Thực phẩm an toàn sẽ được trợ giá
Sở Công Thương TP HCM khẳng định: thành phố sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đạt chuẩn an toàn như VietGap, GlobalGap...
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM, là trung tâm phân phối lớn của cả nước nên thành phố luôn quan tâm đến việc tạo nguồn sản phẩm an toàn cho hệ thống phân phối. Ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, TP HCM đang đẩy mạnh đưa thực phẩm an toàn vào các chợ truyền thống, bếp ăn công nghiệp, nhà hàng,…
Chương trình kết nối cung - cầu năm 2015 ngoài xúc tiến giao thương giữa TP HCM với các tỉnh, thành nói chung, TP HCM sẽ ưu tiên tiếp nhận phân phối sản phẩm đạt chuẩn an toàn từ các tỉnh. Trong đó, một số hệ thống phân phối trên địa bàn đã có chủ trương, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nông dân chuẩn hoá quy trình sản xuất, nuôi trồng, mở rộng sản xuất, cải tiến bao bì và xây dựng thương hiệu… để có thêm nhiều sản phẩm an toàn phân phối ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thực phẩm sạch được giới thiệu tại hội nghị |
Đến nay, hàng hoá cung ứng trong các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm. TP HCM cũng tổ chức sản xuất và thử nghiệm phân phối sản phẩm VietGap, xây dựng mô hình chợ thực phẩm an toàn, thực hiện đề án “chuỗi thực phẩm an toàn”... Tính đến cuối tháng 11/2015 thành phố đã có 246 địa điểm phân phối sản phẩm đạt chuẩn an toàn.
Gần nửa tấn thịt thối chuẩn bị vào quán ăn | |
Thu hồi 37 giấy xác nhận ATTP của Công ty MC Food |
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang nhận định, doanh nghiệp nước ta hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nên việc đi tìm thị trường tiêu thụ hàng hoá rất khó khăn. Việc kết nối cung - cầu hàng hoá là rất cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiếm nhà phân phối sản phẩm. Bên cạnh đó, qua chương trình doanh nghiệp được khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn an toàn. Cách làm này góp phần nâng cao chất lượng hàng hoá, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân cũng như yêu cầu thị trường xuất khẩu khi quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
Qua 4 năm thực hiện kết nối cung – cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành đã cho thấy hiệu quả rất cao. Thông qua chương trình đã có 965 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các doanh nghiệp ở các địa phương, với tổng giá trị trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó, TP HCM tiêu thụ hàng hoá của các tỉnh, thành trị giá trên 13.500 tỷ đồng và cung ứng hàng hoá cho các tỉnh thành trên 6.500 tỷ đồng.
Theo ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn, tỉnh An Giang, việc thực hiện chương trình kết nối cung - cầu giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức tìm kiếm đối tác kinh doanh. Riêng trong năm 2015, doanh số bán hàng qua chương trình kết nối cung – cầu tại siêu thị là hơn 90 tỷ đồng, con số này đã cho thấy hiệu quả rất lớn mà chương trình mang lại cho doanh nghiệp.
Bà Lê Ngọc Đào cho rằng, 3 lợi ích chính của việc thực hiện kết nối cung -cầu là tạo sự gần gũi giữa Sở Công Thương các tỉnh, thành để cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung ứng gặp gỡ trực tiếp với nhà phân phối nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ; chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên, đa số sản phẩm của doanh nghiệp tham gia chương trình đều là sản phẩm đạt chuẩn VietGap, GlobalGap…
Mai Phương