Kinh tế Việt Nam 10 năm nhìn lại
Giai đoạn 2006 - 2015 là giai đoạn mà tình hình kinh tế - chính trị khu vực và thế giới có nhiều biến động mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng và phát triển ổn định, mặc dù gặp nhiều trở ngại được coi là một thành tựu đáng khích lệ.
Cảng Đình Vũ - Hải Phòng |
Nhìn lại, vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đã châm ngòi cho những biến động trên toàn cầu: Kinh tế Mỹ bước vào cuộc suy thoái, kinh tế của châu Âu bắt đầu giai đoạn đáng báo động với tốc độ tăng trưởng đáng thất vọng - chỉ 0,7%/năm. Nhật Bản hứng chịu hậu quả nặng nề của trận đống đất - sóng thần bên cạnh sự phát triển chật vật trong bài toán tiêu dùng trong nước…
Đến năm 2007, kinh tế toàn thế giới xuất hiện những yếu tố rõ ràng về sự suy thoái khi các mặt hàng thiết yếu, các lĩnh vực hàng hóa, tài chính ngân hàng, tiền tệ biến động cực mạnh: Giá dầu lên mức kỷ lục, giá vàng cao nhất trong vòng 30 năm, đồng USD sụt giảm cùng biểu hiện đổ vỡ thị trường tài chính. Bên cạnh đó cuộc khủng hoảng nợ công đã bắt đầu bùng phát ở một số nước châu Âu.
Việt Nam, với những kết quả nổi bật từ giai đoạn 2001 - 2005 đã bước vào giai đoạn 2006 - 2015 với một vị thế được củng cố một cách toàn diện.
Tăng trưởng giai đoạn này tiếp tục được duy trì, vượt qua nhiều khó khăn của thế giới để đạt mức 6,38% trong cả giai đoạn này, đặc biệt lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng trưởng cao xấp xỉ 7%/năm. Với tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ, lạm phát sau một thời gian “phi mã” cũng đã được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là cuối giai đoạn từ 2012 đến nay: từ 11,75% năm 2010 xuống chỉ còn dưới 1% trong năm 2015. Đáng chú ý trong thời gian này là dòng vốn FDI được thu hút tăng qua từng năm: ước tính năm 2015, tổng vốn FDI tăng gấp hơn 4 lần so với 2005.
Một con số cũng đáng khích lệ là quy mô của nền kinh tế: GDP 2015 ước đạt trên 204 tỉ USD, gấp gần 4 lần so với 2005; thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 2.000USD, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình.
Nhìn lại cụ thể từng giai đoạn, có thể thấy 2006 - 2010 đã cho chúng ta một bước tiến vững chắc nhằm làm tiền đề cho sự phát triển của những năm tiếp theo.
Điểm sáng trong toàn bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam từ 2006 - 2010 là hoạt động đầu tư vào nền kinh tế, kể cả vốn thu hút nội địa và trực tiếp nước ngoài. Điểm sáng này có thể giải thích bởi kết quả của việc gia nhập WTO năm 2007, khi đó hàng loạt các công ty, tập đoàn lớn của thế giới đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư trong một điều kiện kinh tế chính trị ổn định một thời gian rất dài. Có thể khẳng định, những dự án đầu tư thời điểm đó đã tạo ra sức bật đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam trong những giai đoạn sau này và cả những năm tiếp theo.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2006 - 2010 đã đạt trên 40% GDP, trong đó thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 45 tỉ USD, vượt qua 77,8% kế hoạch, trong khi đăng ký mới đạt đến con số kỷ lục 146,8 tỉ USD, gấp đến gần 3 lần kế hoạch đề ra và tăng gấp 7 lần so với giai đoạn 2001 - 2005. Một nguồn vốn lớn được đầu tư trong giai đoạn này đã đưa hầu hết các ngành, lĩnh vực của Việt Nam đạt được những bước phát triển khá, các sản phẩm ngày càng được đa dạng, cải thiện về chất lượng, kết cấu hạ tầng, giao thông, đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao được xây dựng, mở rộng và phát triển đầy ấn tượng.
Hoạt động kinh tế đối ngoại từ năm 2006 - 2010 cũng có những dấu ấn nội bật: Tính đến 2010, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 175 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký hơn 60 hiệp định kinh tế - thương mại song phương. Nhiều quan hệ kinh tế đối ngoại chiến lược tiếp tục được củng cố và nâng lên tầm cao mới, như các tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, hợp tác khu vực sông Mêkông, các quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Nổi bật nhất chính là việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO, góp phần tạo bước ngoặt mới cho nền kinh tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo môi trường thuận lợi để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài. Xuất khẩu giai đoạn này có bước tăng trưởng ấn tượng: bình quân khoảng 19%/năm, như 2010 đạt 84,8 tỉ USD, gấp hơn 5 lần năm 2001.
Nổi bật nhất trong 2011 - 2015 chính là việc ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh tế thông thoáng, an toàn cho các hoạt động kinh tế.
Phải nói rằng giai đoạn 2011 - 2015, chúng ta đã phải chứng kiến và trải qua những sự biến động quá mạnh của toàn bộ nền kinh tế thế giới: chính điều này đã tác động một cách tiêu cực tới sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao tới 2 con số trong năm 2011.
Trước những vấn đề mang tính sống còn của nền kinh tế, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2012 nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội song song với việc thực hiện toàn diện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Bằng những giải pháp đồng bộ, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh từ 18,13% năm 2011 xuống chỉ còn 2% vào năm 2015; mặt bằng lãi suất từ mức xấp xỉ lạm phát nay đã giảm xuống mức dưới 8%, dự trữ ngoại hối cao nhất trong lịch sử, ước đạt trên 40 tỉ USD ở một số thời điểm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã đạt 31,2% GDP, con số tuyệt đối cao gấp gần 2 lần so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Việc phát triển bền vững nền kinh tế được đặc biệt coi trọng, đi cùng với tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng được hoàn thiện bước đầu. Tiến trình này đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; tỷ trọng vốn đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội giảm xuống dưới 30%, giảm bớt gánh nặng đầu tư cho Nhà nước, giúp doanh nghiệp tư nhân có dư địa đểm phát triển đột phát trong nhiều lĩnh vực. Đây chính là một trong những bước để dần tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước: Năm 2015 đã sắp xếp gần 500 doanh nghiệp, thu về hơn 13 ngàn tỉ đồng, gấp 1,5 lần vốn đầu tư và giá trị sổ sách ban đầu, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp Nhà nước đã tăng gần gấp đôi trong năm 2015.
Hành trình tái cơ cấu nền kinh tế còn có một điểm sáng đáng chú ý: Đó là việc thực hiện tái cơ cấu ngành ngân hàng và các tổ chức tín dụng: Chỉ sau 3 năm từ 2012, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện giảm 17 tổ chức tín dụng, đưa nợ xấu từ mức gần 18% xuống dưới 3% trong năm 2015.
Các khâu đột phá chiến lược đã được Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững: Quốc hội đã ban hành 87 bộ luật, luật; Chính phủ ban hành 668 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 340 quyết định, hầu hết đều được đánh giá cao, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, giảm bớt thủ tục và phiền hà cho doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực kinh doanh, hành chính công…
Có thể khẳng định, giai đoạn 2011 - 2015 đã đánh dấu sự cải thiện đáng kể và phục hồi mang tính thực chất của nền kinh tế, trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đáng khích lệ của 2006 - 2015. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập, đặc biệt là giai đoạn sắp tới với hàng loạt hiệp định thương mại tự do với Mỹ, EU, Hàn Quốc, Cộng đồng kinh tế ASEAN hay TPP…
Bảo Sơn