Công chức xã, ông là ai?
Trả lời câu này không khó: Đó là các ông bà nửa quan, nửa dân hoặc cụ thể hơn, sáng quan chiều dân. Nhưng do nhưng đặc điểm kinh tế - xã hội riêng biệt nên đội ngũ cán bộ ở gần 20.000 xã được đánh giá là luôn yếu và thiếu.
Chẳng thế mà Chính phủ đã quyết định bổ sung 600 cán bộ trẻ, có ý chí rèn luyện, cống hiến về làm phó chủ tịch các xã nghèo ở các huyện khó khăn. Đây là một quyết định đúng đắn đã kịp thời bổ sung cho đội ngũ cán bộ xã nguồn lực cán bộ có trình độ vượt trội so với mặt bằng chung.
Trụ sở xã đóng cửa im ỉm trong giờ hành chính |
Tuy nhiên, điều mà nông thôn miền núi cần là nguồn lực cán bộ này không “biệt phái” có 5 năm mà phải là đội ngũ công chức công tác lâu dài ở địa phương. Nói về cán bộ công chức xã xin đừng nhấn mạnh một bộ phận không nhỏ có hành vi tham nhũng, xách nhiễu dân. Số này ăn không từ cái gì của dân và lắm kẻ liều lĩnh dám bán cả công điền, công thổ để tư túi. Ngay trong bộ phận cán bộ mẫn cán còn ép cả thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách phải đóng góp tiền triệu để làm đường giao thông cho kịp công nhận nông thôn mới.
Chúng ta hiện đang thiếu chính sách, cơ chế sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xã có đủ trình độ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính ở cấp xã. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ở tiêu chí thứ 18 chỉ ghi cán bộ xã đạt chuẩn, quá là đánh đố địa phương. Thế nào là đạt chuẩn và đây là chuẩn gì khi hầu hết chưa có bằng cử nhân.
Thật buồn lòng như ở Sơn La có tới 800 cử nhân thuộc diện cử tuyển học các trường đại học lại thất nghiệp? Tại sao lãnh đạo tỉnh này không thực hiện việc đưa các em về làm phó chủ tịch xã dù chỉ 5 năm?
Công cuộc cải cách hành chính hiện vướng mắc nhất chính là ở cấp xã. Vậy nên tình trạng cán bộ xã làm việc nửa ngày là phổ biến. Cơm áo không đùa với ủy ban mà. Toàn bộ cán bộ, công chức xã phải dành thời gian làm kinh tế gia đình nên tất cả các phòng làm việc của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, thậm chí cả công an xã đều đóng cửa im ỉm. Có công việc đột xuất mà không liên hệ trước thì coi như hỏng việc. Ai đó khôn ngoan tìm đến nhà riêng may ra có thể giải quyết được.
Một nhà báo kể chuyện, chiều cuối năm đến xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận thấy không có người làm việc. Tìm đến nhà Bí thư Đảng ủy Ngô Xuân Vân được chốt lại rành rẽ: Chúng tôi chỉ làm việc buổi sáng vì lương cán bộ, công chức quá thấp, không đủ sống, phải lo làm ăn thêm. Theo Bí thư Vân, lương tháng của cán bộ không chuyên chỉ có hơn 900.000 đồng. Mà hình như ông này nói nhầm, đây là phụ cấp từ nguồn ngân sách, không phải lương. Với nguồn thu này, cán bộ xã không thể sống được. Còn cán bộ, công chức chính ngạch cũng chỉ có khoảng 2,2 triệu đồng/tháng cũng không thể nuôi bản thân chứ đừng nói gì đến vợ con. Ông Bí thư cũng không ngần ngại bộc bạch, là người lương cao nhất xã, bằng cấp đầy đủ cũng chỉ 3,2 triệu đồng/tháng. Tháng nào đi họp nhiều coi như hết sạch. Vì vậy cán bộ xã chỉ làm việc một buổi là đương nhiên. Ai cũng phải lo kinh tế gia đình.
Thực trạng cán bộ xã nói chung là như vậy. Thật khó trách cứ họ sao nhãng việc công. Vả lại lâu nay bà con cũng đã quen với tình trạng “sáng quan chiều dân” rồi. Có việc gì họ đều ra ủy ban buổi sáng.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu việc này ở các Sở Nội vụ sẽ nhận được câu trả lời: Không có quy định nào cho phép cán bộ xã chỉ làm việc một buổi, kể cả các xã vùng sâu vùng xa, miền núi xa xôi hẻo lánh. Việc chính quyền xã bỏ nhiệm sở một buổi là vi phạm quy định cần được chấn chỉnh. Chẳng hạn ở Bình Thuận đang có động thái chấn chỉnh lập tức việc làm việc một buổi của chính quyền nhiều xã.
Nói đi cũng phải cho nói lại. Cán bộ, công chức cấp xã ăn lương có 2 triệu đồng một tháng không thể đủ sống mà làm việc được. Đói thì đầu gối phải bò, họ phải tìm kiếm thu nhập hợp pháp từ làm nông, chạy chợ.
Đã đến lúc ngành nội vụ thay vì tìm cách phê bình, kiểm điểm cán bộ xã làm việc một buổi cần tham mưu cho Chính phủ cải cách ngay chế độ tiền lương cho cán bộ xã trước khi thực hiện cải cách hành chính. Chuẩn hóa cán bộ xã cho xây dựng nông thôn mới, ngoài chuẩn bằng cấp, nghiệp vụ, lý luận cũng cần chuẩn mức lương tối thiểu, có chế độ ưu đãi bằng phụ cấp thâm niên, phụ cấp chức trách để khuyến khích cán bộ, công chức gắn bó với công vụ. Dù là cán bộ dân cử, họ cũng phải có mức lương đủ sống. Có thế mới phòng chống tham nhũng hiệu quả.
Hãy quan tâm thực sự đến đội ngũ cán bộ xã - những người đang bắc nhịp cầu cho nông dân đến với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bỏ quên họ là có tội!
Minh Nghĩa