Phụ gia thực phẩm: Lợi bất cập hại
Vừa qua, Ủy ban Codex Việt Nam, Cục An toàn thưc phẩm phối hợp với Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Đà nẵng tổ chức tập huấn “Phụ gia thực phẩm và các vấn đề liên quan ” tại Đà Nẵng.
Tham dự hội nghị tập huấn có 19 đại diện của các Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Công Thương các tỉnh khu vực miền Trung, Chi cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Trung, Công ty CP Liwayway Việt Nam, Công ty Amway Việt Nam, Công ty TNHH Pepsi Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất chế biến kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm tại thành phố Đà nẵng.
Phụ gia thực phẩm được bày bán ngoài chợ |
Thầy thuốc nhân dân, BSCKII Nguyễn Út, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng phát biểu chào mừng các đại biểu tham dự lớp tập huấn. TS. Lê Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát biểu khai mạc và chủ trì Hội nghị. TS. Lê Văn Giang nêu vai trò quan trọng trong việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
Việc sử dụng phụ gia thực phẩm đem lại nhiều lợi ích như tạo cho sản phẩm có màu sắc, mùi vị khác nhau, thơm ngon hơn, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, đáp ứng được khẩu vị, sở thích của người tiêu dùng, giữ chất lượng sản phẩm, tạo thuận lợi trong công nghệ chế biến, tăng giá trị thương phẩm trên thị trường. Tuy nhiên nếu lạm dụng phụ gia quá mức cũng sẽ dẫn đến những tác hại có thể gây ngộ độc mãn tính hay cấp tính.
Tại buổi tập huấn các đại biểu được nghe các báo cáo viên trình bày các nội dung như: Giới thiệu Ban kỹ thuật Codex quốc tế về Phụ gia thực phẩm (CCFA); Thông tư hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm; Thực trạng quản lý sử dụng phụ gia thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà nẵng; Truy cập thông tin về phụ gia thực phẩm của Codex quốc tế; Báo cáo về quản lý phụ gia thực phẩm.
Các đại biểu thảo luận và nêu các câu hỏi liên quan đến quản lý phụ gia cho các nhóm sản phẩm thực phẩm, hạn sử dụng các chất phụ gia liên quan đến công bố, bao bì, dụng cụ trực tiếp chứa đựng phụ gia, sử dụng cùng một lúc nhiều phụ gia cho một sản phẩm thực phẩm. Các chi cục ATVSTP rất quan tâm đến vấn đề định dạng văn bản trên trang Web của Cục An toàn thực phẩm để tạo điều kiện thuận lợi khi tra cứu cũng như dễ dàng tải văn bản để sử dụng. Một số vấn đề quan trọng khác cũng được thảo luận như ghi nhãn thực phẩm trong đó có ghi nhãn phụ gia thực phẩm bán lẻ, cách ghi nhãn hỗn hợp nhóm phụ gia…
Trong phần phát biểu bế mạc, TS. Lê Văn Giang ghi nhận các kiến nghị và đề xuất của doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý và giải đáp các câu hỏi của đại biểu. Đồng thời cũng nêu rõ đã có các văn bản pháp luật về quản lý phụ gia thực phẩm để phục vụ cơ quan quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ và nếu cần thiết có thể gửi văn bản đến Cục An toàn thực phẩm hoặc Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm để được tư vấn.
PV