thử hạt nhân thứ 4 của Triều Tiên và được coi là sự thách thức trực tiếp của Bình Nhưỡng đối với những nước từng cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ phải “trả giá đắt” nếu tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, Hội đồng bảo an LHQ hôm 6/1 tuyên bố, đang khởi động bàn bạc các biện pháp phản ứng ngay lập tức việc Triều Tiên thử bom H, bao gồm khả năng áp thêm trừng phạt mới đối với nước này.
S.Phương (tổng hợp )