Việt - Hàn chính thức mở cửa tự do thông thương
Ngày 20/12/2015, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực. Kể từ hôm nay, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc sẽ có điều kiện khai thác các ưu đãi thương mại, đầu tư mà hai nước dành cho nhau trong Hiệp định.
Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng hơn 57 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 28,8 tỷ USD năm 2014. Hàn Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ). Đồng thời, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc.
Sam Sung Vina là doanh nghiệp FDI dẫn đầu với doanh số xuất khẩu hơn 26,5 tỉ USD. |
Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất sang Hàn Quốc trong năm 2014 bao gồm dệt may (đạt 2,14 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2013), hàng thủy sản (654 triệu USD, tăng 28%), gỗ và sản phẩm gỗ (489 triệu USD, tăng 49%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (395 triệu USD, tăng 21%), điện thoại các loại và linh kiện (334%, tăng 53%) v.v…
Ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Hàn Quốc máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (5,05 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (3,1 tỷ USD), vải các loại (1,8 tỷ USD), điện thoại các loại và linh kiện (1,7 tỷ USD), chất dẻo nguyên liệu (1,2 tỷ USD)…
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 11 tháng năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 33,6 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 8,2 tỷ USD tăng 25,2%; nhập khẩu đạt 25,4 tỷ USD tăng 28,2%.
Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chỉ ra rằng Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành quốc gia dẫn đầu với 4.777 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 43,6 tỷ USD trong 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hoạt động đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam diễn ra ở 17 phân ngành, trong đó tập trung nhiều nhất ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ và xây dựng.
Ô tô Hàn Quốc sẽ từng bước giảm giá tại Việt Nam. |
Số vốn đầu tư trong bốn ngành này chiếm trên 5 tỷ USD tương đương 96% tổng số vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm. Gần 3.000 Công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, sử dụng trên 400.000 lao động với các cơ sở sản xuất quy mô lớn như thiết bị điện tử và thép./.
Sau khi Hiệp định có hiệu lực, hai Bên sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng và các Tiểu ban chức năng về Thương mại hàng hóa, Hải quan, Phòng vệ thương mại, Các biện pháp An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật (SPS)… để rà soát, giám sát và đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc thực thi Hiệp định.
Tùng Dương