Mất cơ hội chữa bệnh vì… que thử ung thư
Cẩn thận kẻo để vuột mất “thời gian vàng” trong cơ hội chữa trị ung thư, một trong những căn bệnh nan y nguy hiểm, không chỉ ở riêng Việt Nam - đó là lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa khi trả lời truyền thông về sự nguy hại của một loại dụng cự được gọi là “que thử ung thư nhanh” đang được quảng cáo đầy rẫy trên các trang mạng xã hội.
Que thử ung thư siêu nhanh - tin được không? |
Khi tuổi của người bệnh ung thư ngày càng trẻ hóa, khi chưa có thuốc đặc trị cho căn bệnh quái ác này, một căn bệnh mà sự tiến triển của nó âm thầm thì việc người bệnh tin một cách ít chọn lọc hay nói cách khác là mù quáng vào tất thảy những thứ có liên quan đến chẩn đoán và chữa trị cũng là điều không khó lý giải.
Bộ que thử ung thư nhanh đang được rao bán trên mạng xã hội FB |
Tuy nhiên, khi mà đối với tất cả các loại bệnh tật, đặc biệt là ung thư, khả năng bảo toàn mạng sống phụ thuộc nhiều vào thời điểm phát hiện sớm hay muộn, thì những thiết bị không được kiểm định và công nhận, không đáng tin cậy như kiểu “que thử ung thư nhanh” sẽ gây ra hậu quả khó lường. Vuột mất cơ hội chữa trị bệnh sớm, người bệnh có thể sẽ phải trả giá cho niềm tin mù quáng bằng mạng sống của mình…
Đã có que thử thai thì tại sao lại không có que thử ung thư?
Đó là lý giải của một trong những người bỏ tiền ra mua “que thử ung thư sớm” khi tiếp xúc với chúng tôi. Chị là giáo viên dạy trung học, khoảng nửa năm gần đây cảm thấy trong mình có nhiều biểu hiện mà qua tìm hiểu thông tin trên Internet chị ngờ rằng đó là triệu chứng của khối u tử cung. Bởi vậy, theo quảng cáo trên mạng xã hội facebook, chị đã tìm mua được bộ dụng cụ “que thử ung thư sớm” mang về nhà làm theo chỉ dẫn để tự chẩn đoán cho mình. Kết quả, chị không bị ung thư. Quá vui về điều đó, chị gần như tê liệt khả năng phân tích về độ chính xác của cái thứ dụng cụ trôi nổi nọ. Chị bảo, chả cần ai phải kiểm định, đã có que thử thai thì tại sao lại không có que thử ung thư. Rồi chị dẫn ra hàng loạt các các kết quả nghiên cứu của Trung Quốc. Tôi ban đầu khá ngạc nhiên vì chị dạy Văn phổ thông mà sao hiểu biết về y khoa đến thế. Mãi sau, khi tìm hiểu trên mạng xã hội, tôi mới biết, hóa ra những thứ chị nói như thuộc lòng kia là từ một trang quảng cáo về que thử ung thư nhanh trên facebook.
Chúng tôi đã được mục sở thị bộ dụng cụ mà chị coi là “thần thánh” này. Nó bao gồm một khay nhỏ đựng hai lọ. Một lọ đã chứa hóa chất sẵn và một lọ để đựng nước tiểu. Theo chỉ dẫn cách thử trên trang facebook này thì đầu tiên là lấy nước tiểu, sau đó trút 0,5ml nước tiểu vào 0,5ml hóa chất thử sao cho bằng đúng với vạch đã đánh dấu bằng sơn trắng trên ống. Lắc đều ống hóa chất rồi chờ sau 5 phút sẽ kết tủa. So sánh màu của chất kết tủa với bảng màu mẫu có sẵn trong bộ thử để có kết quả tương ứng:
Màu trắng hoặc vàng nhạt: Âm tính (-)
Màu hồng: Dương tính (+)
Màu hồng nhạt: Dương tính nhẹ (+/-)
Màu đỏ gạch: Dương tính mạnh (++)
Cũng theo quảng cáo ở trang facebook này, loại que thử nói trên sẽ cho kết quả chính xác cao, thuận tiện, địa chỉ bán hàng tại Hà Nội kèm theo 2 số điện thoại liên hệ cũng được ghi rõ ràng. Trang facebook này còn cho biết tuy địa chỉ bán hàng ở Hà Nội nhưng nếu người ở tỉnh xa muốn mua thì cũng sẵn sàng ship hàng tới các tỉnh.
“Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, không có thiết bị nào như vậy”
Đó là khẳng định của PGS.TS Trần Văn Thuấn - Phó giám đốc Bệnh viện K, Hà Nội khi trả lời câu hỏi của báo chí về “que thử ung thư nhanh”. Ông cho biết thêm: “Để chẩn đoán ung thư, chúng ta phải làm theo quy trình”. Quy trình đó rất phức tạp chứ không phải chỉ thử và cho ra kết quả sau 5 phút như quảng cáo.
Trả lời báo chí, đại diện Vụ Trang thiết bị, Bộ Y tế cũng cho biết: Hiện Bộ Y tế không hề cấp phép cho bất kỳ một loại que thử ung thư nào. PGS.TS Trần Văn Thuấn giải thích: “Việc chẩn đoán ung thư cần tuân thủ theo quy trình hết sức chặt chẽ để tránh bỏ sót các trường hợp ung thư, nếu như vậy sẽ làm cho người bệnh bỏ qua mất “thời gian vàng” để điều trị”.
Nếu tin vào kết quả của que thử này, người bệnh có thể rơi vào trường hợp mắc bệnh mà không biết, tin vào kết quả âm tính của que thử và nghĩ là mình không bị bệnh. Bởi thế sẽ không tới các cơ sở y tế và tự mình làm vuột mất cơ hội vàng trong điều trị. Là bác sĩ chuyên khoa điều trị ung thư, ông cũng như các đồng nghiệp tại Bệnh viện K đã chứng kiến khá nhiều trường hợp người bệnh để vuột mất cơ hội vàng trong điều trị bệnh.
Theo đánh giá của Bộ Y tế và ngành ung thư Việt Nam, mỗi năm ước tính cả nước có khoảng 150.000 người mới mắc và khoảng 80.000 người tử vong do ung thư. Đây là căn bệnh có xu hướng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, ung thư là bệnh hoàn toàn chữa khỏi được nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Cho tới nay, tại nhiều nước phát triển, con người đã chữa khỏi được tới 80% bệnh ung thư. Tỷ lệ này ở Việt Nam có khiêm tốn hơn do phần lớn người bệnh tới khám và điều trị ở giai đoạn muộn. Cũng bởi vậy mà nếu như thị trường que thử lộng hành, không được kiểm soát thì sẽ góp phần làm gia tăng số bệnh nhân thuộc trường hợp “đến khám và điều trị muộn”.
Đừng để phải hối tiếc vì thiếu hiểu biết
Đó là lời khuyên của các chuyên gia y tế trong tầm soát, phòng ngừa và điều trị ung thư. Vẫn biết, có bệnh thì vái tứ phương như dân gian đã từng tổng kết nhưng trong điều trị bệnh, từ khâu chẩn đoán đến khâu điều trị cần phải tuân thủ theo chỉ định của các bác sĩ ở những cơ sở y tế có đầy đủ máy móc, trang thiết bị. Gần đây, trên một trang mạng xã hội có quảng bá về một loại dầu cần sa y tế có thể chữa được ung thư. Trang này tuyên truyền rằng, “Cần sa trị ung thư - Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ đã biết điều này từ năm 1974.
Năm 1974, các nhà khoa học thuộc Đại học Y Virginia đã được Viện Y tế Quốc gia Mỹ tài trợ nghiên cứu nhằm tìm ra bằng chứng về việc cần sa hủy hoại hệ miễn dịch. Nhưng thay vào đó, kết quả nghiên cứu lại chỉ ra rằng chất THC có trong cây cần sa làm chậm sự phát triển của 3 loại tế bào ung thư trên chuột thí nghiệm”. Nhưng theo các chuyên gia về ung thư thì hoàn toàn không phải như vậy. Dầu cần sa không chữa được ung thư.
Tương tự, cũng theo đồn đại, người bệnh ung thư đã từng đổ xô lên một cơ sở ở Thái Nguyên để được chữa bệnh bằng phương pháp dẫm, đạp thật lực lên cơ thể.
Hoặc ngay tại Hà Nội đã có bệnh nhân tin vào một người đàn bà múa may tại cổng Bệnh viện K, tự xưng là thánh cô, có khả năng chữa ung thư bằng những lọ nước không rõ nguồn gốc.
Hoặc, các bác sĩ ở Bệnh viện K đã từng đau lòng khi chứng kiến khá nhiều bệnh nhân tử vong vì tin vào những phương thuốc đông y chưa được kiểm chứng. Một bác sĩ chuyên khoa điều trị ung thư kể: “Qua hơn 20 năm làm công tác điều trị, thực tế chúng tôi gặp không ít các trường hợp đang được điều trị bằng các phương pháp chính thống gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, kết quả đang rất tốt lại bỏ để điều trị bằng một số loại lá, thuốc không rõ nguồn gốc, các phương pháp điều trị không chính thống… qua các thông tin, tuyên truyền cũng không chính thống. Kết quả là nhiều trong số các bệnh nhân này thấy không đỡ quay lại xin điều trị bằng Tây y thì bệnh đã ở giai đoạn quá khả năng cứu chữa, phần còn lại tử vong trong quá trình điều trị.
Điển hình trong số này là vào năm 1995-1996, khi đó có phong trào du lịch sang Trung Quốc chữa bệnh ung thư bằng thuốc gọi là “Thiên tiên dịch”, sau một thời gian, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện K có điều tra, khảo sát lại các bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này thì thấy phần lớn trong số họ đã tử vong”.
Vậy nên, xin kết thúc bài viết này bằng lời khuyên của PGS.TS Trần Văn Thuấn, một chuyên gia hàng đầu về điều trị ung thư tại Việt Nam: “Ung thư là bệnh hoàn toàn chữa khỏi được nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp”.
Song Thi