GS. Nguyễn Minh Thuyết:
'Đừng mãi trả người tài bằng đồng lương... tượng trưng'
Câu chuyện của giảng viên Doãn Minh Đăng, trường ĐH Kỹ Thuật Công Nghệ Cần Thơ (Cựu thí sinh chương trình Đường lên đỉnh Olympia) tố trường trên trang cá nhân với nội dung bị đối xử bất công, khiến dư luận đặt câu hỏi về cách ứng xử với người tài.
Không phải đến bây giờ câu chuyện du học sinh ở, hay về mới thu hút sự quan tâm của dư luận. Khi vụ việc Đà Nẵng khởi kiện nhân tài còn chưa lắng xuống thì việc Doãn Minh Đăng, cựu thí sinh của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia vốn đang là giảng viên trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ tố trường này đối xử bất công với mình trên Facebook đã gây chú ý trong dư luận.
Dù khác nhau về bản chất nhưng hai sự việc ở Đà Nẵng và Cần Thơ đều liên quan đến nhân tài. Bấy lâu, chúng ta luôn trách cứ người tài một đi không trở lại. Và việc “chảy máu chất xám” vốn đã là mối lo ngại cố hữu của Việt Nam.
Thế nhưng không mấy khi đặt câu hỏi: Vì sao người tài ngại trở về phục vụ quê hương? Để rồi “hiện tượng” Doãn Minh Đăng đã khiến môt loạt du học sinh lên tiếng.
Về điều này chia sẻ với Báo điện tử PetroTimes, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Đừng trách người tài vì thời đại phát triển hiện nay, ở đâu cũng có thể cống hiến cho đất nước. Người tài chưa toàn tâm, toàn ý muốn quay về một phần là do chúng ta chưa biết thu hút họ.
GS. Nguyễn Minh Thuyết |
GS. Nguyễn Minh Thuyết nhận định: Thực sự ra anh em ở Việt Nam đi nước ngoài học hành không phải ai cũng thích môi trường sống ở nước ngoài hơn nhưng để về nước làm việc thì người ta cũng phải tính toán.
Nếu về nước mà có điều kiện phát triển thì tốt chứ, vì họ được gần với gia đình và tâm lý ai cũng muốn thành danh trên quê hương. Nhưng thực tế thì về nước làm việc họ gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Đặc biệt là trong việc tìm đúng công việc phù hợp với chuyên môn nghiên cứu.
Thứ nhất về vấn đề cơ chế, du học sinh về nước xin việc phải nói là cực kỳ khó khăn, rất nhiều nơi phải chạy tiền mới có việc làm. Khi họ chạy tiền để được vào rồi thì cơ hội thăng tiến cũng rất khó. Bởi tiếp tục thăng tiến thì lại tiếp tục phải… tiền. Đó là điều khó chấp nhận đối với những người đã từng đi học ở nước ngoài.
Thứ 2 là đồng lương eo hẹp, họ lấy gì họ trang trải cuộc sống. Chế độ lương bổng trong nước thấp hơn hẳn so với ở nước ngoài.
Thứ 3 ít có cơ hội làm đúng sở trường, môi trường làm việc nhiều điều làm người ta bị gò bó và bức xúc với nhiều chính sách rất quan liêu.
GS. Thuyết diễn giải: Ví dụ ở nước mình chỉ nguyên việc xin sửa cái nhà thôi cũng phải bao nhiêu thứ phải chạy vạy, chưa kể đến vấn đề an ninh và bảo vệ nhân phẩm con người. Ở nước ngoài chỉ cần xúc phạm đến nhân phẩm cá nhân bằng lời nói là có thể bị ra tòa rồi.
Còn ở Việt Nam có khi còn bị đánh rất vô cớ. Thành thử, cuộc sống đời thường khiến những người đã từng học ở nước ngoài cảm thấy khó hòa nhập được.
Vậy làm thế nào để chiêu mộ nhân tài về phục vụ quê hương thì GS. Thuyết cho rằng: Chúng ta phải tạo điều kiện hết sức họ, cải thiện thu nhập để họ chuyên tâm đóng góp trí tuệ cho đất nước. Chúng ta không thể trả công cho họ chỉ bằng đồng lương tượng trưng như thế mãi.
Đặt vấn đề chảy máu chất xám ở Việt Nam đã xảy ra rất nhiều năm, việc cần làm cũng đã vạch ra rất nhiều nhưng chưa có xoay chuyển, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Chúng ta đặt ra nhưng chúng ta chưa hành động.
Đầu tiên những người chịu trách nhiệm về mặt nhân sự cần có sự thay đổi về mặt chính sách đối với đội ngũ trí thức, các du học sinh đi học về. Tuy nhiên, hiện tại là không thay đổi thì cũng… chẳng sao. Cơ chế chưa bắt buộc phải thay đổi!
Thực tế vẫn có rất nhiều người xác định được đất nước còn khó khăn nhưng họ vẫn chọn con đường về nước cống hiến, vượt qua được khó khăn, hòa nhập được với cuộc sống trong nước. Còn những ai không về hoặc chưa thể về thì theo GS. Nguyễn Minh Thuyết: Chúng ta đang ở thời đại công nghệ phát triển nên người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài vẫn có thể đóng góp được cho quê hương.
Đương nhiên đối với những “người tài” đi học bằng ngân sách nhà nước thì cần về phục vụ quê hương.
“Những anh em đi học bằng học bổng của nhà nước nếu không trở về thì phải đền bù tiền ngân sách. Điều đó là đương nhiên, là người có tri thức thì anh phải cư xử một cách đoàng hoàng”- GS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.
Huyền Anh